Đầu tư cho bóng đá ở V-League: Được và mất

10:15 Thứ ba 12/08/2014

Ước tính sau khi vô địch V-League lần thứ 3, Bình Dương nhận được khoảng 20 tỷ đồng tiền thưởng, bao gồm các khoản thưởng cho nhà vô địch (3 tỷ đồng), thưởng nhờ các trận thắng tại V-League (8 tỷ đồng), tiền của tỉnh Bình Dương ủng hộ (1 tỷ đồng) và của Tập đoàn Becamex chi theo quy định suốt mùa.

So với khoản kinh phí từ 60 - 80 tỷ đồng bỏ ra trong mùa này, xem ra nguồn thu nhờ thành công trong thi đấu của Bình Dương cũng chiếm đến 20%, chưa kể các khoản thu cố định từ quảng cáo, tài trợ cũng chiếm 20% nữa. Đấy là còn chưa tính đến những lợi nhuận vô hình từ khán giả (sân Bình Dương dẫn đầu V-League với trung bình 8.000 người/trận) và hình ảnh trên truyền hình (95% trận đấu được truyền hình trực tiếp). Ngoài Bình Dương, các đội bóng mạnh như Hà Nội T&T hay SHB Đà Nẵng đến nay cũng chưa từng cho rằng đầu tư cho bóng đá là lãng phí, không khả thi.

B.Bình Dương vô địch V-League 2014. Ảnh: VNE

Trong khi đó, ngân sách đội tân binh đứng chót bảng xếp hạng là HV An Giang tiết kiệm lắm cũng lên đến 40 tỷ đồng, tức là cũng đạt 50% mức đầu tư cho nhà vô địch Bình Dương. Chỉ có điều, vì đầu tư kém nên thành tích của HV An Giang rất tệ và tỷ lệ thuận là chỉ thu được 1,2 tỷ đồng từ bán vé, không thu được đồng nào từ quảng cáo trên sân và suốt cả mùa giải, chỉ được VTV truyền hình 1 trận đấu trên sân nhà. Như vậy, những gì mà HV An Giang thu lại chiếm chưa đến 10% mức bỏ ra.

Nếu căn cứ vào những gì B.Bình Dương có và HV An Giang đã “mất”, không thể nói là đầu tư cho bóng đá và đạt được thành công là không có lợi cho doanh nghiệp. Xét trên 2 đội bóng tốt nhất và kém nhất của V-League 2014 thì rõ ràng, nếu làm bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, dù không thể có lợi nhuận trực tiếp nhưng mức độ lãng phí ít hơn hẳn việc cố gắng tiết kiệm để rồi không thi đấu thành công, chỉ gây thêm thiệt hại.
Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục