Mặc định văn minh, không chỉ là chuyện của bóng đá

20:18 Thứ bảy 28/04/2012

Mấy tuần nay, cả thế giới bóng đá xôn xao vì Barca Tây Ban Nha; hết chuyện kỉ lục ghi bàn của Messi lại đến vụ lùm xùm penalty mới đây trong trận gặp AC Milan vòng bán kết Champions League 2011-2012. Nhiều người kêu rằng cầu thủ Barca ngã đẹp quá, diễn đẹp quá, trọng tài không thổi penalty không được.

1. Xét rộng ra, đây cũng không phải là lần đầu dàn sao của Barca “chơi không đẹp như mong đợi” để giành chiến thắng. Cầu thủ Busquest hay Dani Alves đã từng hơn một lần bị chỉ trích vì những pha ăn vạ để giúp đội nhà chiếm lợi thế. Các siêu sao của Barca “diễn” nhiều đến nỗi, đã có những ý kiến cho rằng, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), nên mở thêm mục “Những pha ngã đẹp” bên cạnh mục “Những bàn thắng đẹp” trong cuốn biên niên sử của mình để tôn vinh Barca ở cả 2 khía cạnh này luôn một thể.

2. Từ những chuyện trên trong bóng đá, tôi lại nghĩ đến chuyện ngoài xã hội. Gần hai năm, tôi là sinh viên sống ở Phần Lan, bản thân cũng không có gì để phàn nàn nhiều. Đại khái là môi trường, cuộc sống, học tập… ở Phần Lan là tạm ổn. Nhưng thực ra không phải lúc nào mọi chuyện đều tốt đẹp. Tôi đã gặp nhiều trường hợp các bạn của mình gặp phải những thành phần bất hảo trong xã hội Phần Lan.

Ở đây chỉ nói đến người Phần Lan chính gốc, chứ không phải người nước ngoài định cư hay có quốc tịch Phần Lan. Một số người lớn ở ngoài xã hội cư xử không được lịch sự lắm, thỉnh thoảng đi đường gặp người này người nọ tỏ vẻ khó chịu khi nhìn thấy người nước ngoài, nhất là người châu Á. Thậm chí có sinh viên đi rao bán báo kiếm thêm thu nhập liền bị chủ nhà thả chó đuổi; rồi có bạn đi học thì gặp mấy thành phần học sinh vừa lười vừa kém đã không biết gì còn cố cãi cho rằng người khác không làm gì còn thích tranh điểm cao.

Tất nhiên vấn đề này ở Phần Lan chưa đến mức phân biệt chủng tộc, nhưng ít nhiều nó cũng gây ra những áp lực nhất định lên cuộc sống của một bộ phận du học sinh (vì tầm hiểu biết của tác giả, khuôn khổ vài viết chỉ bàn đến du học sinh). Nhiều người đã bắt đầu hối hận về quyết định sang Phần Lan du học, thậm chí là làm việc và định cư.

Pha sút 11m trúng xà ngang của Messi.

3. Trở lại vấn đề bóng đá. Trước hết, nói về mấy ông cầu thủ kiêm kịch sĩ, đâu phải chỉ Barca mới có. Milan, đội vừa bị loại bởi “Barca đã diễn quá hay”, chẳng phải cũng sở hữu những cầu thủ có khả năng diễn còn hay hơn Barca hay sao, ví như Inzaghi chẳng hạn, “diễn” một cách diệu nghệ, đến trọng tài giỏi mấy cũng bị lừa.

Rồi còn mấy “ông” Ronaldo, Robben hay Drogba có “ông” nào dám vỗ ngực chưa ngã vờ bao giờ? Tính rộng hơn, nói trắng ra là chẳng có đội nào mà không có cầu thủ vào sân ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn sẵn sàng ngã lăn ra khi đối phương vẫn chưa động vào mình cả.

Nhưng tại sao giữa vô vàn các kịch sĩ, người ta chỉ soi Barca nhiều nhất? Đơn giản vì họ đang là đội bóng mạnh nhất hành tinh, đang vô đối ở thời điểm này. Khi nào mùa bóng còn chưa kết thúc, họ vẫn là kẻ thống trị ở các đấu trường. Ở Barca, một bàn thắng của Messi bị soi bao nhiêu thì một pha ngã của tiền vệ 22 tuổi của Barca là Busquest bị soi bấy nhiêu, thậm chí còn nhiều hơn.

Vấn đề ở đây là, nếu Barca cũng chỉ như các đội Sông Lam Nghệ An hay T&T Hà Nội đang bá đạo làng giải trí Việt, thì dù cả 11 cầu thủ của họ cộng thêm ban huấn luyện và mấy ông bầu có đồng loạt ngã lăn ra sân rồi trọng tài cho hưởng tổng cộng hai mươi mấy quả penalty chắc cũng chẳng có ai phàn nàn, khiếu nại hay soi xét làm gì (trừ người Việt Nam).

Bởi những đội bóng xứ mình, nói thật là chẳng ai để ý. Nhưng những đội bóng nổi tiếng, những cầu thủ nổi tiếng thì khác, khi ở “đỉnh”, người ta dễ bị soi hơn lúc nào hết, bởi vì người ta đang bị gắn mác “mặc định văn minh”. Tất cả mọi người đều kì vọng Barca đá đẹp, thắng hết đối thủ này đến đối thủ khác bằng cách “đàn áp” như họ vẫn làm.

Còn ngã để kiếm 11m thì thường quá, nhạt quá, kém quá, đá thế thì đội nào chẳng đá được. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có ai dám khẳng định Barca là đội “diễn” nhiều nhất, là đội được hưởng nhiều penalty nhất. Chỉ có một điều chắc chắn, đấy là việc họ là đội duy nhất dám đá tấn công và áp đặt đối phương, kể cả đối thủ là Real, Milan, Chelsea, Inter hay MU.

Cái “văn minh” của Barca được người ta kì vọng quá đỗi để rồi chỉ vì một vài tình huống “không văn minh” thì ngay lập tức những giá trị khác của Barca bị giũ sạch. Sự mặc định về việc “Barca sẽ thắng đẹp” dễ dẫn người ta đến cảm giác rằng họ “thắng xấu” mỗi khi có một vài sự lấn cấn xảy ra.

4. Vấn đề ở Phần Lan cũng tương tự. Nếu như họ chỉ là một nước kém phát triển hoặc đang phát triển, thì những hành xử như thế chắc cũng chẳng ai thèm để ý, kiểu “dân kém ấy mà, để ý làm gì”. Nhưng ở đây, Phần Lan được cho là “thiên đường Bắc Âu”, đang là một trong những nước đứng đầu thế giới về nhiều mặt, đươc cả Anh, Mỹ rồi một vài nước khác không khỏi ngưỡng mộ. Thế là họ cũng dính cái mác “mặc định văn minh”.

Người ta kì vọng người Phần Lan phải là Thượng đế, phải đối xử với người nước ngoài như “con dân” của mình. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra theo hướng tích cực và như một hệ lụy, Phần Lan “tụt giá” thê thảm trong mắt một bộ phận du học sinh. Chúng ta kỳ vọng người Phần Lan phải văn minh hơn chúng ta, cao cấp hơn chúng ta, hoàn hảo hơn chúng ta. Cũng đúng thôi, ai bảo Phần Lan đang ở đỉnh của thế giới. Nhưng đòi hỏi như vậy có thỏa đáng không nhỉ?

5. Vậy nên, có thể nói, một phần nguyên nhân của những sự thất vọng (không chỉ giới hạn ở Barca hay Phần Lan) có lẽ bắt nguồn từ sự “mặc định” này. Nhân tiện, bản thân tác giả cũng không phải fan của Barca và cũng không phải thần tượng đất nước Phần Lan, mà chỉ muốn cung cấp một vài ý kiến khách quan giống như một góc nhìn của tuổi trẻ.

Chúng ta cũng đừng nên trách Barca, họ cũng chỉ là những cầu thủ, và cũng đừng nên trách những người Phần Lan, họ cũng chỉ là con người. Chúng ta không thể kì vọng một sự hoàn hảo đến tột độ của họ, một sự hoàn hảo không tì vết. Thât sự ra mà nói, hiện nay, có đội bóng nào hoàn hảo hơn Barca, có đất nước nào vượt trội hẳn Phần Lan (về môi trường sống và con người)?

Thế nên, có lẽ chúng ta nên chấp nhận sự thật, là đến một lúc nào đó Barca sẽ phải “đá xấu” để chiến thắng, cũng như một lúc nào đó chúng ta sẽ gặp phải những người “không biết có phải người Phần Lan không nhỉ”. Vì học cách chấp nhận, dù sao cũng dễ hơn là loại bỏ cái “mặc định văn minh” đã ám sẵn vào đầu chúng ta suốt bao nhiêu năm qua.

Và chẳng phải, cầu thủ nào cũng muốn đến Barca thi đấu (“Pele mới” Neymar của Brazil chẳng hạn), và đang có trào lưu du học Phần Lan tưng bừng đấy hay sao?
Thái Hưng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục