Hướng đến SEA Games 27: Chuyện thuốc thang cho các VĐV Việt Nam: nghịch lý "no dồn đói góp"

13:36 Thứ sáu 29/11/2013

Rất lạ là khi hỏi đến chuyện thuốc thang - một nhu cầu đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao thành tích của thể thao hiện đại, ngay cả các tuyển thủ hàng đầu Việt Nam cũng khá thờ ơ. Chẳng phải vì họ không quan tâm mà đơn giản bởi lâu nay gần như họ chỉ dùng những loại thuốc kiểu này... cho có (?).

Ít ai biết là một “đại bản doanh” như Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội với 700 - 800 tuyển thủ của 30 môn tập huấn thường xuyên lại không hề được đầu tư khoản kinh phí nào liên quan đến thuốc chuyên dụng hay thực phẩm thuốc. Kể cả những gương mặt thuộc diện “mũi nhọn” hay các môn khắc nghiệt điển hình như cử tạ, điền kinh cũng không có ưu tiên gì.

Cực chẳng đã, Trung tâm đã phải cân đối từ mọi nguồn để trích ra mỗi năm vài chục triệu đồng, nhiều nhất cũng chỉ đến 50 triệu đồng dành mua thuốc. Số tiền chắt bóp nhỏ nhoi ấy chỉ có thể mua được một số lượng vô cùng hạn chế, hầu hết là các loại thuốc bổ thông thường để cấp theo đợt tới các đội tuyển. Từ đó dẫn đến một thực tế buồn là các tuyển thủ gần như ít dùng các loại thuốc theo đợt này, bởi nó vừa không bõ bèn gì về số lượng vừa yếu về chất lượng. Thậm chí, có người còn cất thuốc mang về làm quà cho người nhà.

Dũng Tân Ngay cả các VĐV hàng đầu Việt Nam cũng rất thiệt thòi khi thiếu sự bổ trợ kịp thời của các loại thuốc chuyên dụng thể thao. Ảnh: C.V.

Suốt cả năm không có thuốc, thế nhưng như một nghịch lý, đến sát SEA Games, các đội tuyển lại nhận được rất nhiều thuốc các loại, mà đều thuộc loại chuyên dụng hay thực phẩm thuốc “xịn” ngoại nhập. Bởi vì phải đến sát SEA Games thì ngành Thể thao mới có kinh phí cho “danh mục đặc biệt” này. Nhưng trong bối cảnh sân chơi SEA Games chỉ còn tính bằng tháng, bằng tuần, ngay cả khi các VĐV dùng thuốc theo kiểu “tăng tốc” quyết liệt thì khả năng bồi bổ, hấp thụ là rất thấp. Đáng nói hơn, đây lại là thời điểm các VĐV không mấy cần thuốc khi chỉ còn tập nhẹ, chủ yếu để hoàn thiện kỹ chiến thuật của mình. Trao đổi với người viết, một số lực sĩ cử tạ và vật cho biết: “Giá như chúng tôi được dùng thuốc từ 3-4 tháng trước, trong giai đoạn tập nặng thì chắc chắn kết quả tập luyện đã khác nhiều...”.

Không phải chỉ đến SEA Games 27, chuyện “no dồn đói góp” trong việc thuốc thang, chăm sóc sức khỏe của tuyển thủ quốc gia đã trở thành một nghịch lý của thể thao Việt Nam kéo dài hàng thập kỷ qua.

Cái nghịch lý mà ai cũng biết, ai cũng thấy, nhưng chẳng có thay đổi gì!

Lực lượng bác sỹ kỷ lục theo chân đoàn thể thao Việt Nam

Tại SEA Games 27, lần đầu tiên ngành Thể thao đã cử theo một lực lượng y tế kỷ lục với số lượng gồm 22 bác sỹ giỏi và kinh nghiệm được huy động từ các trung tâm thể thao hàng đầu cả nước. Người phụ trách mảng chăm sóc sức khỏe, y học cho đoàn là bác sỹ Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

Hai đội bóng đá U23 và ĐT nữ, mỗi đội có tới 2 bác sỹ. Hai đội fusal nam/nữ, mỗi đội cũng có 1 bác sỹ riêng. Số lượng 16 bác sỹ còn lại sẽ phân công phụ trách theo nhóm môn, căn cứ vào lịch trình của các ĐTQG. Một số môn võ - vật, hay một số tuyển thủ thuộc diện chủ lực giành HCV cũng sẽ đảm bảo có bác sỹ thường trực trong tập luyện và thi đấu. Mới đây, ngành Thể thao cũng đã ký kết hợp đồng bảo hiểm cho các thành viên của đoàn với các ưu đãi cao nhất.

Tuấn Thành

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục