Cựu tay đua F1 cụt chân vô địch Paralympic: Từ cõi chết trở lại vinh quang

14:07 Thứ ba 13/11/2012

Với Alex Zanardi, mất đi đôi chân trong vụ tai nạn tưởng chừng như đã cướp đi mạng sống của anh, chỉ là điểm khởi đầu cho một chương mới trong cuộc đời.

Tay đua 45 tuổi người Italia đã bắt đầu sự nghiệp đua xe của mình vào năm 1993 và anh đã 45 lần xuất hiện ở đường đua F1. Sau vụ tai nạn cướp đi đôi chân của mình, vượt lên trên tất cả, Alex quyết định tiếp tục gắn bó với đường đua bằng môn đua xe tay và hạnh phúc đã mỉm cười với anh. Năm nay, Alex Zanardi đã bổ sung vào bộ sưu tập thành tích của mình hai chiếc HCV tại Paralympic và tiếp đó là chiến thắng tại cuộc đua xe tay ở New York.

“Tôi muốn nói với bạn rằng trong cuộc sống của tôi không bao giờ thiếu những điều tưởng như không thể nhưng lại xảy ra và cũng nhờ đó mà tôi cảm thấy rằng mình là một người may mắn”, Alex suy nghĩ khi nhìn chiếc xe nằm bên cạnh.

Tai nạn khiến Alex Zanardi mất đi đôi chân của mình

Khi còn ở trường học, Zanardi thường không giỏi các môn thể thao bởi có thân hình quá mập mạp. Biến động trong cuộc sống của anh xảy ra khi người chị của anh qua đời sau một tai nạn ô tô và bố mẹ không để anh tự do ra đường. Thứ duy nhất mà họ để anh thoải mái là đua xe go-kart. “Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ngày đầu tiên ngồi lên chiếc xe đua go-kart và đó là thời khắc đẹp nhất trong cuộc sống của tôi”.

Thử thách đầu tiên của Zanardi trên đường đua F1 là vào năm 1992. Sau khi chấm dứt hợp đồng với Lotus, anh chuyển sang đầu quân cho đội đua Indycar. Tại Mỹ, anh nhanh chóng trở nên nổi tiếng và fan tụ tập xin chữ ký sau mỗi chặng đua. Nickname của anh là Latka- một nhân vật trong bộ phim sitcom “Taxi” nổi tiếng vào thập niên 80 .

Tai nạn kinh hoàng

Ngày 16-9-2001, Zanardi gặp phải tai nạn khủng khiếp ở đường đua American Memorial 500 Cart tại Lausitzring, Đức. Chiếc xe của tay đua người Italia gần như vỡ tan tành khi đang chạy với vận tốc 322km/giờ và anh đã mất đi đôi chân. “Tôi đã mất kiểm soát trong làn đường tăng tốc, bánh xe quay tròn và khi đó về cơ bản mọi chuyện đã kết thúc... chiếc xe như một con vịt ngồi giữa đường đua.”

Zanardi không thể làm gì được nữa và ngồi chờ đợi định mệnh sẽ đến bởi khi đó các đồng đội của anh đều đua với vận tốc hơn 350 dặm/giờ trên đường. Một chiếc xe lao tới, đâm qua xe Alex khiến nó tan tành và những mảnh vỡ đã cắt cơ thể anh làm đôi. Anh đã bị mất máu rất nhiều. “Nó giống như một vũng lầy. Cả hai động mạch đã bị xé toạc ra rồi cắt cụt ngay lập tức.”

Là một tay đua, Zanardi có quá nhiều lần đối mặt với những tình huống đe dọa đến tính mạng nhưng khi nhìn vào cơ thể và đống đổ nát nằm bên cạnh, anh không khỏi bàng hoàng: “Tôi từng nói tôi có thể tự giết mình và sau đó tôi rơi vào tình huống mà chưa từng nghĩ đến. Tôi nhận thức rõ ràng rằng mình đã thoát chết và cảm thấy vô cùng hạnh phúc.”

Bạn bè và gia đình lo lắng không biết làm sao Alex có thể xoay sở và đối chọi với cuộc sống khi mất đi đôi chân. Bản thân Zanardi cũng từng đặt ra thắc mắc như vậy. “Tôi tự hỏi mình sẽ phải làm gì với mọi thứ khi mà không có chân? Rồi tôi biết mình sẽ phải tìm cách để vượt qua tất cả những vấn đề này”.

Là một VĐV chuyên nghiệp, Zanardi biết cách để hồi phục sau vụ tai nạn và anh hiểu rằng cần phải kiên trì nếu muốn có được kết quả tốt đẹp. “Tham gia vào làng thể thao trong thời gian dài giúp tôi học được rằng bạn không thể tạo nên điều kỳ diệu chỉ qua một đêm. Bạn chỉ có thể thực hiện từng ngày một và ngày hôm sau bổ sung vào những gì đã làm được trước đó. Mục tiêu đầu tiên là gắng rời giường bệnh và vứt bỏ những sợi dây, ống lằng nhằng quanh người vốn đã giữ mạng sống cho tôi. Sau đó, tôi tự mình đi vào nhà vệ sinh từng bước từng bước một và nghĩ về cách hồi phục bằng một đôi chân giả.”

Anh nhấc bổng chiếc xe khi cán đích đầu tiên- Ảnh Getty

Trở lại

Với nghị lực phi thường đó, chỉ trong vòng 1 năm anh đã hoàn toàn hồi phục thể lực. Hai năm sau, Zanardi quyết định trở lại với đường đua Lausitzring và hoàn thành 13 chặng với vận tốc trung bình 200 dặm/giờ trong một chiếc xe tay. Ba năm sau, anh quyết định gắn bó với chiếc BMW tại giải European Touring Car Championships và năm tiếp theo, anh đăng quang ở World Touring Car Championship trong chiếc xe mà anh phải sử dụng hông của mình được nối với một chiếc chân giả để dẫm phanh, một thiết bị gia tốc gắn dưới vô lăng và các bộ phận khác được lắp đặt hợp lý để có thể sử dụng bằng tay.

Quyết định trở lại với đường đua đồng nghĩa với việc Zanardi tiếp tục đặt cược với mạng sống của mình nhưng anh nghĩ về điều này vô cùng đơn giản: “Sự thật là chúng ta đang được sống và hút thở bầu không khí nên chúng ta sẽ phải mất mát gì đó. Thế nên tôi nghĩ rằng nhảy vào xe và lao vào đường đua như trước đây là điều quá đỗi bình thường. Giờ thì nếu tôi làm cụt chân của mình, chỉ cần một con ốc vít dài 4mm là có thể chữa lành lặn rồi”, Zanardi bông đùa về đôi chân giả.

Lương duyên với xe tay

Nguồn cảm hứng về môn đua xe tay trỗi dậy khi Zanardi được mời phát biểu trong một sự kiện marathon ở New York năm 2007. Dù chỉ có 1 tháng để chuẩn bị nhưng Zanardi đã làm được điều đáng ngạc nhiên- về đích ở vị trí thứ 4. Zanardi nhận ra rằng đua xe tay không chỉ còn là cách để rèn luyện thể lực mà còn giúp anh ứng dụng được những kiến thức về khí động học của mình.

Năm 2009, Zanardi có mục tiêu mới cho mình- Paralympic 2012 diễn ra ở London. Ngoài việc tập luyện, Zanardi còn dành hàng giờ để bàn bạc với kỹ sư của mình để làm sao cho cơ thể hòa hợp một cách tuyệt vời nhất với chiếc xe. “Mỗi VĐV cần những thứ khác nhau bởi cơ thể và khả năng khác nhau nhưng điểm chung là phải tìm được chiếc xe phù hợp nhất với mình.”

Zanardi đã hoàn thành quãng đường 16 km trong 24 phút, 50,22 giây và giành được huy chương vàng Paralympic, vượt hơn 27 giây trước vận động viên người Đức Norbert Mosandl, và vận động viên người Mỹ Oscar Sanchez.

Sau chiến thắng ngọt ngào, Zanardi tâm sự: “Cuối cùng, tôi thấy mọi người đã nhận ra thông điệp đến từ thể thao. Bạn ngạc nhiên với kết quả mà họ đã giành được, dù không thể giúp nhưng bạn sẽ suy nghĩ về nó.”

K.Đ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục