Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF: “Sẽ siết lại nhiều vấn đề từ mùa bóng 2014”

13:43 Thứ hai 30/09/2013

Những vấn đề nổi cộm ở mùa bóng 2013 đều được các đại biểu nêu lên ở lễ tổng kết, từ công tác trọng tài cho đến mối lo ngại về tài chính, có đội “nghỉ ngang” giữa mùa. Theo ông Lê Hùng Dũng thì đó là những kinh nghiệm rất quý mà từ đó, VFF, VPF sẽ làm tốt và chặt chẽ hơn trong thời gian tới…

* Ông nhận xét thế nào về công tác trọng tài đã làm mất niềm tin của người hâm mộ từ mùa bóng vừa qua?

- Tôi nghĩ là cũng giống như những mùa giải trước, năm nay công tác trọng tài cũng là vấn đề lớn, gây bức xúc cho các CLB. VFF đã giao toàn quyền cho Ban trọng tài xử lý việc này. Có lẽ năm 2014, công tác trọng tài sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. Mùa nào cũng vậy, cuộc chơi đặc biệt là hạng Nhất và V-League, sự phức tạp thường nảy sinh từ công tác trọng tài.

Việc cũ thì thôi không nói nữa, chỉ nói từ sự kiện ở các trận đấu tại mùa bóng 2013, chúng tôi cam kết là từ mùa bóng tới sẽ có cách xử lý nghiêm và quyết liệt để công tác trọng tài đảm bảo tốt nhất, khán giả sẽ có niềm tin vào chất lượng chuyên môn của các trận đấu. Tôi nghĩ là nếu trận nào cũng như cuộc gặp gỡ giữa SLNA – HN T&T, từ chất lượng trận đấu, khán giả đông và công tác trọng tài thì bóng đá Việt Nam sẽ cất cánh thôi.

Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF. Ảnh: Nhật Anh

* Còn về quy chế phát ngôn, mùa bóng qua còn những tồn tại khi vài cá nhân phát ngôn quá đà?

- Tôi nghĩ thế này, quy chế chúng ta không thiếu. Nhưng vấn đề là tính ràng buộc như thế nào? Theo tôi thì không thể cấm được, không có văn bản nào cấm người ta bức xúc nói thế này, thế kia. Khi có sự cố dẫn đến bức xúc, tình cảm của người ta bộc phát thì không có quy chế nào cấm được.

Điều tốt nhất là nên hạn chế để cho các tình huống đó ít đi thôi. Tôi không tin là có quy chế bằng hành chính có thể cấm người ta phát ngôn, bởi có cấm thì người ta cũng nói. Ví dụ như trận chung kết giải U19 Đông Nam Á vừa qua, mình xem truyền hình mà cũng cảm thấy bức xúc. Nếu trong trận đấu có trọng tài như vậy, với vai trò lãnh đạo đội bóng thì có cấm người ta phát ngôn về trọng tài hay không?

Thế nên, tốt nhất là không để tình huống đó xảy ra.

* Liên quan đến chuyện tài chính, liệu VPF có quá dễ khi để các đội bóng chưa đủ điều kiện thi đấu, như hậu quả từ K.Kiên Giang hiện nay?

- Cái gì cũng có quá trình, chúng ta không thể ngay một lúc biết trước hết các sự kiện sẽ xảy đến của giải đấu. Chỉ khi nào vận hành, ra được những tình huống cụ thể thì mới rút kinh nghiệm được. Từ đó mới siết chặt lại những điều kiện sau đó và có biện pháp ngăn ngừa. Ví dụ như trường hợp của XMXT Sài Gòn, việc họ bỏ giải đâu có ai tin được trước đó? Hay như K.Kiên Giang nợ lương cầu thủ, chúng ta đâu có hình dung được. Lịch sử V-League chưa hề có từ khi thành lập đến giờ. Như từ chuyện K.KG, sẽ có 2 điều kiện buộc các đội phải hội đủ trong thời gian tới, đó là chuyên một và nguồn tiền có thể thi đấu cả mùa.

* Còn chuyện cầu thủ K.Kiên Giang đang kiện CLB, quan điểm và vai trò của VPF như thế nào?

- Tôi cũng chưa nghe anh Thắng (ông Võ Quốc Thắng) báo cáo mà chỉ nắm thông tin qua báo chí thôi. Nhưng về nguyên tắc, tôi nghĩ phía K.Kiên Giang đã cam kết những gì thì phải thực hiện cho đúng. Hợp đồng với người lao động như vậy mà không thực hiện thì rõ ràng là anh sai. Nếu kiện ra tòa, dứt khoát buộc anh phải trả, mà trước sau gì cũng phải trả thì thôi, nên thương lượng với người lao động là sẽ trả tiền như thế nào để làm cho vụ việc kết thúc êm đẹp.

Theo yêu cầu của FIFA thì những vụ việc trong bóng đá không được đưa ra tòa án dân sự. Dĩ nhiên quy định đó không được trái với quy định của Hiến pháp Việt Nam. Trong trường hợp này thì K.Kiên Giang đã ký hợp đồng và sử dụng người lao động thì phải thực hiện đúng với cam kết. Điều chắc chắn là giấy trắng mực đen thế nào thì phải thực hiện thôi.
Quốc Cường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục