Những câu chuyện thể thao: Bắt đầu từ Facebook

08:55 Thứ ba 03/04/2012

Sau khi Fabrice Muamba ngã xuống trên sân White Hart Lane, cả thế giới bóng đá hướng về đầy cảm thông với nhiều hành động biểu thị sự ủng hộ.

Khi Muamba ngã xuống vẫn còn đâu đó những lời lẽ phân biệt chủng tộc với chàng cầu thủ này.

Ấy vậy, vẫn có cậu sinh viên tên Liam Stacey viết những câu nặng mùi phân biệt chủng tộc với Muamba trên mạng xã hội Twitter. Làn sóng công kích nổi lên và cậu sinh viên của TP Swansea bị bắt bỏ tù 56 ngày. Trước đó, John Terry, dù là dân Anh “gộc” nhưng cũng phải… tơi bời trước dư luận xứ sương mù bởi dùng những lời lẽ không hay với Anton Ferdinand (người gốc Phi).

Nhà soạn kịch lừng lẫy William Shakespeare trong tác phẩm Người lái buôn thành Venice có xây dựng nhân vật Shylock. Đây là một doanh nhân Do Thái giàu có, chuyên nghề cho vay nặng lãi. Do hằn thù với doanh nhân bản xứ tên Antonio nên Shylock quyết tìm cách trả thù khi Antonio vay tiền của mình. Trong hợp đồng ghi rõ, Shylock có quyền cắt một cân thịt trên người Antonio nếu anh này không trả nợ đúng hạn. Do đâu một nhân vật không phải người bản xứ lại có thể hành động đầy ngạo mạn đến thế? Bởi từ rất sớm, người Anh đã có ý thức về sự tuân thủ hợp đồng trong kinh doanh, nhìn rộng hơn là quyền bình đẳng giữa người với người (dù câu chuyện có bối cảnh ở một TP của Ý nhưng tác giả là người Anh).

Chúng ta hoàn toàn không bất ngờ về việc Liam Stacey hay John Terry phải chịu những hình phạt đích đáng từ dư luận và pháp luật Anh. Xét kỹ, hẳn nhiều người sẽ giật mình vì thấy Twitter hay Facebook không chỉ thuộc về cá nhân thuần túy, muốn viết gì tùy thích. Khi ánh sáng của luật pháp rọi đến, mạng xã hội cũng là nơi mà mỗi người phải chịu trách nhiệm về từng ý kiến của mình. Sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là tự do tuyệt đối khi chúng ta hoặc là đứng trong một tổ chức, rộng ra là thành viên của cộng đồng.

Trong câu chuyện của Liam Stacey và John Terry, một lần nữa người Anh lại cho thế giới thấy sự chuyên nghiệp của nền bóng đá còn phải bao gồm cả những phát ngôn hợp lý của từng khán giả.

2. Đấy là chuyện ở xứ người, khi các cổ động viên, những người ngoại đạo cũng phải chuẩn mực. Nhìn về xứ ta, nhan nhản khắp mặt báo là hành động phản cảm và lời lẽ thô tục của ông bầu, trọng tài, cầu thủ. Từ vái lạy người cầm cân nảy mực, chỉ thẳng mặt quát “đồ mất dạy” đến văng tục liên hồi hay hống hách với trọng tài: “Mày biết tao là ai không?”.

Trên khán đài, cổ động viên thi nhau đốt pháo sáng, hút thuốc phì phèo, ném chai nước, vật lạ xuống sân và hay dùng lời lẽ phân biệt địa phương để đả phá nhau. Ngay cả nhiều website của các tờ báo thể thao lớn cũng đăng nhiều những bình luận để nguyên những từ thằng này, thằng kia rất phản cảm… Có cảm giác như luôn có một ông trời con đang ngự trị trong mỗi thành viên của cộng đồng bóng đá chúng ta, từ cầu thủ, khán giả, thành viên hội người hâm mộ của một CLB nào đó trên mạng xã hội hay thậm chí là cả … quản trị viên website. Tất cả những hiện tượng đó phô bày một thực tế nghiệp dư đến bệ rạc của nền bóng đá được gắn mác chuyên nghiệp.

Nhiều người đã và đang nếm trải cảm giác vỡ mộng về một sự thay đổi ngoạn mục của bóng đá Việt Nam sau những lời lẽ có cánh. Thay vì mong lột xác ngay tức thời, chúng ta thử kìm hãm ông trời con trong mỗi người xem sao. Hãy bắt đầu từ những hành động bình dị nhất, chẳng hạn: Viết những câu đàng hoàng và tự trọng trên Facebook…

Trung Hưng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục