Luật & lệ ở SEA Games

09:54 Thứ hai 09/09/2013

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện ý kiến của một người hâm mộ thông tin: Vovinam có 18 bộ HCV, nhưng phía chủ nhà Myanmar muốn phải được 7 HCV. Chưa kể Singapore cũng muốn có HCV, nếu không thì Singapore sẽ không đưa môn vovinam vào chương trình thi đấu tại SEA Games 2015 tổ chức tại nước này. Còn lại, Việt Nam cũng phải chia bớt HCV cho Lào, Campuchia nữa nên khó mà đứng nhất toàn đoàn ở môn võ truyền thống của mình. Không chỉ có Vovinam, môn thể hình có 5 bộ HCV thì theo một thông tin hậu trường cho biết, Việt Nam sẽ chỉ có thể giành một HCV. Tương tự là môn vật Việt Nam cũng chỉ có thể giành 4-5 HCV trong tổng số 21 bộ HCV.

Những cuộc thi đấu thể thao, ngoài các yếu tố giao lưu  hòa nhập và thi đua giành thành tích vẫn còn mang ý nghĩa quảng bá hình ảnh của từng quốc gia

Nhận thấy đây không còn là quan điểm của một người, bởi thế rất cần có cái nhìn khách quan và thẳng thắn vào vấn đề khá nhạy cảm song không thiếu tế nhị như thế này.

Ở đâu cũng thế, các sân chơi của thể thao thế giới, từ loại có uy tín nhất như Đại hội Olympic quốc tế, World Cup hay các ASIAD và đại hội thể thao các châu lục, những tổ chức điều hành các hoạt động thể thao ấy đều có cái quyền hoạch định ra các điều luật cho mình và mọi thành viên phải có trách nhiệm thi hành luật chơi, nói nôm na là "nhập gia tùy tục”.

Luật chơi cũng không hẳn là luôn mang tính khoa học, chẳng hạn đối với tổ chức sang trọng như Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi và đang được cải thiện theo thời gian, ngay một vấn đề nhạy cảm như việc xác định và kết luận về giới tính của VĐV cũng không có một hướng nhìn nhất quán.

Trở lại các SEA Games, ngay từ khi có các SEP Games, luật chơi đã xác định là có sự tuân thủ các điều luật của IOC, song Liên đoàn Thể thao khu vực được quyền có các thay đổi cho phù hợp, trong đó các quốc gia đăng cai sẽ được phép thêm bớt một số nội dung thi đấu cho phù hợp với phong trào thế thao khu vực. Đây chính là một quy định có tính chất dị biệt so với nhiều châu lục và khu vực, nó trực tiếp mở ra khả năng tranh thủ có nhiều cơ hội để giành thứ hạng cao nếu nước chủ nhà mong muốn. Cách quy định có tính "mở” như thế đã đẩy các SEA Games dần dần biến thành sân chơi có quá nhiều thứ quy định phi lý và cực đoan. Vì thế sân chơi này được gọi là "ao làng”, đến nỗi có khá nhiều thành tích và các kỷ lục tại đó không được thừa nhận. Tuy nhiên, sự dị biệt kia cứ ngày càng phát triển và không được ngăn chặn.

Thực tế thật hài hước, hễ quốc gia Đông Nam Á nào là chủ nhân một SEA Games, lập tức xuất hiện các nội dung thi đấu hết sức xa lạ với nhiều quốc gia khác và cuối cùng thì nước đăng cai luôn có được thứ hạng cao, thậm chí vượt xa so với thực lực của quốc gia ấy. Các môn thể thao không nằm trong hệ thống Olympic đã lần lượt xuất hiện tại các kỳ SEA Games, chẳng hạn Muay (Thái Lan), Pecak Silat (Indonesia), Arnis (Philippines), Cầu mây (Malaysia), Cầu chinh (Việt Nam), thậm chí mới đây nhất, tại SEA Games 26 tổ chức ở Indonesia còn xuất hiện cả môn đánh bài (!).

Bên cạnh đó, chủ nghĩa thành tích và sự ích kỷ, tham lam hiếu thắng cũng trở nên căn bệnh trầm kha của hầu hết các nước chủ nhà. Họ có thể có thêm nhiều nội dung, thậm chí trong mỗi nội dung thì nước chủ nhà cũng cố gắng giành lợi thế khi chỉ cho thi đấu ở những nội dung hoặc hạng cân mà họ ít có đối thủ…

Xin nhắc lại một vài chi tiết ở SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam năm 2003, để giành thứ hạng cao, chúng ta cũng từng có những cách làm đáng suy nghĩ và đáng tiếc để đoạt vị trí nhất toàn đoàn. Làm sao mà các nữ VĐV đội cầu mây Việt Nam lại có thể phá được kỷ lục thế giới về nội dung tâng cầu (cầu mây) do đội tuyển nam của Thái Lan nêu, đó là nỗi đau của những nhà thể thao chân chính ở Thái Lan và ở Việt Nam. Những sự cố như vậy càng tô đậm thêm cái khái niệm về "lệ làng” của các kì SEA Game đã và còn diễn ra trong nhiều năm nữa ở khu vực Đông Nam Á.

Những cuộc thi đấu thể thao, ngoài các yếu tố giao lưu hòa nhập và thi đua giành thành tích vẫn còn mang ý nghĩa quảng bá hình ảnh của từng quốc gia, thông qua đó có thể thêm bạn và tăng cường các quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa. Chính vì thế, việc một quốc gia tìm cách tạo lợi thế theo các quy định mang tính "mở” của khu vực là khó tránh, miễn là đừng để trở nên quá đà đến mức bị xem thường. Bên cạnh đó cần lên án những yếu tố tiêu cực bên trong hoạt động ấy như việc gian lận tuổi tác, bán độ hay thái độ thi đấu thiếu trung thực, doping và bạo lực.

Biết chấp nhận cả luật chơi và "lệ làng” trong sự tỉnh táo vì sự phát triển của một Đông Nam Á phồn vinh, tôn trọng lẫn nhau sẽ là hành xử cần có của chúng ta. Trong ý nghĩa ấy, TTVN sẽ nỗ lực giành thành tích cao nhất và thuyết phục nhất tại SEA Games 27, bên cạnh đó cần sẵn sàng làm tất cả để góp sức xây dựng một sân chơi khu vực ngày càng văn minh và tiến bộ trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Trần Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục