Hậu thất bại của Arsenal: Pháo thủ còn đâu thời oanh liệt - Nỗi buồn đọng mãi của Giáo sư

01:09 Thứ ba 01/05/2018

TinTheThao.com.vnTrận đấu cuối cùng đụng độ MU trên tư cách HLV trưởng Arsenal của "Giáo sư" Wenger đã kết thúc một cách không trọn vẹn.

Các "Pháo thủ" chỉ tung ra được 8 cú dứt điểm trong suốt 90 phút, trong đó chỉ có 3 lần bóng đi đúng hướng. Càng tệ hơn khi "the Gunners" còn không có được một quả đá phạt góc nào và kết thúc trận đấu với tỷ lệ kiểm soát bóng ít hơn đối thủ (41% so với 59% của MU).

Những thống kê cho thấy có vẻ như đó là trận đấu giữa MU và một đội bóng "chiếu dưới" nào đó chứ không phải là với Arsenal, đại kình địch một thời của họ tại Premier League. Dẫu biết, "Pháo thủ" tung ra sân một đội hình với nhiều cầu thủ trẻ nhằm giữ sức cho đấu trường Europa League, thế nhưng với các cổ động viên lâu năm của Arsenal, trận thua này vẫn để lại một dư vị đắng ngắt và thật khó để chấp nhận.

Đau đớn cùng những hoài niệm xưa cũ

Hãy nhớ về quá khứ, trước khi Arsene Wenger đến với Arsenal, Man United là một thế lực thật sự tại xứ sương mù. Kể từ khi giải Ngoại hạng Anh chính thức đổi tên thành Premier League (1992) thì MU đã vô địch đến 8 trong tổng số 12 lần giải đấu được tổ chức. Vậy thì đội bóng nào đã chen chân được vào chuỗi thống trị của "Quỷ đỏ", chỉ có thể là Arsenal.

Thành tích phi phàm của "Pháo thủ" gắn liền với một con người vĩ đại, Arsene Wenger. Trước khi có Wenger, "the Gunners" là một đội bóng thô lỗ, cục mịch, nơi tập hợp của những "đồ tể" có tiếng ở Ngoại hạng Anh như Tony Adams, Lee Dixon hay Martin Keown. Lối chơi "chém đinh chặt sắt" được thừa hưởng từ người tiền nhiệm George Graham khi đó dường như đã "ăn trong máu" của "Pháo thủ".

Dư âm thất bại của Arsenal: Pháo thủ còn đâu thời oanh liệt - Nỗi buồn đọng mãi của Giáo sư - Bóng Đá

 Wenger đã thay đổi rất nhiều thứ ở Arsenal.

Ấy thế mà khi Wenger đến với Arsenal, ông đã biến đội bóng này thành một tập thể hoàn toàn khác. Chia tay với những hình ảnh "bạo lực, côn đồ" của quá khứ, "the Gunners" lột xác trở thành một "vũ nữ" có phong cách "sexy", cuốn hút bậc nhất xứ sương mù. Đúng như cái cách mà Wenger từng nói : "Một đội bóng cũng giống như một người phụ nữ đẹp vậy. Khi bạn không nhắc, cô ấy sẽ quên mất mình đẹp".  

Kỷ luật của đội đã thay đổi, tư duy chơi bóng sang trang mới và những nghệ sĩ đích thực bắt đầu được đưa về. Lần lượt Dennis Bergkamp, Thiery Henry, Marc Overmars,… cập bến tới Highbury và biến những màn trình diễn của "Pháo thủ" trở nên quyến rũ và đầy lôi cuốn.  

Cuộc cạnh tranh không hồi kết với MU

Cả xứ sương mù như ngất ngây với phong cách chơi bóng của "the Gunners", duy chỉ có một người là cảm thấy không hứng thú gì mấy, đó là Sir Alex Ferguson. Hứng thú sao được khi Arsenal cứ liên tục giành được những chiến thắng và thách thức vị thế thống trị nước Anh của "Quỷ đỏ". "Ghét nhau ghét cả đường đi lối về", không thích "the Gunners", Sir Alex cũng không ưa nốt vị chiến lược gia của "Pháo thủ".

Khi được hỏi về Wenger, Sir Alex đã từng có một phát biểu cộc lốc: "Họ bảo ông ta là một người đàn ông thông minh và có khả năng nói được 5 thứ tiếng ư? Tôi biết một thằng nhóc 15 tuổi gần nhà cũng có thể làm y chang như thế."

Dư âm thất bại của Arsenal: Pháo thủ còn đâu thời oanh liệt - Nỗi buồn đọng mãi của Giáo sư - Bóng Đá

 Cuộc cạnh tranh giữa Wenger và Sir Alex đã trở thành một huyền thoại tại Premier League.

Sự ganh đua giữa hai câu lạc bộ và những thù hằn bên đường pitch đã biến cặp đấu giữa Arsenal và MU trở thành một trong những cuộc đối đầu hấp dẫn nhất lịch sử Premier League. Có thể kể ra một vài ví dụ tiêu biểu như chiến thắng kịch tính 1-0 năm 1998 giúp "Pháo thủ" giành chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên dưới thời Wenger.

Hay là thất bại đớn đau tại Old Trafford làm chấm dứt chuỗi 49 trận bất bại của Arsenal ở Premier League. Kéo theo đó một trong những scandal nổi tiếng nhất nơi hậu trường bóng đá mang tên "trận chiến buffet". Tất cả hiện lên như một thước phim quay chậm mà khi nhìn vào đó, dù là một người không rành về bóng đá cũng có thể nắm bắt được tiến trình lịch sử của Premier League.

Sâu trong thâm tâm Wenger, ông xem Man United như là một trong những địch thủ lớn nhất của đời mình. Những cuộc chạm trán giữa Arsenal của Wenger với Man United của Sir Alex Ferguson đã gắn chặt với ký ức của những người yêu Premier League và dĩ nhiên, nó cũng mang đến cảm xúc khó tả trong sự nghiệp huấn luyện của hai nhà cầm quân.

Đó có thể là niềm vui chiến thắng, nỗi sầu khi thua, hạnh phúc khi vượt lên phút chót hay ngất ngây vì đã chơi một trận trên cơ địch thủ. Có lẽ những rung động bâng khuâng đó đã ùa đến với Wenger khi ông đặt chân lên thảm cỏ của sân Old Trafford, đón nhận sự tri ân của người bạn già đồng thời cũng là địch thủ một đời, Sir Alex Ferguson hôm Chủ nhật vừa rồi.

Dư âm thất bại của Arsenal: Pháo thủ còn đâu thời oanh liệt - Nỗi buồn đọng mãi của Giáo sư - Bóng Đá

 Giờ đây, khi về hưu, hai người lại trở thành những người bạn.

Thế nhưng khi bước đến ghế chỉ đạo và ngoái đầu nhìn lại, những khoảnh khắc ấy dường như đã trôi qua mất, hay nói cách khác là biến đi nhanh như một làn gió.

Những cuộc cạnh tranh xưa cũ, những giây phút ganh đua quyết liệt, cả cuộc đời dường như chỉ được giành để đối đầu với nhau ấy sao mà trôi qua mau thế. Để rồi trước mắt của "ông giáo già" giờ đây chỉ còn là những hoài niệm về một thời xa vắng.

Arsene Wenger, con người duy mỹ và chặng kết hành trình đầy xao xuyến

Chắc hẳn, những ai là fan của Premier League đều biết Arsene Wenger là một con người duy mỹ. Vào thời đại mà các huấn luyện viên và cầu thủ còn chưa biết thế nào là làm việc khoa học, chơi bóng đẹp mắt hay phối hợp đỉnh cao thì Wenger đã đến và thay đổi tất.

Ông biến Arsenal thành một tập thể thống nhất, can thiệp vào những sinh hoạt đơn giản nhất của các cầu thủ như "ăn uống ngủ nghỉ" để giúp họ tận dụng tốt nhất sức mạnh thể chất. Đi cùng với đó, "Giáo sư" còn dành công sức để nghiên cứu về kỹ năng và phong cách chơi của từng gương mặt một. Từ đó giúp họ thi đấu tốt hơn và phát huy được tối đa sở trường của mình.

Cách huấn luyện của Wenger tựa như cách một "nhà sư phạm" đang giảng dạy cho học trò. Ông luôn muốn mọi thứ phải đi theo một quy trình khoa học, chặt chẽ và đạt được thành tích hoàn hảo nhất có thể. Thế nhưng dù là một người nghiêm khắc và đề cao tính chính xác nhưng ông không hề khô cứng.

Dư âm thất bại của Arsenal: Pháo thủ còn đâu thời oanh liệt - Nỗi buồn đọng mãi của Giáo sư - Bóng Đá

 Wenger yêu thích đọc sách đến lạ lùng.

Trái lại, "Giáo sư" là một người vô cùng lãng mạn. Ông yêu văn học cổ điển, thích rượu vang, âm nhạc và đặc biệt rất "kết model" với các trước tác của đại văn hào Shakespeare. Wenger yêu Shakespeare vì cách sắp đặt tình tiết thông minh trong tác phẩm, tựa như cách một huấn luyện viên bóng đá xây dựng sẵn kịch bản cho những trận đấu của mình vậy.

Và có lẽ ông cũng biết Shakespeare trở nên vĩ đại trên văn đài thế giới là nhờ vào những vở bi kịch. Thế nhưng Wenger lại không thích điều đó, trong vô vàn tác phẩm của đại văn hào người Anh, ông chỉ yêu mỗi một vở hài kịch mang tên "Giấc mộng đêm hè". Ngộ nghĩnh thay, đó cũng là vở hài kịch duy nhất được Shakespeake viết nên trong cuộc đời, còn lại ông toàn sáng tác những câu chuyện bi thương đến nao lòng.

"Giấc mộng đêm hè" vừa mang tính vui tươi, hài hước, lại vừa đề cao tính sáng tạo và sự tự do, những điều mà Wenger rất yêu thích. Ông cho rằng cuộc đời cũng như một "cơn mê" và chúng ta cần phải biết mơ đến những gì đẹp nhất : "Nếu bạn không tin tưởng vào giấc mơ của mình, bạn sẽ không bao giờ có được thành công cả".

"Cứ mơ và hành động đi, rồi kết quả tốt đẹp sẽ đến", đó có lẽ là câu nói mang tính chất khái quát nhất về triết lý sống của Wenger.

Với một người mang những suy nghĩ như vậy, lẽ dĩ nhiên chiến lược gia người Pháp sẽ không "khoái khẩu" với những vở bi kịch của Shakespeare. Là một người yêu cái đẹp và luôn hướng đến sự hoàn hảo, "Giáo sư" sẽ phủ định ngay những đoạn kết đau thương và mang nặng tính dang dở như thế.

Dư âm thất bại của Arsenal: Pháo thủ còn đâu thời oanh liệt - Nỗi buồn đọng mãi của Giáo sư - Bóng Đá

 Wenger luôn đề cao cái đẹp và phấn đấu đến cùng để theo đuổi sự hoàn hảo.

Ấy thế mà, cái kịch bản không trọn vẹn đó lại trở nên ứng nghiệm với Wenger. Ở lần cuối cùng đối đầu với "Quỷ đỏ" trong tư cách là huấn luyện viên trưởng Arsenal, chiến thắng hay chí ít là một trận hòa đã lạnh lùng "phủi mặt" với chiến lược gia người Pháp. Thất bại 2-1 trong một trận đấu lép vế hoàn toàn trước đại kình địch, rõ ràng không có một đoạn chia ly nào lại buồn như thế.

Dẫu biết trận thua này cũng ko để lại ảnh hưởng gì to tát khi Arsenal đã hết mục tiêu đua tranh vào top 4 và cần bảo toàn lực lượng cho màn đọ sức quyết định ở Europa League; thế nhưng nó vẫn để lại một dư vị chua cay khó tả với những người hâm mộ "Pháo thủ".

Không đau sao được khi trong lần cuối cùng chạm trán với kình địch, "Giáo sư" vẫn không thể giành được chiến thắng để xoa dịu cho những con tim "Pháo thủ" vốn đã chịu nhiều xót xa trong khoảng thời gian vừa rồi. Đối với một người yêu cái đẹp và thích những đoạn kết có hậu như Wenger, đó ắt hẳn sẽ là một nỗi sầu còn lớn lao hơn nữa!

Dư âm thất bại của Arsenal: Pháo thủ còn đâu thời oanh liệt - Nỗi buồn đọng mãi của Giáo sư - Bóng Đá

 Thế nhưng cái kết dành cho ông lại không được như mong muốn.

Trong suốt sự nghiệp ở Arsenal, có không ít lần Wenger gặp phải thất bại, rất nhiều tình huống các cổ động viên biểu tình đòi ông ra đi. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, "Giáo sư" vẫn ở lại vì ông tin vào triết lý của mình, vào những điều bản thân làm và các kết quả tốt đẹp sẽ đến sau đó.

Thế nhưng, "đời không như ước mơ lòng người", chiếc cúp vô địch Ngoại hạng Anh mãi như là một lời nguyền không buông tha Wenger. Kể từ mùa giải bất bại 2003-2004, Ngoại hạng Anh như là một đấu trường gây ám ảnh "Giáo sư" và các "Pháo thủ" khi họ chưa một lần được nếm trải lại cảm giác đăng quang.

Như để thử thách thêm sức chịu đựng, những vinh quang ở League Cup và cúp Châu Âu cũng rủ nhau xa lánh Arsenal. Có lẽ trong giai đoạn khó khăn đó, chỉ có danh hiệu giao hữu Emirates Cup cùng chiếc cúp "cao tuổi" FA là còn ở lại an ủi và động viên tinh thần cho các "Pháo thủ".

Và giờ sau khi kết thúc một chuyện tình đã kéo dài hơn 20 năm với Arsenal, cái kết mà Wenger nhận lại vẫn là một thất bại trước kình địch cũ và một lời chia tay không trọn vẹn với Premier League. Có lẽ ở đâu đó, những cổ động viên lâu năm của Arsenal đang ngậm ngùi suy nghĩ: "Pháo thủ còn đâu thời oanh liệt - Nỗi buồn đọng mãi của Giáo sư". 

- TinTheThao.com.vn - TTVN | 00:06 01/05/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục