Khi nhà giàu cũng khổ

10:24 Thứ sáu 08/08/2014

(TinTheThao.com.vn) - Đúng với tên gọi của mình, luật công bằng tài chính (FFP) đã giúp mọi thứ trở nên công bằng hơn. Và nếu như nhìn vào thị trường chuyển nhượng mùa hè 2014 chúng ta có thể thấy rõ được sự thay đổi rõ rệt trong phong cách mua sắm của những đội bóng lớn, mà cụ thể ở đây là những “người giàu”.

Ngày 25/7, Jose Mourinho tuyên bố ngừng mua sắm sau khi đã có được chữ ký của 3 tân binh sáng giá là Fabregas, Diego Costa và Filipe Luis. Tính ra Chelsea đã chi ra tổng cộng hơn 80 triệu bảng cho 3 bản hợp đồng mới này, một số tiền khá lớn và nó cho chúng ta thấy được sự quen thuộc trong cách chi tiêu mua sắm của The Blues.

Nhưng điều khác biệt lại đến ở chỗ để có được ngân sách chuyển nhượng lớn như vậy Jose Mourinho và BLĐ đội bóng phải bán bớt đi những ngôi sao trong đội hình để nhằm cân bằng tài chính, điều mà gần 10 năm trở lại đây chẳng ai có thể thấy ở Chelsea. Nếu như hồi ấy chiến lược gia Bồ Đào Nha và những HLV khác có thể thoải mái mua sắm không tiếc tay vì những khoản tiền như núi đổ của ông chủ Roman Abramovich thì bây giờ mặc dù những đồng Rúp trong tay ông chủ người Nga vẫn ngày càng tăng hơn nhưng ông không được phép chi quá nhiều vì…luật công bằng tài chính!

Jose Mourinho tuyên bố ngừng mua sắm sau khi đã có được chữ ký của 3 tân binh sáng giá là Fabregas, Diego Costa và Filipe Luis.

Đó là lý do tại sao Mata phải ra đi khi Chelsea muốn có Matic, De Bruyne phải ra đi để nhường chỗ cho Salah. Và trong mùa hè này Mourinho tiếp tục nói lời tạm biệt với những tài năng sáng giá như David Luiz và Lukaku. Yếu tố chuyên môn cũng là một phần quan trọng quyết định tương lai của các cầu thủ kể trên nhưng để thấy rằng Chelsea giờ đây cũng buộc phải thay đổi theo chiều hướng mua sắm tích cực hơn trên TTCN.

Tiếp theo là đến Man City, đội bóng làm mưa làm gió trong tất cả các kỳ chuyển nhượng mùa hè sau khi tỉ phú Ả Rập Sheikh Mansour của tập đoàn Abu Dhabi tiếp quản CLB vào năm 2008. Thế nhưng trong mùa hè này tình hình chuyển nhượng của Man City cũng khá yên ắng sau khi họ chi ra tổng cộng 20 triệu bảng cho 3 tân binh là Bacary Sagna (CNTD), Willy Caballero (£6m) và Fernando (£12m). Đó là con số thấp kỷ lục trong các kỳ chuyển nhượng mùa hè của Man City. Ở chiều ngược lại, họ vừa bỏ túi 10 triệu bảng từ việc bán tiền vệ bị thất sủng tại Etihad – Jack Rodwell. Thế nên xem ra ngân sách chuyển nhượng của đội bóng nửa xanh thành Man chẳng hề bị ảnh hưởng gì.

Ngay cả khi chi tiền để có được chữ ký của trung vệ Mangala (được định giá 25- 30 triệu bảng), HLV Pellegrini cũng phải một trong số những cầu thủ như Nastasic, Micah Richards, Javi Garcia để bù vào các khoản đã chi. Hiện tại án phạt từ UEFA dành cho Man City đã được thực thi và nếu tiếp tục chi tiền quá đà họ sẽ phải tiếp tục trả giá.

Thêm một cái tên nữa xuất hiện trong bài viết này đó chính là đại gia mới nổi nước Pháp – PSG. Sau khi có được David Luiz với mức giá 40 triệu bảng, BLĐ của PSG đã phải tính toán kỹ lưỡng trong việc mua sắm cầu thủ. Họ chỉ dám mượn hậu vệ trẻ Serge Aurier, cầu thủ thi đấu rất khá tại kỳ World Cup vừa qua chứ không dám mua đứt vì sợ phải chi quá nhiều tiền. Ngay cả khi tưởng chừng như PSG sẽ biến Di Maria trở thành bản hợp đồng bom tấn mùa hè này với mức phí chuyển nhượng lên đến 70 triệu euro nhưng những động thái gần đây đã cho thấy thương vụ này có dấu hiệu sẽ đổ bể.

PSG không dám mạo hiểm đưa Di Maria để phải chịu cảnh thâm hụt ngân sách trước khi bị UEFA “sờ gáy” giống như Man City. Án phạt đã gõ cửa Man City thế nên không cớ gì lại không gõ cửa PSG nếu đội bóng nước Pháp vi phạm luật công bằng tài chính.

Thế mới biết giờ đây nhà giàu cũng không được phép tiêu hoang, nhà giàu cũng khổ! Nhưng điều này lại thật cần thiết để đem lại sự công bằng cho bóng đá.

Đức Thịnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục