Một Arsene Wenger “xấu xa”

14:46 Thứ sáu 02/11/2012

Breaking Bad là một series phim truyền hình kinh điển của Mỹ từ năm 2008, kể về Giáo sư Walter White từng đạt giải Nobel hóa học và là một thiên tài. Vinh quang quá khứ đã qua, hiện tại, ông chịu áp lực rất lớn từ tiền bạc và gia đình. Khi phát hiện mình ung thư giai đoạn cuối, không còn gì để mất, ông bắt đầu chế ma túy đá và dần dần thành một ông trùm thực sự, khác xa với chính ông hồi trước. “Breaking Bad” có nghĩa là trở nên “xấu xa”, nhưng Walter chỉ xấu xa với chính bản thân ông hồi trước thôi, còn với gia đình, mọi thứ đều không tệ một chút nào.

Chuyện của Walter White có vẻ chẳng liên quan gì đến Wenger. Wenger từ năm 1996 rời xứ sở hoa anh đào đến giờ vẫn đang là HLV trưởng của Arsenal. Thu nhập của ông thì vẫn tăng lên hằng năm, ông chẳng có bệnh tật gì, trình độ chuyên môn của ông chẳng ai nghi ngờ và tính số năm kinh nghiệm tại Giải Ngoại hạng chỉ kém Hiệp sĩ người Scotland Sir Alex Ferguson. Nhưng đấy mới chỉ nhìn vào ông thôi, còn nhìn những thứ xung quanh, những thứ ông phải đối mặt cũng chẳng khác Walter White là mấy.

Sự nghiệp, Tiền bạc, Gia đình, Bệnh tật

Vào thời khắc khó khăn nhất của mình, Walter White chịu sự khốn cùng từ sự nghiệp khi ông chôn chân tại mái trường phổ thông, từ tiền bạc khi ông phải đi rửa xe hàng ngày sau giờ làm, bởi gia đình khi vợ và con ông luôn nghi ngờ ông, bởi bệnh tật khi ông phát hiện mình ung thư giai đoạn cuối. Wenger cũng vậy. Nhìn lại mấy năm qua, giáo sư người Pháp đã phải chịu đựng những gì?

Từ mùa giải 2003-2004 đến nay, Arsenal chưa giành được thêm bất cứ một chức vô địch nào, và sự nghiệp của Wenger cũng chững lại đúng chỗ đó. Wenger có chuyên môn, có kinh nghiệm, bản thân ông thực ra chẳng có vấn đề gì to tát, nhưng nhìn cái cột mốc xa xôi ấy, làng HLV đã nổi lên đầy tay “máu mặt”: Mourinho với 2 chiếc cúp C1 và vô địch 4 giải quốc nội khác nhau, Pep Guardiola thì có cả một đế chế Barcelona hùng mạnh với 2 chiếc cúp C1, 3 La Liga cùng hàng chục cúp lớn nhỏ khác, rồi tay lờ mờ như Di Matteo, Andre Villas Boas, Diego Simione, Del Neri, Allegri, Klopp… cũng có cúp này cúp nọ, trở thành những HLV thế hệ mới của bóng đá thế giới. Ông bạn già sắp về hưu như Ferguson giai đoạn này cũng thâu tóm 4 chức vô địch Premiership và 1 chiếc cúp C1, hỏi Arsene có cảm thấy buồn bã thất vọng hay không?

Arsene có cảm thấy buồn bã thất vọng hay không? Ảnh: Internet.

Đấy là cái nghiệp. Mà cái nghiệp này không chỉ ông làm là xong, nó còn phụ thuộc vào tài chính, ban lãnh đạo và các cầu thủ nữa, nhưng ông cũng gặp khó trong cái chuyện tiền bạc – gia đình – sức khỏe này. Từ lâu, cái chuyện Wenger luôn bị chất vấn trước hội đồng quản trị của CLB phía Bắc thành London không còn lạ: Tại sao năm nay không có danh hiệu? Tại sao cầu thủ này lại muốn ra đi? Tại sao trận này lại đưa đội hình như vậy? blah blah blah... kết cục cuối cùng: Ông “lại có” một ngân quỹ hạn hẹp. Rồi lại dẫn đến cái “bệnh”, khi sao lương không tăng, mà sao khác cũng chẳng về được, thế là lại bán sao to mua sao nhí, lại nuôi lớn, và rồi lại… ra đi. Lắp ghép các cầu thủ Arsenal ra đi vì điều này, chắc có nguyên một đội: Persie, Adebayor, Clichy, Nasri, Fabregas, Flamini, Hleb, Toure, Song… Giờ các cầu thủ chơi ở Emirates đều hi vọng đây sẽ là một “bến đỗ” tiềm năng. “Bệnh” từ đây thì sao mà chữa nổi?

Ốm đau phải có gia đình. Walter White không phải không muốn nói, nhưng lại sợ sự vô tâm từ xung quanh. Wenger từ lâu đã bị Stan Kroenke, Alisher Usmanov lấy ông ra làm bàn đạp cho chiến lược thâu tóm CLB của mình. Thượng tầng không ổn. Hạ tầng, vụ Persie không chịu ký hợp đồng, rồi trước đó Nasri, Clichy đã rõ, đều không ổn, đến cái “chân trống phụ” mấy mùa trước như Walcott giờ chỉ rục rịch thôi đã lung lay. Wenger có tốt nghiệp bằng kinh tế ở Đại học Strasbourg lần nữa thì cũng chịu.

Đã có một Wenger như thế …

Tôi nhớ tháng 8 năm 1996, một người đàn ông Pháp gầy gò bước đến Highbury thay thế cho Bruce Rioch. Ông cao lêu nghêu, mặc bộ vest đen thùng thình, mái tóc hoa râm, chiếc mũi cao trên khuôn mặt dày đặc vết nhăn. Hậu vệ đội trưởng huyền thoại của Arsenal Tony Adams chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nghĩ: Ông HLV người Pháp này thì biết gì về bóng đá? Ông ý đeo kính và trông như một giáo viên ở trường. Ông ta sẽ không thể nào làm tốt hơn George Graham được. Mà ông ấy có chắc có thể nói tiếng Anh không?” Thế đấy, Wenger ngay từ buổi đầu luôn mang cho người ta đầy hoài nghi. Thực tế, khi còn là cầu thủ, ông đã nhận ra việc quan trọng của tiếng Anh và cân bằng thời gian đá - học khi tham gia lớp ở Cambridge trong vòng 2 tuần. Còn George Graham, Wenger còn làm nhiều hơn thế: 3 chức vô địch Premier League, 4 cúp FA và từ khi ông dẫn dắt Arsenal luôn nằm trong top 4. Ông luôn có câu trả lời cho sự hoài nghi.

Có một Wenger như thế… Ảnh: Internet.

Nói đến Wenger người ta nói đến ngay một HLV có lối chơi tấn công phóng khoáng đẹp nhất thế giới. Nhắc đến cầu thủ dưới quyền của Wenger thì người ta nghĩ ngay đến những cầu thủ trẻ người Pháp tài năng bậc nhất thế giới tại mọi thời điểm. Và gọi tên Wenger cũng là nhắc đến thời kỳ hoàng kim của Arsenal thời Ngoại hạng Anh chuyên nghiệp. Lãng mạn, phóng khoáng trong chiến thuật là vậy, nhưng ông cũng có những quy tắc bất di bất dịch: không bao giờ phòng thủ thụ động, không sử dụng cầu thủ quá 30 tuổi, không thích sử dụng cầu thủ người Anh vì ông cho rằng chưa đủ trình độ, không chú trọng FA và Carling Cup, không chi quá 15 triệu bảng Anh cho bất cứ cầu thủ nào, không trả lương quá cao cho bất kỳ ai trong đội, không… đội mũ lưỡi trai và đổ lỗi cho bất cứ cầu thủ nào sau trận đấu.

Và Breaking Bad …

Ngày Arsenal bắt đầu bị chỉ trích vì danh hiệu lại vào đúng thời kim tiền của bóng đá. Chelsea, Man City nổi lên như đại gia chơi trội. Manchester Utd, Real Madrid, Barcelona cũng phải chi cả tấn tiền để giữ được vị thế ông lớn. Arsenal thì vẫn vậy, cả danh hiệu lẫn chính sách, và người ta bắt đầu lấy Wenger ra mổ xẻ. Tại sao Henry, Pires lại phải ra đi? Tại sao Cole không ở lại CLB? Tại sao Adebayor, Nasri, Clichy lại nằng nặc đòi sang Man City? Tại sao Persie lại ngậm ngùi sang Utd? Như đã nói phần trên, vấn đề nảy sinh từ thượng tầng CLB, nhưng bản thân Wenger cũng nhận thấy lỗi ở mình. Không phải vì ông cũng có một phần cổ phiếu CLB kha khá, mà rằng ông thấy mình chưa thay đổi như thế giới đang thay đổi. Và đỉnh điểm trận thua 2-8 trên sân Old Trafford năm 2011 đã đưa ông xuống dưới đáy sâu nhất của sự nghiệp.

Ngày 31 tháng 10 năm 2012, Wenger vẫn giữ “đúng lời hứa” trước trận khi đưa ra sân đội hình... U21 với những Martinez, Miquel, Frimpong, Gnabry hay Coquelin, Meade. Những cái lắc đầu ngán ngẩm, chán trường bỏ về xuất hiện khi trận đấu mới bước sang phút 37 với bàn thắng thứ 4 cho Reading của Noel Hunt. Cái bóng ma không danh hiệu lại phủ lên nơi đây. Rồi bằng một cách kỳ diệu nào đó, tới phút cuối cùng 90+6, Walcott ghi bàn gỡ hòa 4-4 rồi đưa trận đấu vào hiệp phụ. Chính anh cũng là người ghi bàn quyết định nâng tỷ số lên 6-5 sau đó đến Chamakh kết liễu Reading trong một trận cầu thừa kịch tính. Hôm nay chất liệu của Arsenal vẫn thế: đội hình siêu trẻ, thủ yếu, đá lơ mơ không tôn trọng đúng mức đối thủ. Nhưng chẳng còn cái bóng ma Tiote gỡ hòa 4-4 nữa, hôm nay Pháo thủ mới là kẻ mạnh mẽ, người bản lĩnh với những cây măng non.

MU ư? Hãy đợi đấy. Ảnh: Internet.

Đây không phải một cúp quan trọng, cũng chẳng phải sống còn gì, nhưng cái thay đổi cần phải nói ở đây là tư tưởng của Wenger cùng chính sách của CLB. Wenger bắt đầu dùng cầu thủ người Anh: Walcott, Jenkinson, Wilshere, Frimpong, Gibbs,... chứ không chê bai như xưa nữa. Wenger giờ mang về những bản hợp đồng chất lượng: Giroud và Chamakh là chân sút hàng đầu tại Ligue1 trước khi về Arsenal, Podolski, Gervinho, Metersacker, Carzola đều là tuyển thủ quốc gia cứng. Wenger chẳng dè bỉu những “ông già” Arshavin, Rosicky, Arteta, Squillaci đều đã qua mức 30. Đội hình Arsenal giờ có chiều sâu hơn hẳn so với trước: có già có trẻ, có Anh có Pháp có Tây Ban Nha, có kỹ thuật có sức mạnh, có thông minh có quyết liệt… bên cạnh các tài năng từ lò đạo tạo nổi lên không ngừng. Wenger từ cái đáy năm ngoái đã tự thay đổi rất nhiều, và Arsenal đang được lợi từ đó. Có thể thực tại này, Arsene chưa từng nghĩ đến trong quá khứ, nhưng giờ thay đổi của ông đang mở ra một tương lai mới cho những khẩu thần công. Đừng lo cho Walcott, chắc chắn anh sẽ ở lại. Đừng lo cho Giroud, Gervinho, sớm thì muộn họ sẽ thành các trụ cột như Persie mất rất lâu ngày xưa thôi. Và cũng đừng lo cho Wenger, giờ ông “xấu xa” lắm.

Mỗi con người đều cần có những thời điểm để làm nên lịch sử. Có thể vinh quanh không gọi tên Arsenal trong 7 năm qua, và có thể 1 2 năm nữa. Nhưng chắc chắn nó sẽ gọi tên Wenger khi Pháo thủ đạt được danh hiệu trong tương lai nếu tiếp tục vận động như thế này. Hãy chờ xem, ngày mai, Wenger sẽ nói gì khi trở lại Old Trafford: Tôi đã khác rồi, Ferguson ạ, chờ đấy!

(Bạn đọc: Jackie Dương)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục