Xuất khẩu cầu thủ Việt: Ra đi là phải trở về

14:29 Thứ hai 14/12/2015

(TinTheThao.com.vn) – Khác với các du học sinh luôn tìm cách ở lại xứ người tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, các cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu luôn khao khát trở về phục vụ tổ quốc, quê hương.

Gần đây, chuyện trở về quê hương hay ở lại xứ người của giới du học sinh thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Những tranh luận, lý lẽ, ngụy biện của đôi bên đều dựa trên những quan điểm đúng đắn của mình. Thế nhưng, với cầu thủ được thi đấu ở nước ngoài, họ chắc chắn muốn quay về khi đã tích lũy những kinh nghiệm và bài học quý báu.

Tuấn Anh chính thức sang Yokohama FC mở đầu cho chiến dịch xuất khẩu cầu thủ của HAGL. Ảnh: Quang Thịnh.

Mục đích khi ra đi

Chuyện xuất khẩu cầu thủ theo một lộ trình dài hạn và có tổ chức thì hiện nay chỉ mới có câu lạc bộ HAGL thực hiện. Suốt 9 năm xây dựng, đào tạo và ấp ủ, cuối cùng bầu Đức cũng đưa được những đứa trẻ của mình sang một nền bóng đá tiên tiến hơn – Nhật Bản. Đây là một bước ngoặt lớn không riêng gì với cầu thủ, hay CLB mà còn là cả một nền bóng đá… đang phát triển.

Mục đích xuất khẩu cầu thủ của HAGL là gì? Hãy nghe thử bầu Đức chia sẻ trong buổi họp báo chính thức đưa cầu thủ đầu tiên của CLB ra nước ngoài thi đấu: “Không chỉ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, mà tôi còn muốn cho nhiều cầu thủ khác ra nước ngoài thi đấu. Tôi làm vậy là mong nâng chất lượng đội tuyển quốc gia. Chơi bóng ở môi trường, đẳng cấp cao hơn chắc chắn sẽ giúp cho các cầu thủ học hỏi được rất nhiều điều tiến bộ, quay về phục vụ đất nước Việt Nam.”

Được rèn luyện, thi đấu, tiếp cận các nền bóng đá tiên tiến trong khu vực là mơ ước của bất cứ cầu thủ Việt Nam nào muốn phát triển khả năng của bản thân. Từ đó, tư duy bóng đá, khả năng tiếp nhận chiến thuật của cầu thủ cũng sẽ phát triển theo, là sự bổ sung rất lớn cho sự nghiệp cầu thủ trước mắt và sau này.

Mục tiêu khi trở về

Khi được trang bị đầy đủ khả năng chơi bóng, kỹ năng văn hóa, một học viên ở học viện như của HAGL-Arsenal JMG hoàn toàn có thể chơi bóng ở nước ngoài. Tuy nhiên, để sinh sống, lập nghiệp ở xứ người là một phạm trù hoàn toàn khác và là khái niệm khá xa lạ. Hơn nữa, các câu lạc bộ chủ quản khi đã tạo điều kiện cho cầu thủ ra nước ngoài, đều mong muốn họ trở phục vụ cho CLB về bằng một điều khoản kèm theo sau 1-2 năm “du học”.

Các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu khi trở về sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho nền bóng đá nước nhà. Ảnh: Internet.

HLV Nguyễn Quốc Tuấn của HAGL đã khẳng định một điều chắc chắn trong chiến lược xuất khẩu cầu thủ mà CLB đang theo đuổi, đó là: “Mong muốn của chúng tôi là khi Công Phượng và Tuấn Anh trưởng thành ở môi trường nước ngoài sẽ trở về phục vụ CLB, cũng như là ở đội tuyển quốc gia nếu được.”

Trên hết, có một điều dễ nhận hiểu, đó chính là khát khao quay trở lại phục vụ CLB, tự hào khi khoác áo ĐTQG của các cầu thủ. Như Công Vinh, Lê Huỳnh Đức khi có cơ hội cá nhân ra nước ngoài chơi bóng đều tích lũy cho mình những bài học bổ ích và trở về đều có được những thành công nhất định dù không còn thi đấu chuyên nghiệp nữa.

Kết

Do tính chất của giới du học sinh và phía chuyên môn của cầu thủ là khá khác nhau về mục đích cuối cùng nên hẳn cũng sẽ không có tranh cãi gì về việc cầu thủ ra đi rồi có trở về quê hương, phục vụ tổ quốc hay không. Và dĩ nhiên, những nhân tố này sẽ từng bước giúp cho nền bóng đá Việt Nam dần tiếp cận được với các nền bóng đá tiên tiến trong khu vực. Hi vọng rằng không chỉ mỗi học viện HAGL-Arsenal JMG, mà các trung tâm đào tạo bóng đá khác cũng đủ điều kiện xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài.

Quang Thịnh | 14:29 14/12/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục