Nhìn từ bán kết Champions League: Dậu đổ nhưng bìm chẳng leo

20:26 Thứ năm 26/04/2012

Những kẻ mạnh hơn phải chịu dừng bước. Chưa bao giờ mà những kẻ bại trận lại được nói nhiều hơn người thắng cuộc như thế. Bởi họ là ai? Là Barcelona- đương kim vô địch. Là Real Madrid- 9 lần vô địch và đang có đội hình “hoàn hảo” cùng phong độ “đỉnh cao”.

Cuộc đua tranh giữa 2 kỳ phùng địch thủ Barca và Real đã tràn ra khỏi biên giới xứ sở bò tót và từ rất lâu, người ta đã mường tượng ra một El Clasico tại đấu trường châu lục. Rốt cuộc, điều đó đã không xảy ra. Cái cách mà hai đối thủ lớn nhất này thất bại cũng hoàn toàn khác nhau và phản ánh đúng nhãn quan của hai nhà cầm quân.

Tua lại hành trình bảo vệ ngôi vương của Barcelona năm nay, có thể thấy đội bóng này phải đối mặt với quá nhiều chông gai. Ngay vòng knock-out đầu tiên, đội bóng sọc đỏ xanh đụng phải một đội bóng Đức và mặc dù giành thắng lợi tương đối dễ nhưng thầy trò Guardiola cũng phải trả giá bằng trận thua Osasuna 2-3 tại La Liga. Ở vòng 1/8, Barcelona lại gặp phải đối thủ xương xẩu nhất là AC Milan. Milan hiện tại có thể chưa là đối thủ sòng phẳng của Barca, nhưng đó lại là lợi thế để đội bóng này sử dụng các “tuyệt chiêu ma mãnh” của bóng đá Ý. Cuối cùng, Barca cũng vượt qua nổi ám ảnh các đội bóng phòng thủ bê tông và bước vào bán kết với tư thế ứng cử viên số 1 cho chức vô địch.

Nỗi thất vọng của Xavi - Ảnh Getty

Trớ trêu thay, qua được “vỏ dưa” lại trúng “vỏ dừa”. Chelsea là một đội bóng Ăng-lê, nhưng tạm thời dưới sự lèo lái của một người Ý chính gốc, đã chơi một thế trận phòng ngự mà ngay các đội bóng quê hương của lối đá phòng thủ cũng phải “phục sát đất”. Tất nhiên, chiến thắng của Chelsea phần lớn nhờ vào việc Barcelona… tự thua. Guardiola phải thốt lên rằng “không biết thua vì điểm nào” nhưng người hâm mộ thì hẳn là biết được cớ sự. Một lần nữa, lời nguyền không thể giải nhưng Barcelona, Guardiola, Messi, Xavi,… không có gì để tiếc nuối, vì họ đã làm tất cả và chỉ có định mệnh mới ngăn họ lại mà thôi.

Real Madrid lại là câu chuyện khác. Đội bóng này tiến vào vòng bán kết trên một con đường trải đầy “hoa hồng” vì đối thủ của họ là những cái tên mà HLV Mourinho thậm chí còn không nhớ rõ tên. Trên sân khách, Real cũng có một kết quả và một thế trận vững vàng nhưng theo bản tính, vì muốn… vững vàng hơn mà rốt cuộc những điều chỉnh chiến thuật của Mourinho lại “hại chết” đoàn quân áo trắng. Bàn thắng vào phút chót của Gomez để lại những hệ lụy to lớn.

Dẫu thế, nhiệm vụ ở lượt về của Real cũng đơn giản hơn Barcelona nhiều. Họ chỉ cần 1 và chỉ 1 bàn thắng mà thôi. Real đã làm tốt hơn thế khi siêu sao Ronaldo dễ dàng ghi tới 2 bàn thắng chỉ trong vòng có 15 phút đầu trận. Những tưởng, với khí thế hừng hực sau thắng lợi “kinh điển”, Real sẽ trút cơn mưa bàn thắng vào lưới Neuer nhưng Bayern Munich đã không để cho điều đó xảy ra. Cái cách Bayern lấy lại thế trận, ghi bàn và đưa trận đấu tới loạt penalty thật không thể chê vào đâu được. Nếu như Chelsea hoàn toàn trông cậy vào “thần tài” thì ngược lại, Bayern thi đấu cực kỳ bản lĩnh và buộc Real rơi tự do từ “tự tin tột độ” đến “thận trọng tột cùng” và cuối cùng phải ngã gục trên chấm phạt đền. Và cũng thật trớ trêu, Ronaldo- “vua sút phạt đền”, người “giành” hết mọi quả phạt đền của Real- lại là người mở hàng cho thất bại. Còn Ramos, anh chàng hậu vệ “ương bướng” đã đá văng niềm hi vọng mỏng manh còn sót lại lên trời xanh.

Đêm 25/04, hình ảnh một Mourinho sắt đá, không bao giờ khuất phục đã bay theo cú sút của Ramos lên trời. Chỉ còn lại một Mourinho quỵ gối, phó mặc cho số phận và nhanh chóng “lủi” vào đường hầm nhanh nhất có thể sau tiếng còi mãn cuộc. Rất tương phản với một Guardiola vẫn đứng bên đường pitch, ngay cả khi Torres “đóng chiếc đinh vào quan tài”. Và một Guardiola cười tươi chúc mừng Di Matteo thắng trận. Con người ta, “chết đứng” còn hơn “sống quỳ” là ở chỗ đó.

Đêm 25/04, Ronaldo lại một lần nữa gục ngã trong thời điểm được chờ đợi nhất và theo cái cách không thể nào mỉa mai hơn. Ai đó nói rằng: những gì Messi không làm được thì cũng chẳng có ai có thể làm tốt hơn. Xem ra đấy không phải là một ý kiến nửa vời. “Chúa” đã rất nghiêm khắc với Messi nhưng Ronaldo cũng chẳng hề nhận được sự nhân từ. Muốn vượt lên trên đẳng cấp Messi, e rằng chỉ mỗi màn “khoe bắp chân” là chưa đủ.

Đêm 25/04, thứ bóng đá toan tính đã không thể tiếp tục đồng hành với chiến thắng. Ai đáng trách hơn? Barcelona với thứ bóng đá tấn công đẹp tự nhiên và không hề tính toán hay là Real với thứ bóng đá tấn công nhiều thể lực và quá cầu toàn?

Đêm 25/04, Real với giàn cầu thủ đồng đều, tài năng và đang ở giai đoạn chín mùi phong độ đã không thể nào vượt qua được những người Đức sắt đá. Nhìn lại Barcelona: mất tiền đạo trụ cột David Villa ngay từ cuối năm ngoái; mất hậu vệ cánh trái chủ lực Abidal vào lúc nhân sự thiếu hụt nhất; hai cột trụ còn lại ở hàng phòng ngự là Alves và Pique không có được sức khỏe tốt nhất; “trái tim” Xavi quá tải vì tuổi tác và mật độ thi đấu kinh hoàng kéo dài nhiều năm liền… Thất bại nào cũng là thất bại nhưng rõ ràng, nếu được phép chọn một thì có lẽ thất bại trong tình cảnh của Barcelona là đáng được cảm thông nhất.

“Dậu” Barca đã đổ, nhưng “bìm” Real cũng chẳng biết cách leo lên được. Rất khó để tìm hiểu xem Real cần cái gì thêm nữa để khỏa lấp 4 năm “thần thánh” của Barca. Mùa giải năm nay, Real có đầy đủ mọi yếu tố chủ quan lẫn khách quan để làm bá chủ thiên hạ, nhưng cuối cùng vẫn dang dở. Câu hỏi rằng “thời của Barca đã qua chưa”, hay “thời của Real đã đến chưa” xem ra vẫn còn quá sớm. Ở mùa giải thứ hai, Mourinho không có được những gì mong đợi. Liệu ông ấy có được mùa thứ ba để chứng tỏ khi mà cho tới nay, Real vẫn “mất” nhiều hơn là “được” dưới tay Mourinho.

Không lành lặn…

Tục ngữ có câu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Chelsea và Bayern không tránh được “voi” và vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi để quật ngã “voi”, 2 đội bóng quả cảm này phải chịu cảnh “què quặt” nghiêm trọng khi bước vào sàn diễn chung cuộc.

Chelsea phải trả giá cho lối chơi phòng ngự tử thủ bằng mọi giá của mình với gần phân nửa đội hình chính thức phải làm khán giả trong trận chung kết. Một cầu thủ của Chelsea vừa lên tiếng “thỉnh cầu” UEFA xóa thẻ. Có lẽ Obi Mikel vừa xem xong phim “lời đề nghị khiếm nhã” khi đề đạt điều đó. Luôn luôn phải có một cái giá phải trả, không trực tiếp thì gián tiếp, không gần thì xa. Chelsea chẳng có lý do nào chính đáng để “than thở” và nên thừa nhận trên tinh thần thượng võ rằng nhờ “rổ thẻ” kia mà hàng thủ Chelsea lại được nâng tầm thành “nghệ thuật phòng thủ”.

Bayern Munich có “khá khẩm” hơn chút ở số lượng “miss next match” nhưng gần như nguyên bộ khung phòng ngự bị bứng lên khán đài. Thật ra, các cầu thủ Bayern đã rất cố gắng “giữ gìn cho tương lai” nhưng 120 phút tại Bernabeu là quá dài để “tai qua nạn khỏi”. Hơn nữa, họ phải đối chọi với những siêu sao áo trắng chạy nhanh như sóc, chân đảo như múa và ngã nhanh như thật.

Tuy vậy, trận chung kết sẽ kém vui không chỉ vì sự vắng mặt của những cầu thủ đó. Cựu tiền vệ người Ý Di Matteo cho tới nay không hề có bài vở gì khác trong những trận đánh lớn ngoài phòng ngự tử thủ. Ngoài 2 trận đấu với Barcelona, Chelsea của Di Matteo cũng lại tử thủ trước hàng xóm Arsenal và vì thế ít có cơ sở để tin rằng Chelsea sẽ thi đấu cởi mở. Việc Bayern được thi đấu trên sân nhà lại càng là lý do thuyết phục Di Matteo và đoàn quân áo xanh một lần nữa “quây quanh” khung thành Petr Cech.

Nhiệm vụ làm cho sân Allianz Arena trở nên hào hứng nằm trên “đôi cánh” Ribery và Robben của Bayern. Việc đội bóng Đức vượt qua gã khổng lồ Real ngay tại Bernabeu là một sự khích lệ lớn cho bóng đá Đức. Đó là thành quả của nhiều năm liền đổi mới và cách tân từ lối đá chặt chẽ với một libero điển hình sang lối chơi tấn công mềm mại hơn và cũng mạo hiểm hơn. Bayern sẽ “thừa thắng xông lên” và hạ nốt đối thủ còn lại.

Và với mọi ưu thế trong tay, Bayern Munich xứng đáng kế tục Barcelona trên ngai vàng Champions League. Bóng đá tấn công sẽ lại tiếp tục thống trị. Chắc chắn là như vậy!
MessY Phan | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục