Đội tuyển Việt Nam & AFF Suzuki Cup 2012: Những gam màu tối sáng

13:15 Thứ sáu 23/11/2012

Giấc mơ lần thứ hai vô địch AFF Cup xóa tan đi những nỗi buồn của cả nền bóng đá đang trong giai đoạn khó khăn đặt lên vai thầy trò HLV Phan Thanh Hùng. Dưới đây là những cái được lẫn những cái chưa được của ĐTVN.

1. Một đội tuyển lành lặn

Nhìn vào thành phần 23 cầu thủ mà ông Phan Thanh Hùng mang sang Bangkok (sẽ rút xuống 22 người vào ngày kia), không khó thấy rằng vẫn có nhưng cái tên ở hệ thống phòng ngự khiến người ta phải… lợn cợn. Tuy nhiên, so với những cái tên tai tiếng trong qua khứ, những cái tên này chứng tỏ mình có khát vọng cống hiến nhiều hơn. Mặt khác đây cũng là một ĐT mà sau khi một vài cá nhân được cho là “không có tinh thần xây dựng” bị thải loại thì tính đoàn kết và niềm tin vào nhau cũng được duy trì ở mức cao nhất có thể.

Lịch sử các kỳ SEA Games hay AFF Cup từng chứng kiến việc Bóng đá Việt Nam không “chết” vì chuyên môn, mà lại “chết” vì những vấn đề nội bộ, ngoài chuyên môn. Do đó, một ĐT tương đối lành, tương đối đoàn kết là tác nhân quan trọng giúp người ta có quyền đặt niềm tin lớn vào kỳ AFF Cup năm nay.

2. Một lối chơi được mài sắc

Suốt 2 tháng tập trung chuẩn bị cho AFF Cup, cơ trưởng Phan Thanh Hùng đã luyện đi luyện lại sơ đồ 4-2-3-1 với những pha di chuyển nhỏ, chuyền ban, đột phá trong đoạn ngắn. Ông Hùng đã đảo tung tất cả những con người mình có để tạo ra những thử nghiệm phong phú nhất về nhân sự. Tới lúc này, có thể nói rằng lối chơi của ĐT đã được mài sắc, và ông Hùng đã tìm ra một đội hình mạnh nhất, ưng ý nhất phục vụ cho sơ đồ yêu thích của mình.

Tuyển VN với lối chơi đã được mềm mại và có nét hơn - Ảnh: Internet

Tất nhiên, bên cạnh đòn “tủ” 4-2-3-1, ông Hùng cũng chuẩn bị sẵn những phương án chiến thuật khác nhau, chẳng hạn như một đội hình không tiền đạo để tạo ra những nét mới khi những đòn cũ bị bắt bài. Và đấy là những sự chuẩn bị cực kỳ quan trọng cho một sân chơi đường dài, có tính cạnh tranh khốc liệt như AFF Cup.

3. Sự hòa hợp giữa HLV và cầu thủ

Những kỳ AFF Cup trước đây, đã có những thời điểm giữa các thành viên người Việt với HLV trưởng người nước ngoài không cùng một tiếng nói, một quan điểm. Và những lúc như thế, đã từng xuất hiện tình trạng một trợ lý nội mắng thẳng thừng HLV trưởng rằng: “Ông chỉ là người làm thuê”. Nhưng bây giờ, khi HLV trưởng ĐT là một thầy nội thì sự hiểu biết, hòa hợp giữa BHL với nhau và giữa HLV trưởng với các tuyển thủ đã được nâng cao rõ rệt.

Nhìn lại 2 tháng tập huấn, chuẩn bị cho AFF Cup vừa qua có thể thấy rằng HLV trưởng Phan Thanh Hùng lúc cần rắn rất rắn, nhưng khi cần mềm cũng rất mềm, và chính cái sự rắn – mềm rất uyển chuyển ấy đã giúp ông duy trì tính kỷ luật của đội bóng ở mức rất cao.

4. Hiểu tường tận đối phương

Khác hẳn so với những HLV tiền nhiệm, những người luôn kêu ca về việc “không biết gì nhiều về đối phương”, HLV trưởng Phan Thanh Hùng đã có đầy đủ băng ghi hình các trận đấu gần đây của ĐT Myanmar, Philippines, Thái Lan – những đối thủ của chúng ta ở vòng đấu bảng. Ông Hùng không ngại cho biết sau quá trình “mổ băng”, ông đã hiểu rõ điểm mạnh – điểm yếu của từng đối thủ, chẳng hạn Thái Lan rất giỏi ở những bài đánh “vỗ mặt” trước khung thành, còn Philippines lại đặc biệt nổi trội ở thể hình, thể lực cùng thứ bóng đá “chọc sâu, chạy dài” để tra tấn thể lực đối phương.

Trong trường hợp ĐTVN lọt vào bán kết để nhiều khả năng gặp một trong hai đội được dự đoán đứng đầu bảng B là Indonesia và Malaysia ông Hùng cũng không xa lạ gì với hai đội bóng này, bởi theo giải thích của ông thì cả thảy 4 trận giao hữu lượt đi – lượt về với hai đội này cách đây ít lâu đã cho ông cái nhìn toàn diện về đối thủ.

5. Lịch thi đấu thuận lợi

ĐTVN sẽ lần lượt gặp các đội bóng từ yếu đến mạnh ở vòng đấu bảng, và theo đánh giá của BHL thì đấy là một nhịp điệu thi đấu hết sức thuận lợi trong việc thích nghi với thời tiết, sân bãi và khả năng tác chiến của đối phương. Ngoài ra việc gặp chủ nhà Thái Lan ở trận đấu cuối cùng có thể sẽ là một thời cơ để ĐTVN vừa đá vừa giữ sức (trong trường hợp đã “giải quyết” xong 2 trận đấu trước đó với Myanamar, Philippines) và tính toán đối thủ ở vòng sau cho mình.

6. Mỏng manh hàng tiền đạo

Chấn thương và chuyên môn đang khiến VN khủng hoảng tiền đạo - Ảnh: Internet

Sau khi loại Việt Thắng, trong tay HLV trưởng Phan Thanh Hùng chỉ còn đúng 2 tiền đạo thực thụ: Công Vinh và Quang Hải. Nhưng trong khi Công Vinh mới bình phục chấn thương thì Quang Hải lại không duy trì được phong độ vốn có của mình suốt mùa giải đã qua, do vậy khả năng hai cầu thủ này thi đấu cháy sáng là rất khó. Trong trường hợp cả hai cầu thủ bế tắc, ông Hùng không còn tiền đạo thực thụ nào khác để thay thế. Lúc ấy, việc đẩy những tiền vệ công (như Văn Quyết) lên đá cắm hoặc buộc phải quay sang một sơ đồ không tiền đạo đều mang hình ảnh của một cuộc “đánh bạc”, có thể thắng to, mà cũng có thể phải trả giá rất nặng.

7. Yếu huyệt vị trí thủ môn

Thủ thành số 1 Dương Hồng Sơn cứ thi thoảng lại thể hiện những pha ra – vào hết sức bất thường, và từ sự bất thường ấy, nguy cơ thủng lưới của ĐTVN có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thủ thành số 2 Bùi Tấn Trường sau những sai số chết người tại VFF Cup (đá thẳng bóng vào chân tiền đạo Turkmenistan) đã không được chính các thành viên ĐT tin tưởng nữa. Trong khi ấy thủ thành số 3 Nguyễn Thanh Bình lại được xem là quá “non” cho những cuộc trường chinh giàu tính khốc liệt như AFF Cup. Với một hiện trạng như vậy, HLV trưởng họ Phan đang ở trong trạng thái lúc nào cũng phải “nơm nớp sợ” những khoảnh khắc bất thường, phá tan “tử cấm thành” ĐT.

8. Khoảng trống thủ lĩnh

Mặc dù có trong đội hình những chiến binh giàu kinh nghiệm và được đánh giá rất cao về độ máu lửa như Công Vinh, Tấn Tài, Thành Lương..., nhưng ĐTVN thực sự thiếu một thủ lĩnh kiểu như Minh Phương trước đây - người có khả năng cầm nhịp trận đấu, cũng là người có thể sốc dậy tinh thần cả một đội bóng trong cơn hoảng loạn. BHL ĐT tin rằng sức mạnh đồng đều của cả một tập thể sẽ che đi điểm yếu đáng sợ này, nhưng thực tiễn sân cỏ có diễn ra đúng với những gì BHL tính toán hay không thì vẫn phải chờ thời gian giải đáp.

9. Nguy cơ phá sản lối chơi kĩ thuật

4 trận giao hữu “chất lượng cao” với Indonesia và Malaysia vừa qua chỉ ra rằng: một khi đối phương đá rát chân, bủa vây người từ khu trung tuyến thì lối chơi kĩ thuật của ĐTVN đứng trước nguy cơ phá sản rất cao.

HLV trưởng Phan Thanh Hùng đã nhìn ra điều này, và đề nghị các cầu thủ phải khắc chế nó bằng cách chuyền bóng nhanh, đá một chạm, và đẩy tốc độ các pha phối hợp lên mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, với những trận đấu được dự đoán là sẽ rất “mất sức” trước những đối thủ rất giàu sức như Myanamar hay Philipines, các cầu thủ có đủ thể lực để thực hiện những yêu cầu của BHL hay không là điều không dễ trả lời.

10. Nguy cơ phân tán tâm lý

Khi trả lời báo chí, mặc dù hơn một tuyển thủ nói chắc rằng đến thời điểm này họ chỉ nghĩ tới AFF Cup, chứ không nghĩ đến bất cứ điều gì khác thì nó cũng không làm người ta tin tưởng rằng trong suy nghĩ của phần đông các tuyển thủ “một V.League èo uột, những CLB bị giảm lương, thưởng, những CLB đứng trên bờ vực giải tán…” sẽ hoàn toàn được dẹp tan.

Có thể nếu ĐT sớm “vào nhịp” ở AFF Cup, và càng đá càng bốc thì những ám ảnh nói trên sẽ tan rã, còn nếu ĐT trục trặc thì nó sẽ lập tức hiện về, làm phân tâm tâm lý. Do vậy vai trò kiểm soát uốn nắn tâm lý các tuyển thủ cần phải được BHL ĐT đặc biệt đề cao, coi trọng trong suốt hành trình AFF Cup năm nay.

(Bạn đọc: Xuyến Chi)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục