"Kỳ quan bóng bàn" Lê Văn Tiết: Tin vào cơ hội vươn tầm thế giới

08:29 Chủ nhật 28/12/2014

Những ngày cuối tháng 12, cựu VĐV Lê Văn Tiết từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để thi đấu biểu diễn tại Giải Diễn đàn bóng bàn Việt Nam mở rộng - tranh cúp Báo Công an nhân dân năm 2014. Sự góp mặt của ông cả trên sân đấu lẫn khán đài đều nhận được sự chào đón của mọi người, bởi đơn giản ông từng là "kỳ quan bóng bàn thế giới" - như báo chí thế giới từng ca ngợi.

Sự nghiệp của Lê Văn Tiết thực sự là mơ ước của tất cả các tay vợt hiện nay. Bên bàn bóng, ông gây dựng tên tuổi bằng lối đánh phản công chưa từng xuất hiện trong làng bóng bàn thế giới, gặt hái những danh hiệu đáng mơ ước như vô địch đồng đội nam Á vận hội 1958, vô địch đơn nam Giải Bóng bàn quốc tế Pháp mở rộng 1959 (một trong số ít giải đấu bóng bàn danh giá nhất thế giới lúc bấy giờ) khi mới 20 tuổi.

Cựu danh thủ Lê Văn Tiết (trái) và Trần Cảnh Đến tại giải.

Nhắc đến việc khai sinh lối đánh phản công, ông cười sảng khoái: "Đó là sự tình cờ không thể tin nổi!". Tất cả bắt nguồn từ việc bố ông chuyển từ chơi quần vợt sang bóng bàn cho đỡ tốn kém. Đến lúc dạy cậu con trai chơi bóng bàn, ông mang luôn cả lý thuyết quần vợt vào "chương trình giảng dạy". Đòn đánh của quần vợt vốn dựa vào sức mạnh, được áp dụng vào các mảng miếng bóng bàn. Nhờ vậy, quả đánh của Lê Văn Tiết đầy sức mạnh và với "bộ pháp" nhanh nên ông dễ dàng chơi phản công. Thời đó, bóng bàn chỉ có xu hướng hoặc tấn công hoặc phòng thủ, lối đánh phản công của Lê Văn Tiết hoàn toàn lạ lẫm. Chuyện một tay vợt đang ở thế phòng ngự bỗng tấn công với tốc độ và sức mạnh không kém khiến các cao thủ đều bối rối.

Chính nhờ lối đánh này mà ông Lê Văn Tiết đã gây dựng tên tuổi: 17 tuổi, đã là tay vợt trẻ nhất được gọi vào đội tuyển dự giải quốc tế. Năm 19 tuổi, ông đả bại 2 tay vợt người Nhật Bản là T.Tanaka (đương kim vô địch thế giới), Sunoda tại chung kết đồng đội Á vận hội năm 1958 diễn ra ngay ở Tokyo (Nhật Bản), tạo nên một cú sốc lớn trong làng bóng bàn thế giới. Một năm sau đó, ông lại gây sốc khi hạ tay vợt Nhật Bản Murakami ở chung kết Giải Bóng bàn Pháp mở rộng khiến chính huyền thoại bóng bàn người Nhật Bản khác là Ogimura phải thốt lên rằng: "Đây là trận đấu khủng khiếp nhất mà tôi từng chứng kiến".

Lê Văn Tiết kể rằng, ngay sau trận chung kết Á vận hội 1958 một ngày, truyền hình Nhật Bản đã phân tích rất kỹ về ông. Chính nhờ sự cầu thị của người Nhật Bản mà lối chơi phản công của ông chỉ thực sự hữu hiệu trong 3 năm, từ 1957 đến 1959. Sau đó, chính người Nhật Bản đã nghĩ ra cú giật cầu vồng có độ xoáy và tốc độ bóng đi chậm để vô hiệu hóa những cú phản đòn nhanh, mạnh của ông. Thực sự, người Nhật Bản đã thành công với lối đánh này song rõ ràng, nếu không có lối chơi phản công của ông Lê Văn Tiết thì chưa chắc một đòn đánh mới trong làng bóng bàn thế giới là giật cầu vồng đã ra đời.

Dù vậy, vị cựu danh thủ vẫn hy vọng bóng bàn Việt Nam sẽ không quá lép vế trước Nhật Bản nếu các HLV biết điều chỉnh lối chơi cho VĐV một cách phù hợp. Theo ông, chỉ có chặn đẩy gần bàn hoặc thi đấu xa bàn mới là cách chơi để bóng bàn đỉnh cao Việt Nam thoát khỏi sự lép vế ở sân chơi châu lục hiện nay. "Nếu chỉ trông vào lối chơi ở cự ly trung bình thì các tay vợt Việt Nam sẽ còn khó khăn bởi họ không đủ trình độ để chống lại những cú đánh uy lực của các tay vợt thế giới hiện nay. Vấn đề là bóng bàn Việt Nam phải đủ HLV có tài để điều chỉnh cho VĐV. Tôi tin bóng bàn Việt Nam vẫn có cơ hội vươn tầm thế giới".

Hiện giờ, Lê Văn Tiết vui cùng trái bóng nhựa qua những giờ dạy bóng bàn đều đặn. Lần này, ra Hà Nội thi đấu lần đầu tiên, được gặp bạn bè, người hâm mộ, ông tỏ rõ sự hài lòng với những gì đã làm được trong nghiệp VĐV. Ông chỉ mong sẽ có người lại làm rạng danh bóng bàn Việt Nam, như những gì mà ông, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được… đã từng làm.

Minh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục