Đâu là nguyên nhân dẫn đến “cái chết” của Man City trước Real

09:05 Thứ năm 20/09/2012

Man City dù được xem là một đội bóng lớn với dàn cầu thủ ưu tú, nhưng kinh nghiệm trận mạc của họ, ở đây là tại chiến trường Champions League, vẫn còn khá non. Trong khi đó, Real Madrid là một thế lực trong quá khứ lẫn hiện tại của giải đấu. Sự thiếu kinh nghiệm và toan tính trong chiến thuật đã dẫn đến thất bại của nửa xanh thành Manchester tại Bernabeu vừa qua.

Trận đấu được chờ đợi nhất lượt trận đầu tiên của vòng bảng Champions League 2012/13 vừa qua giữa Real Madrid và Man City khép lại với tỷ số 3-2 cho đội chủ nhà. Một trận đấu kịch tính ở khoảng 20 phút cuối trận với những tình tiết chẳng ai ngờ, có thể nói là đủ xua tan đi sự buồn chán của hiệp 1. Những sai sót chiến thuật từ Man City đóng vai trò chủ đạo trong việc làm nên thế trận ấy.

1 – Real đổi thay, Man City thay đổi: Sự sáng tạo bị bóp chết

Đó không còn là một “kền kền trắng” tại Sanchez Pizjuan của Sevilla vừa qua, Real đã phần nào lột xác - ở khía cạnh tâm lý chiến cầu thủ lẫn đấu pháp. Tại Bernabeu, trong một giải đấu danh giá như Champions League, “DNA Real đã trở lại” như cách mà Mourinho phát biểu sau trận đấu.

Cuối cùng thì những sự thay đổi nhân sự cùng chiến thuật cũng đã được Mourinho tiến hành (trước Sevilla, Mourinho kiên quyết “chơi” bài cũ). Cụ thể, không còn là 4-2-3-1 nữa, mà là 4-3-3. Đặc biệt là bộ “tam ca tiền vệ” mang âm hưởng “The Expendables” với bản hợp đồng mới Essien cùng cặp tiền vệ phòng ngự quen thuộc Alonso – Khedira. Những Oezil hay Modric phải đến hiệp 2 mới được Mourinho tung vào sân. Rõ ràng, tâm lý ngay từ đầu của Mou là muốn mang sự cơ bắp của 3 tiền vệ chuyên phòng ngự này khắc chế hàng tiền vệ đầy sao của Man City… Nét mới của Real còn được bộc lộ ở hàng phòng ngự khi Ramos bị Mou “ly thân”, thay vào đó là Raphael Varane chơi trung vệ cùng Pepe.

Maicon, rồi sau là Zabaleta đều không làm tốt nhiệm vụ của mình - Ảnh: Getty

Với Man City, HLV Mancini cũng mang đến một sơ đồ lạ. Vận dụng chiến thuật 4-2-3-1, Mancini xếp tiền vệ quan trọng của mình là Yaya Toure chơi như một tiền vệ tấn công ngay sau Tevez. Ở hàng phòng ngự, Nastasic đảm trách vị trí trung vệ thay cho Lescott. Bộ đôi tiền vệ phòng ngự của Man City là Barry và Garcia. Thực tế cho thấy, Mancini có ý tưởng thi đấu kiểu phòng ngự phản công trước Real, nhưng vấn đề là Barry lẫn Garcia không có nét phát động tấn công như Alonso bên Real (khi Real đá 4-2-3-1). Hai cầu thủ này chỉ đơn giản là những máy quét ở tuyến tiền vệ. Cầu thủ phát động tốt của Man City là Yaya Toure thì lúc bấy giờ đã bị đẩy lên tận phía trên.

Khi cơ bắp đối đầu cơ bắp, ở đây là khu vực giữa sân giữa hàng tiền vệ hai đội, trận đấu trong thời gian 45 phút đầu tiên không quá hấp dẫn là điều hợp logic. Quá nhiều những con người ở khu vực này, quá nhiều những máy quét, sự sáng tạo của bản chất hàng tiền vệ mỗi đội bóng vì thế bị bóp chết. Rối loạn và thiếu sáng tạo là hai cụm từ miêu tả hợp lý cho 45 phút đầu tiên.

Ở đây, một lần nữa chúng ta bắt gặp vai trò quan trọng của Khedira. Như đã biết, Khedira cùng Alonso là bộ đôi tiền vệ phòng ngự đầu não của Real, Alonso chơi tĩnh trong khi Khedira chơi động. Trước Man City, Khedira là cầu thủ chơi linh động nhất ở khu vực giữa sân bởi chính tiền vệ tuyển Đức dẫn dắt Real kiểm soát thế trận cũng như tiến hành pressing chính Garcia – Barry. Từ đó, thời lượng kiểm soát bóng của Real trước Man City là hoàn toàn áp đảo.

2 - Cánh phải Man City “dễ xơi” vô cùng

Một khi khu vực giữa sân bị tranh chấp và hỗn loạn, đường lên bóng khả thi và hữu hiệu nhất lúc này đây chính là hai bên cánh, dành cho Real (vì Real kiểm soát trận đấu tốt hơn). Trong đó, cánh trái của Real – tức cánh phải của Man City là nơi làm nên những tình huống nguy hiểm nhất của trận đấu. Ở bên cánh trái này, ngoài Ronaldo còn có Marcelo, án ngữ của Man City ở đây là Maicon cùng Kompany. Marcelo hoàn toàn thoải mái trong việc dâng cao tham gia tấn công của mình, trong khi đó Maicon thì lại là một trong những cầu thủ chơi tệ nhất của Man City. Mancini đã không may khi ông không có trong tay một cầu thủ như Cicinho của Sevilla (chính anh này đã vô hiệu hoá Ronaldo trong trận đấu vừa qua và là cầu thủ di động chơi hay nhất của Sevilla – trừ thủ thành Palop). Việc Maicon không thể khắc chế được hoặc Ronaldo, hoặc Marcelo, đã buộc Kompany phải thường xuyên hỗ trợ. Cánh phải của Man City vì thế liên tục trở thành mục tiêu “đục khoét” nơi các cầu thủ Real.

3 – Man City ghi bàn và những thay đổi nhân sự hai đội

Từ sau khi Kolarov vào thay Nasri ở hiệp 1 cũng như việc Dzeko được tung vào sân thay cho Silva. Lúc bấy giờ, đội bóng của Mancini đá với 2 tiền đạo là Tevez cùng Dzeko, hàng hậu vệ Real buộc phải có sự thích nghi. Yaya Toure cũng lúc này đây lấy lại vai trò cầm trịch – dẫn dắt của mình. Có thể nói, đây chính là điểm sáng chiến thuật của Mancini trong trận đấu. Ở phía Real, trước khi Man City có bàn thắng mở tỷ số, Mourinho quyết định thay Essien bằng Ozil. Trong bộ 3 tiền vệ của Real ngay từ đầu thì vai trò của Essien khá mờ nhạt.

Sau khi Man City phản công ghi bàn mở tỷ số, Mourinho lập tức tung Modric vào thay cho Khedira và sau đó là Benzema vào thay cho Higuain. Với Man City, Mancini “buộc” phải thay Maicon bằng Zabaleta khi hậu vệ phải người Brazil dính phải chấn thương. Và chính sự thay đổi này làm nên kết cục cuối cùng của trận đấu.

4 – “Chết” vì cánh phải

Ba bàn thắng tiếp theo sau đó, với 1 dành cho Man City và 2 dành cho Real có thể nói đều là những tình huống cá nhân toả sáng. Riêng với Benzema thì rõ ràng việc thi đấu sâu trên hàng công của tiền đạo người Pháp hiệu quả hơn hẳn so với Higuain. Bàn thắng của Ronaldo mới là điểm nhấn: bởi không chỉ mang lại chiến thắng chung cuộc ở ngay phút cuối trận đấu cho Real, mà bàn thắng của tiền đạo BĐN còn phơi bày lỗi chiến thuật – nhân sự nơi đội khách.

Sự thay đổi Maicon bằng Zabaleta là điều “quá” hiển nhiên, hiển nhiên đến mức tưởng như rằng Mancini chỉ vì mất Maicon nên “buộc” tìm người khác thay thế trên sân cho đủ quân số và sự hiện diện. Việc Maicon không làm tốt trọng trách của mình ở hiệp 1 không mang lại bài học nào cho Zabaleta. Cầu thủ người Argentina, trong thế trận từ khi anh vào sân và Real trở thành kẻ bám đuổi, rất hay có những tình huống dâng cao không cần thiết.

Zabaleta chẳng khác nào “có nhưng không có” trên sân, sự hiện diện của anh không giúp Man City chặn mũi tấn công bên cánh trái của Real một chút nào. Chính vì lẽ đó, Man City gần như đá bỏ cánh phải của mình. Việc Ronaldo ghi bàn cho dù là khoảnh khắc toả sáng và có nét gì đó may mắn trong cú sút cuối cùng, nhưng chắc chắn trước cú sút ấy là một chu trình tấn công có ý đồ vào cánh phải của Man City – tử huyệt vốn đã bị nắm bắt ngay từ hiệp 1.

Cự Giải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục