Lê Quang Liêm: Điểm đến của hành trình

12:28 Thứ sáu 27/01/2012

Lần đầu tiên thi đấu cờ vua ở Hội khỏe Phù Đổng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính, Q.Phú Nhuận - TPHCM, Lê Quang Liêm mới bảy tuổi và đã bị loại vì phạm luật (do bị đối thủ xí gạt là “đi hai nước một lúc cho nhanh”). Buổi đầu chạm ngõ cờ vua là vậy, nhưng Liêm vẫn hồn nhiên tuyên bố với cha mẹ: “Con muốn trở thành nhà vô địch thế giới”.

Lúc ấy, cả nhà bật cười. Mười ba năm sau, tức tháng 7-2011, Liêm lần đầu tiên được xếp hạng 25 thế giới và là người thứ 49 trên thế giới trở thành Siêu đại kiện tướng. Giờ thì, nhiều người đã tin mục tiêu vô địch thế giới là “giấc mơ có thật” của Lê Quang Liêm.

Lê Quang Liêm. Ảnh: Nguyễn Á (gia đình cung cấp)

Susan Polgar, người phụ nữ đầu tiên giành được quyền thi đấu ở giải vô địch thế giới (VĐTG) dành cho nam vào năm 1986, nhà vô địch nữ thế giới từ năm 1996 – 1999, cũng là người sáng lập Học viện Cờ vua Susan Polgar – SPICE tại Mỹ, đã mời đích danh Lê Quang Liêm tham dự SPICE Cup lần V, hồi cuối tháng 10-2011. Liêm là kỳ thủ Đông Nam Á thứ hai xuất hiện tại giải, lại là người đầu tiên đoạt chức vô địch. Theo suốt Liêm ở giải này, cây bút Zachary Haskin chia sẻ: “Anh ấy là một kỳ thủ đáng kính trọng cả trong cuộc đấu lẫn bên ngoài. Liêm còn là một chiến binh thật sự với sức lao động kinh khủng để vươn đến hạng 25 thế giới. Liêm chỉ mới 20 tuổi, nên tôi tin chắc rằng anh tiếp tục tranh tài ở tốp đầu thế giới trong nhiều năm nữa”. Chiến thắng ở SPICE Cup là thêm một lần Lê Quang Liêm khẳng định trí tuệ Việt Nam ở bàn cờ thế giới, sau những quả bom tấn như bảo vệ thành công ngôi vô địch Giải Aerofiot ở Nga, hai lần liên tiếp chiếm vị trí Á quân Giải Siêu Đại kiện tướng (SĐKT) Dortmund năm 2010 - 2011.

Gia đình Lê Quang Liêm. Ảnh: Nguyễn Á

Trong những khoảnh khắc vinh danh Việt Nam ấy, Lê Quang Liêm nhớ nhất cảm giác mong quay lại Dortmund. Nơi ấy có bao kỷ niệm, dù không phải lúc nào cũng là chiến thắng. Được thi đấu ở Dortmund là niềm mơ ước của tất cả kỳ thủ muốn thâm nhập thế giới cờ chuyên nghiệp. Đó là cuộc đấu khắc nghiệt với các tên tuổi hàng đầu thế giới được mời đích danh, hoặc bạn phải đoạt chức quán quân Giải Aeroflot diễn ra trước đó nửa năm. Lê Quang Liêm có mặt ở Dortmund hai lần toàn bằng cách vượt qua “cửa hẹp" - chiến thắng tại Aeroflot. Lần nào đến đó, Liêm cũng để lại dấu ấn sâu đậm cho đối thủ của mình. Năm 2010, tuy trở thành tân vô địch nhưng Ponomariov Ruslan (Nga) vẫn không "tiêu hóa" nổi cảm giác thua Lê Quang Liêm trong ván cờ ở lượt đi (lượt về, họ thủ hòa). Ponomariov tâm sự với báo giới: "Ngay khi chạm tay vào quân cờ (dẫn đến nước đi sai lầm), tôi bỗng thấy ánh mắt lóe lên sáng quắc của kỳ thủ nhỏ tuổi nhất giải và tôi biết mình tiêu đời rồi”. Nghe vậy, Liêm cũng phục lăn Ponomariov vì một trong những kỹ năng Liêm không ngừng rèn luyện là kiềm chế cảm xúc trên bàn cờ để khỏi bị đối thủ "soi" mình. Biểu hiện thường thấy của Liêm trong thi đấu là một tay chống cầm, hoặc hai bàn tay ôm trán chứ không liên tục ngọ nguậy hoặc vò đầu, bứt tóc như nhiều kỳ thủ khác.

Từ tháng 10-2009 đến tháng 9-2010, cùng với hàng loạt thành tích vang dội như ngôi vô địch ở các giải Kolkata (Ấn Độ), Triết Giang (Trung Quốc), Aerofilot (Nga) và hạng nhì Giải Dortmund (Đức), Lê Quang Liêm đã trở thành “sát thủ cờ”, "chiến binh quả cảm”, "cái máy tính siêu hạng" đối với làng cờ quốc tế. Đại KTQT kiêm HLV hàng đầu ở Nga, Alexander Khalifman từng huấn luyện Liêm hai tháng trong năm 2010 đã kinh ngạc thốt lên: “Tôi muốn nổ đom đóm mắt vì khả năng tính toán của Liêm. Cậu ấy không chỉ tính toán nhanh, chu đáo mà còn tính được rất nhiều biến". Giờ đây, người ta đã biết rõ mối đe dọa của kỳ thủ Lê Quang Liêm đến từ Việt Nam chứ không còn hồ nghi đó là kỳ thủ trẻ người Trung Quốc (?!) như nhầm lẫn của cư dân chơi cờ trên mạng vào năm 2007. Các tạp chí và các website chuyên về cờ vua như chessbase.com, New Inchess đến giờ vẫn "đặt hàng" Liêm viết bài phân tích những ván đấu đầy ấn tượng của mình.

Cũng từ năm 2009, Lê Quang Liêm thường xuyên mặc veston khi du đấu, một phần do quy định ở một số giải, phần khác Liêm muốn thể hiện sự chỉn chu và tôn trọng người khác. Bởi, Liêm đã nhận thức đầy đủ hơn về màu cờ sắc áo: “Ở nước ngoài, ngày càng có nhiều kỳ thủ, trọng tài tay bắt, mặt mừng với tôi, ở nhà, lớp VĐV đàn em đều khấp khởi mừng sau mỗi lần tôi du đấu trở về. Thành quả của tôi ít nhiều gắn với sự phát triển của cờ vua Việt Nam. Điều này nhắc nhở tôi không được phép làm thất vọng những thế hệ đàn em".

Liêm trò chuyện với Susan Polgar ở SPICE Cup. Ảnh do gia đình cung cấp
Liêm và Ponomariov ở Dortmund 2011. Ảnh do gia đình cung cấp
Liêm đấu trí với Kramnik ở Dortmund 2011. Ảnh do gia đình cung cấp
Liêm đang làm khó ĐKT Yuryu Shulman ở lượt về SPICE Cup. Ảnh do gia đình cung cấp

Liên tục thành công nhưng có một lần duy nhất, Lê Quang Liêm gần như quỵ ngã trước trò đùa số phận. Hết năm 2010, Lê Quang Liêm được đánh giá là kỳ thủ tiến bộ nhanh nhất trong top 100 thế giới, từ hạng 93 vươn đến hạng 41 và là người trẻ nhất trong top 50 thế giới. Tháng 9-2010, Liêm đạt Elo tốt nhất 2.694 nên cứ ngỡ việc ẵm" luôn danh hiệu SĐKT quốc tế (Elo 2.700 trở lên) dễ như trở bàn tay, bởi trong 3 tháng cuối năm Liêm có đến ba giải quốc tế để kiếm thêm... 6 điểm. Nào ngờ, Liêm bị mất gần hết Elo tích lũy được trong 9 tháng trước, cụ thể ở Olympiad, Liêm mất 12 Elo, rồi mất tiếp 25 Elo ở Asian Games. Giấc mơ không thành, cũng buồn nhưng đau nhất là Liêm mất cả lòng tin vào bản thân. “Trong 3 tháng thảm họa đó, lòng tôi cồn cào vì mình cứ lặp lại những sai lầm sơ đẳng đến mức không hiểu nổi. Tôi chao đảo, nghi ngờ và ấm ức. Tôi tự hỏi những kết quả như lần đầu vô địch Aerofiot và đoạt á quân Dortmund phải chăng là nhất thời chứ không hẳn thực lực? Tôi rầu rĩ đến mức không nghiên cứu cờ trong gần hai tuần" - Liêm tâm sự. Dù đau nhưng ĐKT quốc tế có vẻ “chịu đòn” giỏi. Liêm chẳng than vãn với ai. Dù như kẻ sáp đắm tàu, Liêm vẫn cập nhật mọi thông tin thời sự, hằng ngày vẫn đấu cờ nhanh trên mạng chứ không có ý định bỏ cờ. Tháng 1-2011, Liêm là hạt giống số 1 tại Giải Quốc tế HB Bank và dần bình tĩnh để làm lại: “Tôi không thổ lộ với ai vì muốn cho mình cơ hội tự sửa chữa. Đam mê cờ vua và khát vọng tự khẳng định đã cứu sống tôi. Tôi hiểu mỗi nấc thang tiếp theo khó khăn gấp nhiều lần hơn trước". Từ cú sốc của mình cũng như chứng kiến bao VĐV triển vọng bị đào thải trong thế giới cờ vua, Lê Quang Liêm ngày càng thấm thía “đường dài mới biết ngựa hay” và siết lại kế hoạch bản thân theo hướng chia nhỏ mục tiêu dài hơi (chức VĐTG) ra những giai đoạn khả thi.

Không ít cao thủ quốc tế đã dự đoán mục tiêu VĐTG của Lê Quang Liêm sẽ thành hiện thực. Trong bài phỏng vấn Yasser Seirawan (ĐKT quốc tế người Mỹ gốc Syria) do chessbase.com thực hiện ngày 28-10-2011, khi hỏi về những kỳ thủ trẻ nổi bật có khả năng đoạt chức VĐTG, Yasser đưa ra 6 cái tên của các kỳ thủ sinh từ năm 1987 - 1994 mà ông nghĩ đến, trong đó Lê Quang Liêm là người châu Á duy nhất.

Riêng Liêm đã vạch lộ trình tiếp theo là lọt vào top 10 thế giới (tương ứng với Elo 2.750); top 5 thế giới (Elo 2.800); tiếp cận ngôi quán quân thế giới với Elo trên 2.800. Trong năm mới 2012, Liêm cố gắng vào top 10. Lê Quang Liêm chia sẻ: "Chìa khóa thành công vẫn là làm việc nghiêm túc và tận lực. Năng khiếu có thể khiến các kỳ thủ hơn nhau một chút ở buổi đầu chơi cờ đỉnh cao, nên mình làm việc tốt hơn sẽ nhanh tiến bộ hơn vì lý thuyết cờ vua cực kỳ đa dạng và biến đổi từng ngày, đòi hỏi kỳ thủ phải cập nhật liên tục. Tuy tôi còn trẻ nhưng nỗ lực chinh phục đỉnh cao cờ vua là điều cần phải làm ngay vì thời gian không chờ đợi ai".

Gia đình luôn bên cạnh Liêm khi thi đấu xa nhà từ bé. Ảnh do gia đình cung cấp

Giỏi cả văn hóa lẫn cờ vua, nhưng Lê Quang Liêm (hiện là sinh viên ngành tài chính ngân hàng, ĐH Sài Gòn) không hề có biểu hiện "ngôi sao": "Khi đạt kết quả tốt, tôi chỉ hỉnh mũi một chút, là mẹ luôn nhắc tôi “thắng không kiêu, bại không nản". Tôi vẫn cố gắng để giải đấu sau tốt hơn giải trước. Tôi tự tin vì hiểu rằng không thể tạo kỳ tích nếu không tập luyện nghiêm túc và tôn trọng đối thủ”. Cuối năm 2011, Liêm làm chuyện chưa từng có là vào bếp học nấu ăn với mẹ - rồi sẽ đến một ngày Liêm phải độc hành trên đường chinh phục ngôi đầu thế giới chứ đâu thể có cha mẹ đồng hành như "khi xưa ta bé".

Hơn 10 năm gắn bó với cờ vua, bằng thái độ lao động như vắt kiệt sức mình, với những cao điểm tự nghiên cứu cờ hết 10 giờ/ngày, Liêm cho rằng: “Sự hy sinh lớn nhất của tôi chính là dành trọn quỹ thời gian cho cờ nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng, vì tôi được làm điều mình thích". Câu danh ngôn Liêm yêu thích “Thành công là cuộc hành trình chứ không phải điểm đến" cũng là quan niệm sống và thước đo của Liêm trên đường theo đuổi sự nghiệp cờ vua không dễ dàng này.

Thục Oanh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục