Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Khi V.League “thở” bằng ngân sách

15:07 Thứ ba 12/08/2014

Có thể coi B.Bình Dương vô địch V.League 2014 là một cái kết đẹp của V.League 2014 và chỉ cần chờ trận play-off diễn ra ngày 16.8 tới là xác định đội cuối cùng trong số 14 đội dự V.League 2015. Thế nhưng, khi V.League 2014 vẫn chưa kịp ăn mừng thắng lợi “về đích an toàn” thì VFF, VPF đã lại lo về mùa giải năm sau, khi mà hầu hết các đội bóng đang phải vật vã sống nhờ tiền ngân sách.

Giấc mơ 300 tỉ trông vào bầu sữa ngân sách?

Liên tiếp sau 2 vụ bán độ của một số các cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai, chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng phải thừa nhận rằng: “Tiêu cực trong bóng đá có thể làm những nhà đầu tư bỏ vốn vào bóng đá cảm thấy nghi ngại, có thể họ sẽ rút lui”. Đây là sự thật không chỉ VFF, VPF, mà các CLB phải đối mặt. Bản thân Đồng Nai ngay sau khi có thông tin 6 cầu thủ bị khởi tố, họ đã bị một DN từ chối khoản tài trợ 3 tỉ đồng dự kiến triển khai ở mùa bóng sau.

Dù có CĐV đông đảo nhưng SLNA vẫn phải trông vào nhà tài trợ và ngân sách. ảnh: Quang Thắng

Điều này có vẻ như trái với tuyên bố hào sảng của ông Lê Hùng Dũng khi nhậm chức hồi tháng 4.2014 về con số 300 tỉ đồng mà bóng đá VN sẽ kiếm được trong năm 2014. Đến trang web của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á cũng “ngỡ ngàng” khi đăng lại nguyên văn phát biểu của ông Dũng: “Số tiền dự kiến kiếm được cho bóng đá VN vào khoảng trên 300 tỉ đồng. Con số này sẽ tăng thêm 15% mỗi năm...”.

Ngay thời điểm đó, các chuyên gia bóng đá ngạc nhiên, bởi ở thời điểm 2012 - khi bầu Kiên chưa bị khởi tố - thì “nhóm các ông bầu” cũng chỉ kỳ vọng con số 100 tỉ đồng/năm thông qua 10 nhà bảo trợ, đều là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có doanh thu hàng ngàn tỉ mỗi năm. Bầu Kiên bị bắt, dự án 10 nhà bảo trợ đổ bể, vậy cơ sở nào để ông Hùng Dũng “hứa” 300 tỉ?

Thật ra chuyện rất đơn giản, vì không ở đâu có kiểu bóng đá chuyên nghiệp như ở VN. Cho đến thời điểm này, bóng đá vẫn chưa thể tự nuôi sống mình mà vẫn phải “ngậm” bầu sữa ngân sách. Bởi thế, chuyện 300 tỉ đồng chỉ có thể lấy từ nguồn duy nhất: Ngân sách.

Con tính rất đơn giản: 14 đội V.League mùa 2015, nếu mỗi đội nhận được từ nguồn sữa ngân sách từ 15 đến 20 tỉ đồng như hiện nay thì số tiền bóng đá VN “thu được” đã rơi vào khoảng 250 tỉ. 10 đội hạng Nhất - mỗi đội ngửa tay xin ngân sách khoảng 10 tỉ nữa - thì tổng số tiền mà nhà nước đầu tư cho bóng đá cũng trên 300 tỉ đồng. Phải chăng đó là con tính của ông chủ tịch?

Rút ống thở ra là… đứt

Thứ hạng những đội nhóm cuối phản ánh khá đúng mức phụ thuộc vào ngân sách, trừ HAGL. HAGL không trông vào ngân sách, nhưng trông vào độ quan tâm của ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Bầu Đức hiện vẫn là PCT VPF, PCT VFF nắm mảng quan trọng là tài chính, tài trợ ở nhiệm kỳ mới. Thế nhưng, khá khó hiểu là người ta không thấy tiếng nói của bầu Đức trong chuyện kiếm tiền cho bóng đá Việt, thậm chí ông Đức còn “im hơi lặng tiếng” kể từ khi lãnh trọng trách ở VFF. Đến như CLB HAGL, khi bầu Đức không còn quan tâm, tụt ngay xuống vị trí thứ 9 khi mùa giải 2014 kết thúc.

B.Bình Dương là một CLB đoạt chức vô địch bằng tiền, hiểu theo nghĩa tích cực là chịu khó mua cầu thủ chất lượng. Thế nhưng, chính B.Bình Dương cũng đang hưởng cơ chế từ ngân sách khi họ được ưu ái kinh doanh 600 biển quảng cáo dọc QL 13 và trên các con phố Thủ Dầu Một. Nếu không có ưu ái ấy, B.Bình Dương cũng không có sức chiêu mộ cầu thủ.

Mới đây, ông Phó chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Quốc Khánh nói một chuyện không mới, nhưng đủ sốc, rằng: "Nếu có cuộc trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục duy trì CLB An Giang hay không, thì “Chắc chắn người dân đề nghị ngưng, bản thân tôi cũng muốn ngưng”. Lý do rất đơn giản là ông xót xa khi khoản tiền 20 tỉ đồng (chiếm 49% ngân sách hoạt động của CLB) đáng lẽ để dành chăm lo cho người dân, thay vì nuôi bóng đá.

Mùa giải tới, Than Quảng Ninh sẽ “bị” tập đoàn Than Khoáng sản trả về tỉnh. Hiện mức ngân sách rót cho đội này là 15 tỉ đồng và ngay lúc này, những người làm bóng đá Quảng Ninh sẽ phải tìm cách đổi cơ chế lấy tiền để nuôi đội bóng. Mà bản chất của “cơ chế” cũng chính là rút ruột ngân sách.

Những Quảng Nam, Đồng Nai, SLNA... hay những đội chuẩn bị gia nhập ngôi nhà V.League như Khánh Hòa, Đồng Tháp sẽ phải đối mặt với mức tối thiểu 35 tỉ đồng để chơi V.League. Tiền này lấy ở đâu khi mà tổng số tiền bán vé cả mùa chưa đủ mua một cầu thủ, bản quyền truyền hình coi như cho không...

Tất cả lại trông vào giấc mơ 300 tỉ đồng từ... ngân sách và coi đó là nguồn sống duy nhất của bóng đá chuyên nghiệp ở VN.
Nhật Thành | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục