Không làm, thì nghỉ đi!

11:43 Thứ năm 28/11/2013

Trả lời phỏng vấn, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn thừa nhận chuyện lùi ngày tổ chức đại hội nhiệm kỳ khóa 7 khiến cho nhiều người của nhiệm kỳ 6 “không biết phải làm gì”. Lời thừa nhận dũng cảm ấy được nói bởi một quan chức đương nhiệm nhưng từ lâu đã không còn là người của VFF nữa. Thế phần còn lại của VFF có cùng quan điểm ấy hay không?

Với cái kiểu “tư duy nhiệm kỳ” tại Việt Nam thì sự thừa nhận của ông Viễn chắc chắn đúng với đa số thành viên VFF khóa 6. Ông Viễn “dũng cảm” như vậy vì thực tế ông đã “nghỉ việc” tại VFF 2 năm qua, kể từ ngày sang VPF làm Tổng giám đốc. Thế nhưng, ngay đến ông Viễn mà còn chưa xin thôi việc để qua hẳn VPF thì các ủy viên BCH còn lại dại gì mà buông ghế.

Nói chính xác, VFF khóa 6 đã “sống thừa” từ hồi tháng 4 đến nay. Nếu đến tháng 4 năm sau mới tổ chức đại hội thì họ “thừa” đến cả năm trời. Sở dĩ chẳng có ai thừa nhận chỉ vì đa số thành viên khóa 6 đều đăng ký tham gia khóa 7. Thậm chí, họ còn tự tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính mình. Nghĩa là vẫn còn nhiều cơ hội giữ ghế. Phàm ở đời, không dũng cảm bỏ ghế mà đi thì thôi chứ còn quyết tâm giữ ghế, tức là vẫn phải cố chờ đến giờ cuối.

Tuyển Việt Nam thất bại nặng nề tại vòng loại Asian Cup 2014 (trong ảnh Việt Nam thua UAE cả 2 lượt đi và về với tỷ số 1-2 và 0-5). Ảnh: Quang Thắng

Trong bối cảnh của bóng đá Việt Nam hiện nay, làm gì có nhiều người mới tham gia liên đoàn thế nên, không dũng cảm từ nhiệm thì can đảm “ngồi lì”. Ý nghĩa thì khác nhau nhưng vẫn là …dũng cảm.

Tất nhiên là VFF khóa 6 có lý do để ngồi tiếp một năm nữa. Ví dụ: Không có họ thì lấy ai sửa chữa và thông qua điều lệ mới. Không có điều lệ mới thì làm sao có đại hội khóa 7 được chứ?

Cái tội nghiệp chính là nền bóng đá Việt Nam. 3 năm qua, VFF làm được gì ngoài những thất bại và thất bại. Các giải đấu đã bị VPF đứng ra điều hành. Đội U23 và tuyển quốc gia thua trắng trên đấu trường quốc tế. Thành công của U19 và futsal không liên quan gì đến bộ máy VFF hiện tại mà chủ yếu là công lao cá nhân. Toàn bộ mảng phong trào hiện đều thuộc về xã hội. Bóng đá bãi biển vừa được khơi dậy đã nhanh chóng “ngủ đông”. Toàn bộ quyền thương mại của các đội tuyển đều khoán cho Công ty Densu. Thế thì VFF làm được gì?

Một lãnh đạo của VFF tâm sự với chúng tôi: ông không làm được gì. Những ý kiến của ông ngay lập tức bị phủ nhận bởi nguyên tắc “quyết định tập thể” tại Thường vụ VFF vốn là một ê–kíp chuyển từ khóa 5 sang. Nói cách khác, một cá nhân nào muốn làm gì mới mẻ mà không được tập thể tán thành cũng ngay lập tức trở thành “vô dụng”. VFF hoạt động càng lúc càng giống một tổ chức đứng bên lề xã hội. Mặc ai phản biện, mặc dư luận phản ứng, họ nói theo cách của họ, làm theo cách của họ.

Như chúng tôi có lần đề cập: VFF là một tổ chức xã hội mà sự tham gia là tự nguyện. Nếu họ không đủ lòng tự trọng để xin rút lui thì cũng chẳng ai “đuổi” được họ. Tổng cục TDTT mà có ý kiến, họ lấy ngay cái “chiêu bài FIFA” làm tấm bình phong.

Nhưng lòng tự trọng là thứ xa xỉ tại VFF, không chỉ tại nhiệm kỳ này. Nếu có lòng tự trọng, thì đã có nhiều người phải rút lui sau AFF Cup 2012 sau khi đã có một ông TTK Trần Quốc Tuấn rút lui sau SEA Games 26. Nếu có lòng tự trọng người ta đã phải nhận trách nhiệm về sự chuẩn bị sơ sài tại vòng loại Asian Cup. Cả làng bóng biến động suốt 2 năm qua nhưng chỉ mình VFF là ai ngồi chỗ nấy cứ như thể họ không liên quan gì đến số phận của làng cầu này vậy.

Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục