Thực hư về thỏa thuận 76 tỷ đồng của VPF

19:02 Thứ hai 27/02/2012

Bản ghi nhớ 76 tỷ đồng/3 năm có lẽ là “vũ khí” cuối cùng của bầu Kiên và các lãnh đạo của VPF đưa ra trong “cuộc chiến” giành bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước. Thế nhưng, đến lúc bản ghi nhớ này bị lộ ra ngoài, dư luận mới thấy được rằng câu chuyện bầu Kiên và VPF đã ngang nhiên thỏa thuận thiếu căn cứ là có thật, và thực tế đã diễn ra từ cách đây gần 3 tháng.

Bản ghi nhớ đã ký với VTV mà các ông bầu của VPF khẳng định trong gần một tuần qua có tên gọi là bản “Thỏa thuận nguyên tắc – Số 18/VTV-VPF” do ông Nguyễn Thành Lương, Phó TGĐ Đài TH Việt Nam (VTV) ký với Phó CT HĐQT VPF, Nguyễn Đức Kiên ngày 29/12/2011.

“Thỏa thuận nguyên tắc” vô nguyên tắc

Trong bản thỏa thuận này, bầu Kiên với tư cách là Phó CT HĐQT VPF cùng phía đối tác đã thống nhất đưa ra điều khoản đầu tiên trong nội dung đó là: Bên B (VPF) bán và bên A (VTV) mua bản quyền truyền hình 3 năm các giải bóng đá chuyên nghiệp do bên B tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam”.

Khoan hãy nói đến giá trị của bản thỏa thuận này bởi ngay từ điều khoản đầu tiên đã lộ rõ những yếu điểm về mặt pháp lý. Bởi bản kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL công bố ngày 16/2 vừa qua đã khẳng định: Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF chưa có quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Như vậy, VPF hay bất cứ một cá nhân lãnh đạo nào của VPF cũng chưa có quyền quyết định sẽ bán thương quyền truyền hình các giải bóng đá cho một đơn vị nào khác.


Nếu để ý, bản thỏa thuận được ký từ ngày 29/12/2011, tức là chỉ một ngày sau khi VFF ban hành Nghị quyết số 426 ủy quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp cho VPF. Phải chăng các ông bầu lãnh đạo VPF mà trực tiếp ở đây là bầu Kiên đã cố tình hiểu sai quyền điều hành giải đấu thành quyền khai thác thương quyền các giải đấu? Điều đó cũng dễ hiểu khi các ông bầu của VPF là những nhà kinh doanh, và với họ, “thương quyền” được đặt lên cả việc “điều hành” các giải đấu!

Rõ ràng trong bản thỏa thuận này, bầu Kiên và VPF đã bán cái mà trong tay mình không có. Dù nó được biện minh bằng tên gọi là một bản “Thỏa thuận” chứ chưa phải là “Hợp đồng” thì nó cũng không có giá trị về mặt pháp luật, đấy là chưa nói đến việc đã vi phạm nghiêm trọng bản hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp mà VFF đã ký với AVG trước đó, vốn đã được Thanh tra Bộ VH-TT&DL công nhận là đúng pháp luật.

Và những dấu hỏi cho một bản hợp đồng “trong mơ”

Bán thương quyền các giải bóng đá Việt Nam trong vòng 3 năm (2012-2014) với giá 20 tỷ/năm và lũy tiến mỗi năm 15% quả là những điều khoản của một bản hợp đồng trong mơ mà không ít người quan tâm đến bóng đá muốn nó thành sự thật. Nhưng khi những điều khoản trong “bản ghi nhớ” mà VPF đã ký với VTV bị hé lộ thì không ít người đã thắc mắc vì những điểm trong bản hợp đồng không hoàn toàn đơn thuần chỉ có vậy.

Thứ nhất là tên gọi của văn bản này. Trong những ngày qua, các ông bầu của VPF gọi nó là “bản ghi nhớ”, tên gọi chính thức đầu văn bản được viết là “Thỏa thuận nguyên tắc”. Ừ thì cả hai tên gọi này không mấy ảnh hưởng tới việc họ đã bán, đã mua như thế nào, bởi giá trị của nó có cao lên hàng chục, hàng trăm tỷ đi nữa thì đó cũng chỉ là một bản “thỏa thuận” để hai bên có thể “ghi nhớ”. Nhưng ngay trong các điều khoản của văn bản lại liên tục gọi tên nó là bản “Hợp đồng”!

Chính sự mập mờ trong câu chữ này một lần nữa đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đó là một bản “hợp đồng” hay chỉ là “thỏa thuận”?

Thứ hai là ở “mặt hàng” được mang ra “mua – bán” trong bản thỏa thuận này, đó là bản quyền bóng đá. Khái niệm bản quyền khác với thương quyền ở chỗ, bản quyền xuất phát từ một sản phẩm đã có thực. Một trận bóng đá có thương quyền truyền hình, và khi được các đài truyền hình thu hình ảnh, âm thanh thì sản phẩm hình ảnh, âm thanh đó được hiểu là bản quyền truyền hình. Nhưng trong bản thỏa thuận này, VPF đồng ý bán bản quyền truyền hình cho VTV, nghĩa là VPF sẽ tổ chức quay, thu ghi trận đấu để bán sản phẩm đó cho VTV?

Có thể thấy rằng, ngay từ cách gọi tên, VPF đã không thể xác định được mình sẽ bán cái gì, “thương quyền” hay là “bản quyền”. Đây cũng là một bất cập nữa khi các ông bầu vốn không có chuyên môn về bóng đá nay lại lên nắm quyền điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp
Thái Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục