Đến lúc mỏi gối, chồn chân

13:53 Thứ hai 01/09/2014

Rất ít người ngạc nhiên khi đón nhận thông tin tay vợt Nguyễn Tiến Minh dừng bước ở vòng 3, hết cơ hội bảo vệ tấm HCĐ mà anh từng giành được hồi năm ngoái ở giải vô địch thế giới. Vì nhiều người biết phong độ của tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam này đang chững lại, và cũng vì đấy là lẽ thường trong thi đấu thể thao. Sự giảm sút phong độ của những VĐV ngoài tuổi 30 như Tiến Minh đã được dự báo trước, từ khá lâu rồi, đặc biệt đối với những môn thể thao cần nhiều thể lực như cầu lông.

Nguyễn Tiến Minh.

Thành thử việc Tiến Minh văng khỏi tốp 10 tay vợt mạnh nhất thế giới cách đây chưa lâu, thậm chí đến nay anh đã nằm ngoài tốp 20 cũng đã được giới làm nghề tính toán trước, khi tay vợt này không đạt được thành công ở những giải đấu từng tham dự và không gây được ấn tượng mạnh, hoặc vô địch, hoặc chí ít cũng về nhì...

Đỉnh cao nhất mà Tiến Minh đạt đến chính là xếp hạng 5 thế giới vào năm 2010 và tấm HCĐ ở giải vô địch thế giới năm 2013. Tất nhiên, còn vô số những danh hiệu khác nữa mà Tiến Minh đã mang về từ giải Malaysia, Singapore, Mỹ, Anh, Đan Mạch... trong suốt sự nghiệp của mình.

Nhưng như đã nói, vì xuất phát điểm của tay vợt TPHCM này khác nhiều người khác, tức là đi lên từ sân chơi phong trào, nên tính bài bản từ ban đầu đã thiếu hụt, buộc anh luôn phải vận động, tìm tòi và học hỏi từ nhiều HLV danh tiếng của Việt Nam và Đông Nam Á. Đấy cũng được coi là lý do, dù sau này Tiến Minh đã vươn đến trình độ của một tay vợt hàng đầu thế giới, thì một vài điểm yếu vẫn lộ ra, chẳng hạn nền tảng thể lực thiếu chiều sâu, tâm lý thi đấu chưa vững...

Tất nhiên, không thể đòi hỏi hơn nữa ở Tiến Minh, bởi những cống hiến trong suốt 10 năm cầm vợt chinh chiến khắp đấu trường trong nước lẫn quốc tế của anh là điều đáng trân trọng. 10 năm qua kể từ ngày Tiến Minh đoạt ngôi vô địch giải Malaysia mở rộng năm 2004, gây tiếng vang khắp khu vực và châu lục, cầu lông Việt Nam chỉ biết “sống” dựa vào tay vợt này.

Vậy nên, ở thời điểm Tiến Minh có vẻ chững lại, không thể “đánh đâu thắng đó” như trước kia nữa, thì mối lo ngại về một tương lai mới của cầu lông Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã thật sự hiện hữu. Lâu nay, giới làm nghề vẫn lo về thế hệ kế cận của Tiến Minh. Cũng có một số tay vợt nổi lên, song dù có được cơ hội đầu tư bài bản nhưng không thật triển vọng, khó đạt đến đẳng cấp châu Á, chứ chưa bàn đến trình độ thế giới.

Tìm tay vợt kế thừa di sản lớn mà Nguyễn Tiến Minh sắp sửa để lại là bài toán khó đối với cầu lông Việt Nam khi anh là tay vợt đầu tiên phá vỡ mọi kỷ lục từ trong nước lẫn ở sân chơi quốc tế, và cột mốc hạng 5 thế giới cùng tấm HCĐ thế giới mãi là thách thức lớn đối với những tay vợt Việt Nam sau này.

Lúc này đây, VĐV Phạm Cao Cường là sự kỳ vọng hoàn toàn mới. Tay vợt này được cầu lông TP và quốc gia dồn sức đầu tư, lấy chuẩn dự Olympic trẻ (không qua được vòng bảng)... với mục tiêu sớm trở thành “Nguyễn Tiến Minh phiên bản 2”, tiếp tục giữ lửa cho cầu lông Việt Nam ở mọi cấp độ giải đấu quốc tế.

Quan trọng là Cao Cường còn khá trẻ (mới 18 tuổi), lại nhận được sự quan tâm đầu tư sớm hơn hẳn đàn anh của mình, có nhiều hơn cơ hội tôi luyện trình độ ở các giải đấu khắp vùng Đông Nam Á, châu Á... nên khả năng thành công hy vọng sẽ cao hơn.

Lê Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục