Lăng kính: Khi chiến thuật cũng bị "toàn cầu hóa"!

09:56 Thứ hai 28/05/2012

Bóng đá thế giới từng chứng kiến nhiều phong cách lớn đối chọi nhau. Nhưng theo thời gian, yếu tố phong cách, bản sắc đã dần mai một, khi nhiều đội bóng áp dụng cùng một sơ đồ chiến thuật

Lăng kính: Khi chiến thuật cũng bị "toàn cầu hóa"!

1.“Bóng đá cũng lâu đời như trái đất vậy. Con người vẫn chơi một thứ bóng đá, từ hình thái ban sơ nhất khi người ta đá vào một quả bóng cho đến ngày nay” - chủ tịch FIFA Sepp Blatter từng nói.

Ông Blatter nói không sai về bóng đá: vẫn là trái bóng, vẫn là đôi chân, vẫn là khao khát chiến thắng. Nhưng nếu xét kỹ đến từng chi tiết, thì hình thái bóng đá đã thay đổi rất nhiều trong lịch sử phát triển. Từ thể thức, luật lệ cho đến chiến thuật thi đấu.

Nếu đi sâu hơn, sẽ dễ nhận ra sự phát triển của bóng đá gắn liền với sự phát triển của ý thức xã hội.

Ví dụ căn bản nhất: tại sao trò chơi với trái bóng tròn bằng đôi chân lại được chơi bởi những người kém văn minh ở đảo Britain (Vương quốc Anh ngày nay), chứ không phải ở La Mã, cái nôi văn minh của châu Âu? Lý do: các Hoàng đế La Mã không ủng hộ những môn thể thao không phục vụ cho việc huấn luyện kỹ thuật chiến trận, còn các bộ lạc ở đảo Britain suy nghĩ có phần “hoang dã” hơn, chơi bất cứ thứ gì họ thích. Địa chỉ khai sinh môn thể thao này, như vậy, cũng đã được quy định bởi ý thức xã hội.

2.Tiếp tục đẩy bánh xe lịch sử đến những ngày đầu của bóng đá, lại nhận ra những chiến thuật thi đấu, vốn tưởng như là kết quả của những nghiên cứu khoa học lý tính, thật ra cũng là sản phẩm của tâm lý xã hội.

Người Anh nghĩ ra môn bóng đá đầu tiên. Nhưng lúc đó, họ chơi một thứ bóng đá mà người thời nay sẽ không thể tưởng tượng nổi: các cầu thủ tự cầm bóng và lao đầu về phía khung thành đối phương, quyết tâm ghi bàn cho tới khi… mất bóng thì thôi. Người Anh lúc đó quan niệm rằng môn thể thao này chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, và đưa bóng cho nhau là một hành động rất “mất sỹ diện”.

Người Scotland, không mang nặng cái tư tưởng “các quý ngài” của Anh quốc, dạy cho xứ láng giềng một bài học. Trong trận đấu quốc tế đầu tiên của lịch sử bóng đá, Anh gặp Scotland năm 1872, đội cửa dưới đã cầm hòa thành công đối phương bằng một thứ chiến thuật kỳ lạ gọi là… chuyền bóng.

Cũng như thế, người ta có thể dễ hiểu tại sao ở quê hương của xe Mercedes, người ta chơi thứ bóng đá khoa học và chính xác đến ghê người, còn ở bên kia đại dương, người Brazil chơi bóng như nhảy điệu Samba, nhưng người Argentina, với 83% dân số có nguồn gốc nhập cư từ châu Âu, lại “lai” giữa trường phái kỹ thuật và thực dụng của 2 lục địa.

3.Lịch sử bóng đá phản ánh một phần ý thức xã hội. Đó là một chân lý đã... xưa như trái đất. Nhưng nếu sử dụng logic ấy để soi lại thế giới bóng đá ngày nay, có lẽ sẽ phải tự hỏi: nó đang đại diện cho hệ ý thức nào?

Những mô hình chiến thuật đang bị đồng hóa. Sự đa dạng đang dần biến mất. Không còn thấy rõ ranh giới giữa những trường phái bóng đá như 3 thập kỷ trước. Sơ đồ 4-2-3-1 lên ngôi một cách đáng sợ, từ Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italia…

Không khó để nhận ra cụm từ đứng đằng sau sự đồng hóa ấy: “toàn cầu hóa”. Những HLV giỏi di chuyển khắp các quốc gia, những sơ đồ chiến thuật dễ dàng được học hỏi trong xã hội thông tin, ranh giới cầu thủ nội-ngoại gần như biến mất ở các giải VĐQG… Và quan trọng hơn, bóng đá bị biến thành một ngành công nghiệp đắt giá, mà trong đó người ta phải gạt bản sắc sang một bên để đi tìm lợi nhuận.

Đó là quy luật của cuộc sống. Nhưng người ta vẫn có quyền cảm thấy tiếc nuối khi những biên giới văn hóa đã bị xóa nhòa trong bóng đá…

Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục