EURO trước giờ G: Chỉ số thể lực quan trọng cả với... nhà cái!

18:39 Chủ nhật 27/05/2012

Việc dùng khoa học nghiên cứu thể lực không chỉ giúp giới cầm quân, mà còn là công cụ quan trọng để giúp các nhà cái xác định đẳng cấp của đội bóng, từ đó đặt ra các tỷ lệ cược cho phù hợp với trận đấu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khi các cầu thủ đuối sức và không thể bịt được khoảng trống vào 20 phút cuối, cơ hội và bàn thắng sẽ xuất hiện. Hay như hiện tượng các đội yếu thường đá hay hơn chính họ khi chạm trán đội mạnh, nhưng rồi vẫn gục ngã vào cuối trận. Cái gọi là "bản lĩnh" đội bóng lớn chỉ là cách nói của truyền thông. Thực chất vấn đề này đều kiến giải được dưới góc độ khoa học.

Bền sức hơn là thắng

Nghiên cứu cho thấy, tốc độ của cầu thủ giảm theo số lần chạy nước rút của họ. Một cầu thủ phải chạy nước rút 30m giữa hiệp 2 kém chính mình lúc đầu trận khoảng 8%. Khi tranh bóng với cầu thủ vừa vào sân, anh ta sẽ thua 2m và thua trong pha tranh chấp tay đôi đó. Trong bóng đá đỉnh cao, nếu bạn chạy 20m và thua đối phương 1m ở đích đến (tức 5%) thì khác biệt ấy lớn như cuộc đua giữa ngựa chiến và ngựa thồ.

Hãy cùng phân tích về sự khác biệt thể lực của các nhóm cầu thủ khác nhau về đẳng cấp. Trong biểu đồ 1, màu đỏ thể hiện hoạt động của nhóm "đẳng cấp cao", gồm 18 cầu thủ chơi bóng tại Serie A, trong đó có 14 tuyển thủ của các ĐTQG thuộc Top 10 BXH FIFA. Màu xám tượng trưng cho nhóm "trung bình", gồm 24 cầu thủ tại giải VĐQG Đan Mạch, trong đó chỉ có 10 tuyển thủ thuộc các ĐTQG xếp thứ 10-20 BXH FIFA.

Thông số cho thấy cầu thủ "bình thường" chạy nước rút ít hơn và chạy nước kiệu nhiều hơn cầu thủ "đẳng cấp cao". Quãng đường di chuyển của cầu thủ đẳng cấp cao cũng lớn hơn cầu thủ bình thường. Điều này nói lên gì? Khi 2 nhóm cầu thủ này đụng độ tại EURO, nhóm "bình thường" sẽ bị nhóm kia kéo lên, theo đẳng cấp của họ. Nhưng một cầu thủ chỉ quen chạy 10km, trong đó có 2km chạy nhanh và 75 lần chạy với tốc độ cực đại, đương nhiên sẽ rất mệt mỏi khi buộc phải chạy 12km với 2,5km chạy nhanh và 100 lần chạy với tốc độ cực đại.

Từ km thứ 7 trở đi, sự xuống sức của anh ta sẽ lộ rõ. Khi đó, mọi phẩm chất chuyên môn quan trọng đều sẽ tan vỡ. Thường có chuyện trận đấu diễn ra ngang ngửa, đến gần cuối trận thì đội mạnh mới thắng. Lý do? Ngoài vấn đề bản lĩnh, kết quả nghiên cứu nêu trên là câu trả lời chính xác hơn cả!

Chạy nhiều hơn lại khỏe hơn

Các nghiên cứu về thể lực còn cho thấy, đôi khi các cầu thủ chạy nhiều hơn chưa chắc đã mất sức nhiều hơn cầu thủ chạy ít, mà còn phụ thuộc vào mức độ vận động cụ thể. Trong biểu đồ 2, màu đỏ thể hiện hoạt động của cầu thủ bóng đá, màu xám thể hiện hoạt động của tiền đạo bóng bầu dục và màu đen thể hiện hoạt động của hậu vệ bóng bầu dục.

Các thông số được đưa vào nghiên cứu và so sánh là quãng đường di chuyển cả trận; thời gian đứng yên/đi bộ; thời gian chạy chậm; thời gian chạy với tốc độ cực đại; quãng đường chạy nhanh cả trận; quãng đường chạy với tốc độ cực đại cả trận; tỷ lệ hoạt động/nghỉ mệt và năng lượng tiêu hao.

Kết quả nghiên cứu rất lạ! Một cầu thủ bóng đá thường di chuyển từ 10-15km cả trận, vượt xa cầu thủ bóng bầu dục (hậu vệ 7-8km, tiền đạo 6-7km). Thời gian chạy chậm hoặc chạy với tốc độ cực đại của cầu thủ bóng đá đều nhiều hơn. Thời gian đứng yên của cầu thủ bóng đá ít hơn. Quãng đường chạy nhanh hoặc chạy với tốc độ cực đại của cầu thủ bóng đá đều xa hơn.

Nhưng rút cuộc, cầu thủ bóng đá lại tiêu hao năng lượng ít hơn cầu thủ bóng bầu dục. Cầu thủ bóng đá thường tiêu hao khoảng 1.400kCal/trận, so với 1.650kCal của hậu vệ bóng bầu dục và 1.900kCal của tiền đạo bóng bầu dục!

Tỷ lệ hoạt động/nghỉ mệt của cầu thủ bóng đá cũng khắc nghiệt hơn cầu thủ bóng bầu dục. Tỷ lệ 1:2 của cầu thủ bóng đá nghĩa là anh ta bỏ ra 1 phút để chạy nhanh hoặc chạy với tốc độ cực đại thì cần 2 phút đứng hoặc đi bộ để hồi sức. Tỷ lệ này của cầu thủ bóng bầu dục là 1:3,5 (hậu vệ) hoặc 1:3 (tiền đạo).

Khương Duy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục