Công nghệ vạch vôi điện tử: Sẽ chấm dứt mọi tranh cãi?

13:34 Thứ bảy 14/07/2012

Tuần vừa rồi, những người làm luật bóng đá đã có quyết định lịch sử trong việc áp dụng công nghệ để phân định những tình huống tranh cãi ở các trận đấu chính thức. Nhưng thay vì chấm dứt tranh cãi trong tương lai, ngay lúc này nó đang làm bùng lên những tranh cãi mới.

Tình huống cứu thua gây tranh cãi của John Terry trong trận Anh-Ukraina

Blatter nghịch ý Platini

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Hội đồng các liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) đã đưa ra thông báo sau buổi họp bàn tại Zurich ngày 5/7. Theo đó, FIFA sẽ áp dụng công nghệ goal-line (xác định xem bóng đã qua vạch vôi khung thành hay chưa) giải vô địch thế giới các câu lạc bộ ở Nhật Bản vào tháng 12, và nếu thành công, sẽ đưa vào sử dụng chính thức tại giải vô địch châu Phi 2013 và World Cup 2014 ở Brazil.

Hai hệ thống được thiết kế bởi hai công ty GoalRef và Hawk-Eye đã được chấp thuận sau khi vượt qua hai vòng kiểm tra của FIFA. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từng phản đối áp dụng công nghệ, nhưng ông đã thay đổi ý định sau tình huống xảy ra trong trận đấu ở vòng 16 đội World Cup 2010 giữa Đức và Anh. Blatter tận mắt chứng kiến tiền vệ Frank Lampard tung cú sút đưa bóng qua vạch vôi nhưng không được trọng tài công nhận và sau đó Anh thua 1-4.

“Đây là một bước tiến thực sự của bóng đá hiện đại” Blatter nói với các phóng viên “Điều này rất quan trọng, bởi vì mục tiêu của bóng đá là bàn thắng. Nó sẽ là công cụ trợ giúp cho các trọng tài… Khi các cuộc tranh tài đạt đến mức cao hơn mà bạn không sử dụng những công nghệ sẵn có thì đó là một sai sót. Tôi thay đổi thái độ vì cú sút của Lampard ở Nam Phi. Đó là thời điểm mà tôi tự nhủ: ông là chủ tịch FIFA và ông sẽ không thể trả giá cho tình huống tương tự ở World Cup kế tiếp”.

Một tình huống tương tự cũng đã xảy ra ở EURO 2012 vừa rồi khi đội chủ nhà Ukraine không được công nhận bàn thắng trong trận gặp Anh ở vòng bảng. Sau trận đấu đó, Blatter nói trên trang Twitter của ông: “Sau trận đấu đêm qua, công nghệ goal-line không còn là tranh cãi, đó là điều cần thiết”. Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini, vẫn phản đối điều này đến cùng: “Tôi không đồng tình với công nghệ. Nếu anh đồng ý với công nghệ goal-line, sau đó sẽ tới công nghệ việt vị, công nghệ phạt đền, rồi chúng ta dẹp bóng đá luôn. Tôi muốn con người thật làm việc, sẽ dễ dàng thôi. Tôi hiểu suy nghĩ của người hâm mộ vì họ muốn công bằng, nhưng với một trọng tài phụ thì chúng ta cũng có sự công bằng vậy”.

Bóng đá : trò chơi “tự do” cuối cùng ?

Mọi chuyện đã không trở thành cuộc tranh cãi dai dẳng và mất thời gian như thế này nếu như FIFA tỏ ra quyết đoán hơn ngay từ đầu. Thật ra, bóng đá là một trong những môn thể thao cuối cùng áp dụng công nghệ để phán định những tình huống gây tranh cãi. Công nghệ hình ảnh đã được áp dụng rộng rãi với điền kinh, bóng đá Mỹ, bóng rổ, bóng chày, quần vợt, bóng bầu dục, cricket và cả những… cuộc thi cưỡi bò.

Thế nên, việc bây giờ nó mới được áp dụng ở môn thể thao vua là quá chậm, chứ không phải là gây ra đe dọa. Rất nhiều các huấn luyện viên, cầu thủ và người hâm mộ, sau những trường hợp hết sức nghiêm trọng về việc bóng đã qua vạch vôi nhưng bàn thắng không được công nhận hoặc ngược lại, đã yêu cầu ứng dụng công nghệ.

Chính bản thân Blatter cũng đã phản đối điều này trong nhiều năm liền cho tới khi ông phải nhượng bộ. Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc các thế hệ khán giả tương lai sẽ không còn phải thắc mắc và lo ngại về vấn đề bóng đã qua vạch vôi hay chưa. Một điều chắc chắn nữa là các trọng tài sẽ thở phào nhẹ nhõm khi không còn phải xem đi xem lại các đoạn băng ghi hình về những sai sót của họ trong việc xác định bóng đi qua vạch vôi, cũng như phải nhận những lời chỉ trích nặng nề của nhà bình luận và người hâm mộ bóng đá.

Điều đó còn đồng nghĩa với việc sẽ không còn một sân vận động nào mang tên một vị trọng tài, kiểu như sân vận động quốc gia Azerbaijan được gọi đùa là sân vận động Tofik Bakhramov, theo tên của vị trợ lý trọng tài người Nga đã nhắc trọng tài chính Gottfried Dienst rằng Geoff Hurst đã sút bóng đi qua vạch vôi khi Anh đánh bại Đức trong trận chung kết World Cup 1966 trên sân Wembley. Bakhramov đã trở thành một hình tượng ở Azerbaijan đến nỗi thậm chí đã có cả một bức tượng của ông ở thủ đô Baku.

Thực ra thì cũng không có nhiều những trường hợp bàn thắng không được xác định chính xác như thế trong bóng đá quốc tế, nhưng trang web Untold Arsenal ở Anh đã tiết lộ rằng trong hơn 40% trận đấu ở Premier League mùa bóng vừa rồi, mỗi vòng đấu chứng kiến khoảng hai ba bàn thắng gây tranh cãi, tức là sự thay đổi của FIFA thực sự là một bước phát triển đáng hài lòng.

Ở thời điểm hiện tại, quyết định áp dụng công nghệ của FIFA chỉ giới hạn trong việc xác định bàn thắng. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều người, với những gì đã xảy ra, FIFA đang chơi một canh bạc lớn và sự chính xác của công nghệ không phải chỉ mang tới những điều tốt lành. Quyết định này vẫn đứng trước nhiều câu hỏi hóc búa, đúng như Platini đã nêu ra.

Rồi đây liệu các nhà điều hành bóng đá trên thế giới sẽ phải đấu tranh mỗi ngày để ngăn chặn công nghệ dấn sâu hơn vào lãnh vực thể thao? Nếu công nghệ đã được áp dụng để xác định bóng qua vạch vôi, thì tại sao không được dùng để xác định tình huống việt vị hay phạt thẻ sai? Và tại sao các nhà lãnh đạo không tự thử sức với quyết định của mình như họ đã làm với môn bóng bầu dục Mỹ và quần vợt?

Những khó khăn đã thực sự được bộc lộ cùng sự háo hức về tính công bằng tuyệt đối. Câu hỏi lớn bây giờ là phải mất bao lâu nữa trước khi có một chiến dịch mới thúc đẩy FIFA cho phép công nghệ đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc chơi?

Nhật Nguyễn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục