Câu chuyện trọng tài

08:26 Thứ năm 14/05/2015

Lên danh sách VĐV, HLV tham dự một kỳ SEA Games chưa hẳn đã là xong đối với công việc chuẩn bị của bất cứ đoàn thể thao quốc gia nào. Bởi, họ mới chỉ chiếm quan trọng khoảng 60% trong công tác chuyên môn. Một phần quan trọng khác chính là đội ngũ trọng tài. Số này chiếm tới 40% hiệu quả…

Được càng nhiều càng tốt

Một lãnh đội của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games đã thẳng thắn chia sẻ rằng, chúng ta phải có vị thế trong công tác chuyên môn ở đại hội thông qua đội ngũ trọng tài. Mỗi đoàn thể thao ở từng quốc gia được BTC chủ nhà mời số lượng trọng tài nhất định cùng tham gia điều hành xuyên suốt đại hội. Đoàn nào có nhiều trọng tài góp mặt, ngoài thể hiện được vị thế của thể thao nước mình cũng chính là tạo được lợi thế về chuyên môn trong thi đấu.

Năm nay, thể thao Việt Nam có 32 trọng tài ở các môn thể thao được mời tới Singapore cùng BTC điều hành. Trong số này, TDDC góp mặt đông đảo tới 6 trọng tài. Điều đó phản ánh, trong khu vực Đông Nam Á, TDDC Việt Nam có sự vượt trội hơn nên mời trọng tài có chuyên môn và khả năng điều hành tốt từ Việt Nam tới là hợp lý. Thật ra, trong tất cả các đại hội thể thao lớn nhỏ quốc tế được tổ chức mà thể thao Việt Nam có góp mặt, chúng ta chưa bao giờ thôi mong mỏi được nhiều suất trọng tài tới tham dự. Như tại Asian Games, Olympic, thể thao Việt Nam đều có trọng tài góp mặt.

Trong số những trọng tài thể thao “oách nhất” Việt Nam lúc này có thể kể tới Trưởng bộ môn taekwondo (Tổng cục TDTT) - ông Vũ Xuân Thành. Hiện ông Thành đang là trọng tài cấp quốc tế của môn này và trực tiếp tham gia điều hành môn đấu này từ Olympic 2000 tới nay. Đáng kể nhất, tại Olympic 2012 vừa qua, ông Thành được mời vào vai trò trọng tài phủ quyết (tức là người có quyền công nhận hoặc bác bỏ quyết định từ trọng tài chính).

Chuyện trọng tài xử ép vẫn luôn là câu chuyện dài không hồi kết ở các kỳ SEA Games. Ảnh: T.L

Có một trọng tài uy tín và đẳng cấp là không dễ. Trong nhiều môn đấu có tính đối kháng như các môn võ, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh… thì việc có trọng tài nhà xuất hiện cùng VĐV khi thi đấu luôn tạo được hiệu ứng tốt. Tiếc rằng, hiện chúng ta vẫn chưa có nhiều người đạt được đẳng cấp quốc tế từ bằng cấp cho tới ngoại ngữ để đi điều hành.

Khó tránh chuyện “xử ép”

SEA Games sẽ khó bao giờ hết câu chuyện “xử ép”. Bởi theo quan điểm từng người và từng sự vụ xảy ra cụ thể, lúc ấy chuyện có “xử ép” hay không mới xuất hiện. SEA Games 27-2013, thể thao Việt Nam từng bức xúc khi nhà vô địch thế giới môn muay là Nguyễn Trần Duy Nhất dù thể hiện sự vượt trội trong thi đấu nhưng cũng không giành được HCV. Hay việc Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ) không thể bắt kịp VĐV chủ nhà sau khi cô này đi bộ nhưng có kỹ thuật như chạy để rồi tức tưởi nhận HCB. May là về sau, Phúc nhận lại HCV do VĐV của chủ nhà Myanmar dính doping.

Hay bi hài hơn là câu chuyện nổi tiếng nhất tại SEA Games 26-2011 khi võ sĩ pencak silat chủ nhà Indonesia luôn nấp sau trọng tài và thậm chí chạy vòng quanh trước sự truy đuổi của đối thủ người Thái Lan nhưng kết thúc vẫn nhận HCV. Cũng ở năm ấy, tuyển thủ Nguyễn Đình Cương của Việt Nam suýt chút nữa trắng tay sau khi bị đối thủ Malaysia kéo áo trên đường chạy 1.500m. Rất may, sau khiếu nại, Cương được trả lại thành tích và nhận HCĐ.

Đó là những chuyện nhắc lại để thấy rằng, nếu có trọng tài Việt Nam cùng tham gia điều hành những môn đấu ấy, chưa chắc chúng ta gặp bất lợi. Dù có thể VĐV vẫn thua nhưng trọng tài chính là đại diện để lên tiếng phản ứng về chuyên môn, tạo sức ép khiến BTC phải có điều hành công tâm hơn. SEA Games 28 sắp diễn ra, 32 trọng tài của Việt Nam không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cho SEA Games mà họ còn phải là chỗ dựa để VĐV tin vào sự công bằng ở thi đấu.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục