Dùng công nghệ nào, GoalRef hay Hawk-Eye?

10:12 Thứ hai 25/06/2012

Vào ngày 6/7 tới, Ủy ban phụ trách luật bóng đá của FIFA (IFAB) sẽ nhóm họp để quyết định có sử dụng công nghệ hỗ trợ các trọng tài hay không. Tại buổi họp đó sẽ có hai công nghệ được đưa ra giới thiệu là GoalRef và Hawk-Eye.

Tiến sĩ Ingmar Bretz - người phụ trách dự án GoalRef

“Công nghệ của chúng tôi có thể giúp đỡ cho bóng đá rất nhiều. Nếu nó được áp dụng, chắc chắn người ta sẽ không mất nhiều thời gian bình luận về việc John Terry của ĐT Anh đã phá bóng sau vạch vôi như thế nào ở trận gặp Ukraine”, tiến sĩ Ingmar Bretz của Viện nghiên cứu Fraunhofer tại Erlangen(Đức) cho biết.

Bretz là nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ giám sát vào thể thao. Ông hiện là người phụ trách dự án GoalRef. Đây là một trong hai công nghệ được giới thiệu tại buổi họp sắp tới của IFAB. Công nghệ còn lại có tên là Hawk-Eye (Mắt diều hâu) và đang được áp dụng trong môn quần vợt.

Công nghệ phát hiện bóng qua vạch vôi chỉ được đưa vào bóng đá nếu nhận được 2/3 ý kiến tán đồng trong tổng số 8 phiếu tại cuộc họp của IFAB diễn ra ngày 6/7. Trước đó, chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố ủng hộ ứng dụng công nghệ vào môn thể thao vua và điều đó đồng nghĩa với việc đã có 4 phiếu thuận. 4 phiếu còn lại thuộc về các LĐBĐ Anh, Scotland, Bắc Ireland và Xứ Wales.

Trong khi chờ IFAB đưa ra phán quyết, Viện nghiên cứu Fraunhofer đã giới thiệu công nghệ GoalRef trên nhiều tạp chí công nghệ hàng đầu. Những đánh giá phản hồi mà họ nhận được đều mang tính chất tích cực.
“Chúng tôi có thể giúp các trọng tài đưa ra phán quyết công bằng trong bất cứ trường hợp nào”, tiến sĩ Ingmar Bretz tuyên bố. Ông cũng tin công nghệ mà mình giới thiệu không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của bóng đá.

Công nghệ GoalRef của người Đức được xây dựng trên 3 bộ phận cơ bản, gồm: quả bóng gắn chip, thiết bị xử lý trung tâm và thiết bị cảnh báo dành cho trọng tài. Quả bóng sẽ được giám sát bởi một ăng-ten vòng cho phép nhận biết nó đã qua vạch vôi hay chưa. Nếu bóng qua vạch vôi, thiết bị xử lý trung tâm sẽ gửi tín hiệu đến thiết bị cảnh báo mà trọng tài mang theo qua hai con đường hiển thị màn hình và báo rung.

Trong khi đó, Hawk-Eye dựa vào 6 camera cùng quan sát một khu vực. Máy tính sau đó sẽ phân tích hình ảnh camera này rồi cho ra kết quả bóng qua vạch vôi hay chưa.

So sánh hai công nghệ trên, GoalRef có phần trội hơn nhờ có thể thông báo cho trọng tài ngay lập tức. Trong khi đó, nếu sử dụng Hawk-Eye, nhiều trường hợp trọng tài phải dừng trận đấu trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, một số thông tin ban đầu cho thấy giá của GoalRef sẽ rẻ hơn so với đối thủ.

Tuy nhiên, Hawk-Eye có lợi thế là đã được ứng dụng và hoạt động ổn định trong môn quần vợt. Nói cách khác, độ tin cậy của công nghệ này đã được kiểm chứng. Trong khi đó, GoalRef mới chỉ được tiến sĩ Ingmar Bretz phát triển trong 3 năm nay. Song nó đã vượt qua 6 đối thủ khác để lọt vào chung kết với Hawk-Eye.

Tại cuộc họp diễn ra ngày 6/7 tới, IFAB sẽ quyết định sẽ sử dụng công nghệ nào hay bóng đá sẽ tiếp tục quay lưng với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Đức Châu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục