Khủng hoảng tài chính vẫn phủ bóng đen lên Barca

09:50 Chủ nhật 18/06/2023

Barcelona có thể vui mừng với chức vô địch La Liga mùa giải 2022/23 nhưng tương lai tài chính của CLB hiện vẫn trong tình trạng báo động dù nhiều giải pháp đã được thực hiện.

 - Bóng Đá

 Barca đứng trước tương lai tài chính bấp bênh dù lên ngôi La Liga mùa vừa qua.

Mùa giải 2020/21, thông tin về cơn khủng hoảng tài chính của Barca xuất hiện. Cách hoạch định chiến lược tương lai và chính sách chuyển nhượng kém cỏi của cựu Chủ tịch Josep Bartomeu khiến "Gã khổng lồ xứ Catalunya" khi đó nợ gần 1,5 tỷ euro và đứng trước bờ vực phá sản.

“Ông ấy tiêu tiền nhanh như tốc độ ánh sáng”, Chủ tịch hiện tại của Barca, Joan Laporta, bình luận về người tiền nhiệm. Tình hình kinh tế của đội chủ sân Camp Nou lúc bấy giờ còn bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và quỹ lương khủng của CLB, dẫn đến việc phải chia tay Lionel Messi hè 2021.

Sau hơn hai năm tại vị, ông Laporta đã thực hiện nhiều đòn bẩy kinh tế nhằm giữ Barca ổn định để tiếp tục chinh chiến trên các đấu trường. Mùa giải vừa qua, đội bóng này thậm chí lên ngôi La Liga. Song, những biện pháp đó có thật sự hiệu quả và mang tính dài hạn?

Các đòn bẩy kinh tế

Sau khi nhậm chức chủ tịch Barca hồi tháng 3/2021, ông Laporta phát biểu: “Đảm nhiệm trọng trách này từ tay ông ấy (Bartomeu - PV) thật đáng sợ. Tình hình tài chính của CLB hiện rất tồi tệ. Tuy nhiên, đội ngũ của tôi có đủ uy tín và kinh nghiệm để kết thúc tình trạng này”.

Theo đó, hè 2022, Barca quyết định bán 25% tiền bản quyền truyền hình trong 25 năm tiếp theo cho công ty đầu tư Sixth Street với giá khoảng 500 triệu euro. Hiểu một cách đơn giản, "Gã khổng lồ xứ Catalunya" từ bỏ một phần lợi nhuận từ tiền truyền hình trong 1/4 thế kỷ tới để đổi lấy một con số thấp hơn nhưng có trong tay ngay lập tức.

Khoản thu nhập trên giúp Barca tuân thủ Luật Công bằng Tài chính (FFP) của La Liga, giới hạn chi tiêu của một CLB so với tổng doanh thu. Đó là lý do Barca có thể bỏ ra 150 triệu euro vào hè năm ngoái để chiêu mộ Robert Lewandowski, Raphinha và Jules Kounde.

 - Bóng Đá

 Bất chấp khó khăn tài chính, Barca đem về Kounde, Lewandowski và Raphinha hè 2022.

Không lâu sau đó, Barca bán 49% cổ phần công ty truyền thông của CLB, Barca Studio, thông qua hai giao dịch riêng biệt với công ty Socios và Orpheus. 200 triệu euro kiếm được qua thương vụ này cộng với tiền bán bản quyền truyền hình được đội bóng trích ra một phần để trả nợ.

Cũng trong giai đoạn trên, Barca ký hợp đồng tài trợ áo đấu và sân vận động trị giá 435 triệu euro với công ty Spotify. Thỏa thuận trên bao gồm quyền tài trợ áo đấu cho các đội nam và nữ Barca, đồng thời bao gồm quyền đặt tên sân Camp Nou.

Song song với những đòn bẩy kinh tế trên, Barca thương lượng việc giảm lương với các cầu thủ. Gerard Pique là trường hợp nổi bật nhất với việc chấp nhận ra sân thi đấu không lương. Tuy nhiên, không ít cầu thủ phản đối chính sách này như Jordi Alba hay Samuel Umtiti.

Tháng 4/2023, Barca còn kêu gọi thành công số tiền tài trợ 1,45 tỷ euro để nâng cấp sân vận động Camp Nou. Thỏa thuận giữa CLB xứ Catalunya và các nhà đầu tư kéo dài gần 30 năm với việc CLB sẽ hoàn tất các khoản trả góp kèm lãi suất đến năm 2052.

Barca ước tính rằng khi quá trình tái thiết hoàn tất, SVĐ Camp Nou sẽ đem về lợi nhuận 200 triệu euro mỗi năm cho CLB. Doanh thu sẽ đến từ việc bán vé, kinh doanh đồ ăn thức uống và tổ chức các sự kiện ngoài bóng đá. “Camp Nou sẽ là một trong những địa điểm thi đấu tốt nhất thế giới khi nâng cấp xong”, Chủ tịch Laporta phát biểu hồi tháng 5.

 - Bóng Đá

 Những đòn bẩy kinh tế của Chủ tịch Laporta chỉ có thể giúp ích cho Barca trong tương lai gần. Ảnh: Reuters.

Chỉ mang tính ngắn hạn

Dưới sự dẫn dắt của ông Laporta, tình hình tài chính của Barca có sự cải thiện rõ rệt so với thời Bartomeu. Theo báo cáo tài chính của đội bóng xứ Catalunya, Barca kết thúc mùa giải 2021/22 với doanh thu âm 7 triệu euro trước thuế, tốt hơn nhiều so với con số âm 63 triệu ở mùa 2020/21.

Thu nhập từ việc bán tiền bản quyền truyền hình, bán cổ phiếu công ty truyền thông Barca Studio và khoản tài trợ từ các nhà đầu tư chắc chắn sẽ trợ giúp tình trạng tài chính của đội chủ sân Camp Nou mùa giải 2022/23. Đó là còn chưa kể đến những đòn bẩy khác của Barca như việc 49,9% cổ phần công ty con Barca Licensing and Merchandising (BLM) đang được rao bán.

Hè này, Barca còn có thể kiếm thêm lợi nhuận từ việc bán cầu thủ. Tiền vệ Frenkie De Jong, người nhận mức lương cao nhất CLB (hơn 500.000 euro/tuần - PV), đang được nhiều ông lớn săn đón trên thị trường chuyển nhượng.

Tuy nhiên, mặc dù được giải phóng phần nào bởi các đòn bẩy, “sức khỏe” tài chính dài hạn của Barca chưa được cải thiện. Bên cạnh khoản nợ khổng lồ, quỹ lương của Barca mùa giải 2022/23 ở mức khoảng 350 triệu euro, hơn quy định của Luật Công bằng Tài chính (FFP) của La Liga đến gần 150 triệu euro.

Vì lẽ đó, Barca không thể đăng ký những bản hợp đồng mới gia hạn vài tháng trước là hậu vệ Ronald Araujo hay Gavi vào danh sách đội một. Đáng chú ý, cả hai là thành phần quan trọng và có thể là nòng cốt cho tương lai của gã khổng lồ xứ Catalunya. Barca phần nào đó phải cảm ơn những trụ cột hưởng lương cao bậc nhất CLB, Jordi Alba và Sergio Busquets, vì đã chia tay đội bóng hè này.

Để vận hành ổn định và vững vàng, sẽ đến lúc Barca không thể tìm kiếm thêm nhà đầu tư hay bán cổ phiếu của những công ty con mà phải thật sự kiếm được tiền từ hoạt động kinh doanh của CLB. Theo Athletic, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (Operating profit) của đội chủ sân Camp Nou, không tính các khoản đầu tư và thu nhập ngoài bóng đá, đạt mức âm 146 triệu euro mùa 2021/22, thấp nhì La Liga.

Trở về hiện tại, các CĐV Barca có thể đang rất vui mừng với chức vô địch La Liga mùa giải 2022/23. Song, đừng quên rằng tình trạng tài chính của Gã khổng lồ xứ Catalunya rất tồi tệ và các giải pháp của Chủ tịch Laporta đến lúc này chỉ mang tính tạm thời. Phải mất nhiều thời gian nữa cùng sự cải tổ toàn diện trong chiến lược kinh doanh của CLB, tài chính của Barca mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Nguồn: Zing.vn
Minh Tô | 09:05 18/06/2023
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục