Đội tuyển bơi lội Việt Nam: Sóng ở... đáy hồ

15:14 Thứ sáu 20/09/2013

Bơi là một trong những môn “mỏ vàng” ở các đại hội thể thao lớn, khi số huy chương các nội dung thi đấu của môn này và điền kinh luôn chiếm cao nhất. Thế nhưng, việc tìm vàng của đội tuyển bơi Việt Nam lâu nay vẫn rất hạn chế. Đâu là nguyên nhân?

Ánh Viên - ngôi sao sáng nhất của bơi lội Việt Nam hiện nay. Ảnh: QUANG THẮNG

NỖI ÁM ẢNH “QUÂN ANH, QUÂN TÔI”

Ở thời điểm này, nhắc đến bơi lội Việt Nam, tức khắc mọi người sẽ nghĩ đến nam là Hoàng Quý Phước, nữ có Nguyễn Thị Ánh Viên. Thực tế, đây là hai gương mặt trẻ và có thành tích nổi trội nhất của làng bơi Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng là hai tay bơi chủ lực của đội tuyển quốc gia. Như thế cũng có nghĩa, đội tuyển bơi không phải quá đông, vậy mà nội tình luôn có nhiều vấn đề. Nói đâu xa, ngay cả chuyện tập huấn của Ánh Viên và Quý Phước cũng đã lộ ra nhiều chuyện lạ lùng. Bởi Ánh Viên đang cùng một vài tuyển thủ và HLV trưởng Đặng Anh Tuấn tập huấn dài hạn ở Mỹ từ hồi năm ngoái, thì Quý Phước lại đang tập huấn riêng với chuyên gia Australia tại Trung Quốc.

Sự vụ bắt nguồn từ SEA Games 26 (2011) ở Indonesia, khi đơn vị chủ quản của Quý Phước là bộ môn bơi Đà Nẵng đã cho rằng HLV trưởng đội tuyển “ém tài” của Phước khi không đăng ký để anh thi đấu ở nội dung 100m tự do, khiến họ phải can thiệp để Phước tranh tài nội dung này và đoạt HCV. Từ việc đó dẫn đến chuyến tập huấn ở Mỹ hồi năm ngoái của ĐTQG, đơn vị Đà Nẵng đã yêu cầu Hiệp hội Thể thao dưới nước nếu muốn đưa Quý Phước đi tập huấn cùng đội tuyển thì phải để HLV của họ theo cùng (kinh phí Đà Nẵng lo). Chuyến tập huấn ấy, Quý Phước và HLV Đà Nẵng gần như tách biệt với phần còn lại của đội tuyển, thậm chí Đà Nẵng còn thuê hẳn cho họ một căn hộ riêng. Sự yêu chiều có phần thái quá của đơn vị chủ quản, khiến Quý Phước như một ngôi sao so với các đồng đội, và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ lẫn việc tập luyện của Phước, dẫn đến việc anh bỏ dở chuyến tập huấn tại Mỹ để trở về nước với thành tích sa sút, và đến giờ vẫn chưa lấy lại phong độ như hai năm trước.

Chuyện “quân anh, quân tôi” không chỉ xảy ra mới đây mà nó đã kéo dài từ rất lâu trong đội tuyển bơi quốc gia, và có lẽ chỉ ở ta mới có chuyện các địa phương rất sợ cho quân lên tuyển vì sẽ làm “hư” quân của họ (!?). Vì những mối bất hòa, nên giới chuyên môn không khỏi âu lo khi bơi lội Việt Nam đang trong cảnh quân ai người nấy lo, mà SEA Games đã cận kề.

NỖI LO SEA GAMES

Vì những mối bất hòa, nên giới chuyên môn không khỏi âu lo khi bơi lội Việt Nam đang trong cảnh quân ai người nấy lo, mà SEA Games đã cận kề.

Nếu điền kinh đã có huy chương từ SEA Games 16 (1991), tức chỉ hai năm sau ngày thể thao Việt Nam tái hội nhập đấu trường SEA Games, thì bơi lội phải đợi đến mười năm sau ở SEA Games 21 (2001) tại Malaysia mới có lại thành tích trong bảng huy chương đại hội do công Trần Xuân Hiền, với chiếc HCB nội dung 100m ếch. Nhưng để có được chiếc HCV SEA Games, bơi lội Việt Nam phải đợi đến 44 năm, tính từ hai HCV cuối cùng ở SEA Games lần hai (1961), và kình ngư ghi tên vào lịch sử của bơi lội Việt Nam là Nguyễn Hữu Việt, khi đoạt HCV nội dung 100m ếch tại SEA Games 23 (2005) ở Philippines.

Sau thời điểm ấy, đội tuyển bơi Việt Nam luôn có HCV ở đấu trường SEA Games, nhưng chưa bao giờ vượt qua quá hai chiếc, và đó cũng là thành tích cao nhất mà Quý Phước giành được ở SEA Games 26 (2011), nội dung 100m bướm và 100m tự do.

Hướng đến SEA Games 27 diễn ra cuối năm nay, chỉ tiêu của bơi lội Việt Nam có lẽ sẽ là ba HCV. Trong đó, nhiệm vụ của Quý Phước phải tái lập thành tích hai HCV ở SEA Games 26, phần còn lại đặt lên vai Ánh Viên. Thế nhưng, nếu có giành được số huy chương như chỉ tiêu tại SEA Games vào cuối năm đi nữa thì thành tích ấy vẫn là quá thấp, nếu so với số lượng gần 40 bộ huy chương của bơi lội. Tuy nhiên, bao giờ làng bơi Việt Nam mới dẹp yên được những cơn sóng ngầm để có thể “hóa rồng”? Câu trả lời e chẳng dễ…

Đỗ Tuấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục