FIFA: Nhà dột từ nóc

14:21 Thứ bảy 21/07/2012

Việc ông Joao Havelange bị tước danh hiệu chủ tịch danh dự của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) có thể xem như một sự thừa nhận rằng tổ chức điều hành bóng đá thế giới này đã thối rữa từ lâu.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter xác nhận về việc Havelange sẽ buộc phải từ bỏ cương vị chủ tịch danh dự của tổ chức này. Trong cuộc phỏng vấn vừa mới đăng trên tờ tuần báo SonntagsBlick của Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở FIFA, Blatter khẳng định: “Havelange sẽ buộc phải ra đi, vì ông ấy không thể tiếp tục làm chủ tịch danh dự FIFA sau những sự cố gần đây”. Sự cố mà Blatter đề cập có lẽ là vết nhơ lớn nhất trong lịch sử FIFA, khi các quan chức hàng đầu của tổ chức này, gồm cả người tiền nhiệm của chính ngài chủ tịch, vừa bị Tòa án tối cao của Thụy Sĩ kết tội ăn hối lộ thông qua hình thức “lại quả” từ công ty tiếp thị International Sport and Leisure (ISL).

Cặp bài trùng bố vợ Joao Havelange (phải) và con rể Ricardo Teixeira- Ảnh Internet

Cha vợ và con rể

Với những chứng cứ rành rành, Tòa án tối cao Thụy Sĩ cho biết chỉ riêng trong năm 2000, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ Nicolas Leoz, một thành viên trong ban chấp hành của FIFA hiện nay, từng có hai lần nhận tiền từ ISL, tổng cộng lên tới 130.000 USD. Tuy nhiên, mức độ ăn bẩn của Leoz chẳng thấm vào đâu so với cặp bài trùng người Brazil: cựu chủ tịch FIFA Havelange và ông con rể Ricardo Teixeira, một thành viên khác trong ban chấp hành FIFA.

Theo hồ sơ pháp lý, Teixeira đã bỏ túi tới 13 triệu USD các khoản lại quả của ISL trong giai đoạn từ 1992-1997. Một cuộc điều tra khác do đài BBC thực hiện năm 2010 phát hiện Havelange từng nhận 1 triệu USD nhờ phê duyệt các hợp đồng liên quan tới World Cup cho ISL hồi năm 1997, một năm trước khi ông nhường vị trí chủ tịch FIFA cho Blatter.

Trên thực tế, hồ sơ về vụ này đã được hoàn tất từ lâu và lẽ ra đã được công bố từ tháng 6/2010. Tuy nhiên, FIFA, Havelange và Teixeira đã làm tất cả những gì có thể để Tòa án bang Zug, Thụy Sĩ, không công khai sự việc: chấp nhận hoàn trả 6,1 triệu USD để nhà chức trách không tiết lộ danh tính Havelange và Teixeira. Cụ thể, Teixeira nộp lại 2,5 triệu USD để được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, còn Havelange phải trả 500.000 USD. Về phía FIFA, tổ chức này đặt điều kiện nộp phạt với Tòa án bang Zug yêu cầu chấm dứt ngay cuộc điều tra về cựu chủ tịch và thành viên lâu năm trong ban chấp hành của họ.

Dễ hiểu là FIFA không muốn rơi vào thế phải vạch áo cho người xem lưng và quan trọng hơn, phòng ngừa cảnh “bứt dây động rừng” hay “tổ kiến nhỏ (cũng không nhỏ lắm) làm vỡ cả đê lớn”. Trong hồ sơ của Tòa án bang Zug, các khoản tiền mà ISL lại quả cho các quan chức thể thao cao cấp lên tới 125,5 triệu USD. Chỉ riêng giai đoạn 1992-2000, các khoản chi trả có liên quan đến cha con nhà Havelange lên tới 22 triệu USD. Không khó nhận ra Havelange và Teixeira có lẽ chỉ là những kẻ nhận hối lộ nhiều nhất, nhưng không phải là duy nhất. Nếu nhà chức trách còn tiếp tục dấn sâu, không loại trừ khả năng họ sẽ phát hiện ra toàn bộ ban chấp hành FIFA đều là những chuyên gia ăn hối lộ.

Giấy nát không gói được lửa

Sepp Blatter: Và người thắng cuộc là… tôi

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của FIFA cũng như của cha con nhà Havelange chỉ có thể trì hoãn thời gian công khai sự việc. Rốt cuộc, Tòa án tối cao Thụy Sĩ đã quyết định công khai bộ hồ sơ dài 41 trang này, sau khi bác bỏ yêu cầu “chìm xuồng” vụ án của Havelange và Teixeira, người từng giữ chức chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) suốt 23 năm cho tới khi từ chức vào tháng 3 năm nay. Ngay sau đó, giới truyền thông quốc tế đã gọi điện liên lạc với CBF nhằm tìm hiểu rõ mọi chuyện, nhưng không có ai bắt máy!

Không chỉ vậy, hồ sơ ở tòa án còn cho thấy có khả năng Blatter đã biết rõ hành vi nhận hối lộ của các quan chức hàng đầu FIFA, nhưng mắt nhắm mắt mở cho qua. Điển hình như trong vụ Havelange nhận 1 triệu USD, công tố viên Thomas Hildbrand đã tìm được những nhân chứng làm việc cho FIFA xác nhận khoản tiền ấy bị chuyển nhầm vào một tài khoản của FIFA. Không chỉ vậy, Hildbrand còn đi tới một nhận định kinh người: “Không chỉ giám đốc tài chính của FIFA nắm được việc này, mà trong số những người biết chuyện, có lẽ cả “P1” cũng biết”. Gần như ngay lập tức, giới truyền thông quốc tế đã khẳng định nhân vật có bí danh “P1” này chính là Blatter.

Blatter đã không để mọi người… thất vọng, khi thừa nhận “P1” chính là ông. Thế nhưng, Blatter cũng khẳng định ông không biết gì về các vụ nhận hối lộ của Havelange và Teixeira cho tới sau khi ISL tuyên bố phá sản vào năm 2001 với khoản nợ lên tới 300 triệu USD. Nếu Blatter dừng lại ở đây, có lẽ chẳng còn gì để bàn. Nhưng có lẽ do mối giao tình mật thiết trong 17 năm làm tổng thư ký dưới thời Havelange, Blatter tìm cách bào chữa cho sếp cũ bằng tuyên bố: “Chúng ta không nên lấy tiêu chuẩn của hiện tại để đánh giá những việc xảy ra trong quá khứ. Vì vào thời điểm Havelange nhận khoản tiền ấy, chính quyền Thụy Sĩ không xem đó là hành vi phạm luật, mà xếp chúng vào diện tiền hoa hồng. Thậm chí, chính quyền đã đánh thuế lên khoản tiền ấy do xem nó như một khoản chi phí trong kinh doanh”. Với quan điểm như thế, Blatter cho rằng ông không có lý do nào để trừng phạt Havelange.

Tuyên bố của Blatter đã gặp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận. Chủ tịch ban tổ chức giải vô địch Đức (DFL) Reinhard Rauball đã yêu cầu Blatter từ chức vì trách nhiệm liên đới: “Theo cách hiểu của tôi từ hồ sơ vụ này thì ISL đã chi tổng cộng 123 triệu franc Thụy Sĩ để hối lộ cho các quan chức thể thao cấp cao. Trong khi ấy, Havelange và Teixeira chỉ nhận 14 triệu, nghĩa là chỉ hơn 10% số tiền ấy. Nếu vậy phần tiền còn lại đã rơi vào túi của những ai? Tôi muốn điều tra xem những ai đã được lợi từ những khoản tiền ấy và những khoản tiền ấy được chi ra nhằm đạt được những mục đích gì?”

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) Wolfgang Niersbach thì nói ông cảm thấy sốc vì Blatter không cho rằng hành vi nhận tiền của Havelange là “nhận hối lộ”: “DFB chỉ còn có nước xin tránh xa đám người này, nếu các thành viên của FIFA đều từng nhận tiền lót tay rồi bảo rằng vào thời điểm ấy, hành vi của họ không phạm luật”.

Blatter đáp lại rằng chính nước Đức có thể đã đưa hối lộ để giành được quyền tổ chức World Cup 2006. Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Blick, Blatter nói: “Người ta có lẽ đã mua quyền tổ chức World Cup. Tôi còn nhớ trong cuộc bỏ phiếu tranh quyền đăng cai World Cup 2006, có một người đã đột ngột bỏ ra ngoài vào phút cuối, nên thay vì số phiếu là 10-10 lại trở thành 10-9, giúp Đức giành chiến thắng”. Xem ra thế giới điều hành bóng đá đã bê bối đến mức sờ đâu người ta cũng thấy tiêu cực.
Ngọc Bảo | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục