Đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup - Ai yêu được xin hãy cứ yêu

08:08 Chủ nhật 16/11/2014

(TinTheThao.com.vn) - Không thể có những xáo trộn về lực lượng, những ồn ào trên truyền thông vào lúc này nữa. Đội tuyển Việt Nam của HLV Miura tuy chưa phải chỉnh thể hoàn thiện, nhưng họ đã nỗ lực suốt thời gian dài với tư cách những người được chọn. Bây giờ chúng ta chỉ còn có thể nhìn về phía trước và ủng hộ họ, chẳng còn thời gian cho những đòi hỏi dông dài. Họ chứ không ai khác sẽ là đại diện cho đất nước này ở đấu trường quan trọng sắp tới.

Có hay không tình yêu vô điều kiện?

Phải thắng mới yêu, phải đá đẹp mới yêu, phải khoẻ phải kỹ thuật mới yêu, người hâm mộ thường tỏ ra khó tính như vậy. Nói chính xác, nhiều người có lẽ cũng chẳng tồn tại tình yêu nào với đội tuyển quốc gia cả. So sánh thì hơi xa xôi, nhưng hãy xem sự sa sút khủng khiếp của một câu lạc bộ là Dortmund, khán giả vẫn đốt cháy các khán đài, hay nhiều đội bóng tầm trung, tầm yếu của Premier League, họ vẫn luôn có những cổ động viên trung thành mặc kệ thành tích ra sao. Trình độ và điều kiện của họ chỉ đến vậy, fan của họ hiểu và nó chẳng ảnh hưởng gì đến tình yêu. Đội tuyển Việt Nam thì không, họ luôn phải xuất sắc, nếu không sẽ phải hứng chịu sự ghẻ lạnh, dèm pha, thậm chí là giận dỗi.

Đội tuyển cần tình yêu từ người hâm mộ. Ảnh: Internet

Đá cho tuyển Việt Nam còn áp lực hơn đá cho... Manchester United, chưa cần nhấc chân thì đã có một loạt định kiến như "đá láo", "bán độ" treo lơ lửng trên đầu bằng những sợi chỉ mục. Được đào tạo rất "bụi bặm" và lớn lên trong môi trường lôm côm của bóng đá Việt, nhưng cầu thủ được yêu cầu phải cư xử văn minh như Tây, fair-play như ngôi sao thế giới.

Tập tành với giáo trình cũ kỹ, lạc hậu nhưng người ta mong họ sẽ đỡ bóng dính trăm quả như một, chuyền xa chuyền gần, sút bóng ở đẳng cấp cao. Người ta muốn họ hiểu và chơi với những tư duy hiện đại mà họ chưa bao giờ được học, hoặc không đủ sức thực hiện.

Nếu cổ động viên Arsenal cũng yêu cầu cao hơn so với thực lực cầu thủ , chắc giờ họ chỉ còn một lượng fan lèo tèo sau tháng ngày gian khó. Những con người đang đá cho tuyển Việt Nam hôm nay không bán độ, không làm hại ai hết, họ cũng thường cố hết sức khi ra sân, nhưng họ cứ kém, cứ thua là... không ai thèm xem nữa.

Trước Chelsea thì Arsenal cũng "bế tắc", "buồn ngủ", trước Real thì Bayern cũng "thảm bại", "chẳng có đường nét gì", nhưng tuyển Việt Nam thì... không được phép bạc nhược, không được phép "chẳng có đường nét gì", thua cũng phải đá đẹp, bị lép vế cũng vẫn phải tự tin, không được mắc sai lầm.

AFF Cup 2008, cứ một nghìn người đổ ra đường ăn mừng thì chắc ít nhất 500 người "không thèm xem", "không hy vọng gì" vào đội tuyển trước khi vào giải. Họ chê hết mình, bỏ mặc không quan tâm, rồi khi thắng lại quay ra hò hét. Họ không vì gì khác ngoài vì sự hứng thú của bản thân, nhưng luôn muốn các cầu thủ phải "vì người hâm mộ". Phải chăng đôi khi tình cảm chúng ta dành cho đội bóng của đất nước còn thua cả dành cho một câu lạc bộ xa lạ nơi xứ người?

U19 là của tương lai

Không nên đưa cầu thủ U19 lên tuyển lúc này, lý do thì có rất nhiều. Không phải ai đó không muốn tạo điều kiện cho tài năng trẻ, mà vì các cầu thủ của bầu Đức đã được truyền thông, dư luận tô vẽ thành những hình tượng quá khác thường, không chỉ đơn thuần là một cầu thủ độ tuổi 19, đôi mươi.

Khán giả đang chia phe một cách không cần thiết, và nhiều va chạm sẽ xảy ra khi cố nhồi nhét "hiện tượng U19" xen lẫn vào lớp đàn anh vốn bao năm sống trong sức ép tiêu cực từ người hâm mộ. Phải, họ sa sút, họ gây thất vọng vài năm nay, nhưng họ có kinh nghiệm, có quyết tâm, có những nét mới để thể hiện.

U19 HAGL JMG đang được rèn luyện dưới mô hình "tập thể cùng tiến". Xé lẻ họ, nhặt vài người lên tuyển chưa chắc đã là ý hay, trước hết về chuyên môn. Sự lệch pha trong cách đá với xung quanh sẽ là vấn đề, sự yếu sức trong những trận cầu sinh tử sẽ phát sinh.

Về mối quan hệ con người và con người, các tuyển thủ đương thời sẽ chẳng sung sướng gì lắm khi một đàn em kém tuổi được suy tôn như "thánh" xuất hiện ngay giữa họ - những người luôn bị nhìn với ánh mắt ngờ vực, coi thường như thể... tội phạm từ một phần đông khán giả.

Cần sự đoàn kết, cần sự thoải mái, không cần sự ức chế, tự ti. Công Vinh, Văn Quyết chắc cũng không thua gì Công Phượng cả, họ thua vì không chịu ra đời muộn một chút để được Arsenal đào tạo, được học ngoại ngữ và phong cách fair-play.

Đội hình tuyển Việt Nam đang ổn định, các cầu thủ có cùng môi trường phát triển sẽ gần gũi nhau hơn, cảm thông nhau hơn, dễ đá cùng nhau hơn. Hãy kiên nhẫn rồi hai, ba năm nữa, sau khi thử lửa V League, chúng ta sẽ có quyền mơ về một đội tuyển trọn vẹn phiên bản mới, cứng cáp, hoà hợp, từ U19 hôm nay.

Hãy tạm quên U19. Ai yêu được đội tuyển lúc này thì xin cứ yêu, dẫu họ có chưa hay như chúng ta chờ đợi. Chỉ cần họ cống hiến hết khả năng, dũng cảm và trung thực, cũng đáng khen ngợi rồi. Yêu họ khi họ thăng hoa, chiến thắng thì là chuyện quá đơn giản, dám dõi theo họ ngay cả khi họ "chẳng có gì" mới là cái khó của việc "yêu".

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục