Trọng tài: Cái mác FIFA

12:56 Thứ bảy 28/11/2015

VFF vừa thông qua danh sách 21 trọng tài bóng đá hội đủ các điều kiện để đệ trình lên FIFA phong cấp. Theo quy định, các trọng tài mới được phong cấp lần đầu đều buộc phải kiểm tra cả về thể lực và luật bóng đá, rồi mới được công nhận. Tuy nhiên, đằng sau chuyện phong cấp cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm...

Đối với các trọng tài, phấn đấu để được công nhận đẳng cấp FIFA chính là cái đích đeo đuổi trong suốt cả sự nghiệp và ở Việt Nam hiện tại cũng mới chỉ hơn 20 trọng tài và trợ lý được phong cấp FIFA. Trong giới cầm còi, có không ít những trọng tài FIFA được thừa nhận về cả năng lực, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Không chỉ có tiếng ở trong nước mà trọng tài Việt Nam còn được đồng nghiệp quốc tế thừa nhận cả về trình độ, đẳng cấp lẫn kinh nghiệm. Những trọng tài như vậy thật xứng danh với đẳng cấp FIFA, nhưng mặt trái của những ông vua sân cỏ cũng có không ít chuyện để nói. Tại sao các trọng tài FIFA khi làm nhiệm vụ ở các giải đấu quốc tế thì được bạn bè đánh giá cao, nhưng ở trong nước họ lại hay bị các đội bóng kêu ca, phàn nàn thậm chí kiện cáo ì xèo. Xin thưa ngay, đấy là tại cái uy của các ông vua sân cỏ cứ bị xói mòn dần vì chuyện tiêu cực hay những quyết định sai lầm có hệ thống, không thể lý giải bằng năng lực chuyên môn.

Sở dĩ lãnh đạo các CLB, HLV đội bóng hay kêu ca và có những phản ứng tiêu cực với trọng tài vì họ không có đủ niềm tin vào các ông "vua sân cỏ". Đội bị xử ép, thua oan đâm đơn kiện đã đành, đến ngay cả đội thắng mà cũng bực mình, chỉ trích trọng tài thì chắc chắn phải có vấn đề. Nghịch lý là chính những trọng tài có đẳng cấp FIFA hẳn hoi lại hay bị các đội bóng "dị ứng" nhất. Bởi vậy, nói là do năng lực yếu nên mắc sai lầm thì chưa hẳn đã đúng mà cái chính lại là bản lĩnh và cả sự công tâm cần phải có của những người cầm cân nảy mực.

Trọng tài FIFA mà dễ bị "tổn thương" như vậy thì cần phải xem lại bản lĩnh. Thế nên dù hằng năm, Ban trọng tài vẫn lên danh sách đăng ký trên 2 chục trọng tài để phong cấp, nhưng các ông bầu, đội bóng vẫn cứ kêu trọng tài V-League kém chất lượng. Thậm chí, hai mùa giải gần đây, VPF buộc phải bỏ tiền ra mời thêm trọng tài ngoại về làm nhiệm vụ ở giai đoạn cuối của mùa giải, đặc biệt là ở các trận đấu quan trọng mang tính quyết định. Tất nhiên, trọng tài ngoại trình độ, tay nghề chưa chắc gì đã hơn nội, đặc biệt là những người được phong cấp FIFA. Nhưng cái chính là khách quan, không bị chi phối bởi các mối quan hệ "dây mơ rễ má" như các đồng nghiệp ở V-League.

Trên thực tế, kể từ khi VPF nắm quyền điều hành V-League, các trọng tài cũng nhận được sự tin tưởng hơn, nhưng sai sót vẫn còn nhiều trong khi nhìn lui nhìn tới, số lượng các trọng tài có đủ năng lực và uy tín chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đành rằng, để tuyển chọn được các trọng tài có đủ điều kiện và năng lực cầm còi ở các giải đấu thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp, cần phải có một quá trình theo dõi, bồi dưỡng và kiểm tra, sát hạch một cách nghiêm túc. Ngoài ra, để dược cầm còi ở V-League các trọng tài cũng cần phải có quá trình ít nhất 3 năm thử thách ở các giải phong trào, giải trẻ. Suy cho cùng thì điều đáng quan tâm lại không phải là số lượng trên 200 trọng tài đã được đào tạo và thuộc diện quy hoạch, đang cầm còi ở các giải đấu quốc nội mà cái chính vẫn là chất lượng của những ông "vua sân cỏ" có đem lại sự tin tưởng cho những người làm bóng đá và cả những nhà tổ chức.

Đan Phượng | 08:40 28/11/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục