Câu chuyện cuối tuần: Nghề đá bóng

08:04 Thứ bảy 28/04/2012

Bóng đá chuyên nghiệp là một hệ thống phức tạp về tổ chức, về nhiệm vụ, về các mối quan hệ... Chúng ta đã làm bao nhiêu năm, bao nhiêu việc, chi phí không biết bao nhiêu tiền bạc, mà lúc nào cũng cảm thấy chưa đầy đủ.

Ngay cả ở những nước đã có bóng đá chuyên nghiệp hơn nửa thế kỷ, bao giờ vấn đề này cũng vẫn là một thách thức, vì tính đa dạng và luôn phát triển của nghề đá bóng. Còn ở một mặt khác, tinh thần chuyên nghiệp của bóng đá phải thấm sâu vào từng con người, trước hết là mỗi cầu thủ, phải tác động lên lối nghĩ, cách sống, cách hưởng thụ và cách cống hiến, vì chính đây là điểm bắt đầu của bóng đá.

Borussia Dortmund, nhà vô địch Bundesliga các mùa 2010-2011 và 2011-2012, là một tập thể thuần nhất

Trong bóng đá chuyên nghiệp, ai cũng hiểu bóng đá là một nghề. Cầu thủ đá bóng tức là hành nghề. Khác với trước đây, bảo rằng đá bóng là chơi thể thao, tập thể thao, thi đấu thể thao cho nó vui, vì nó mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, ngay cả khi cầu thủ chả làm việc gì khác ngoài đá bóng. Chúng ta đã từng làm bản khai lý lịch, trong đó có một dòng quan trọng là “nghề nghiệp”. Không hiểu khi Ngọc Châm làm bản khai ứng cử vào Hội đồng nhân dân chị đã khai nghề nghiệp như thế nào, là “cầu thủ bóng đá”, hay là “cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch”? Sẽ rất vui, nếu chị xuất hiện trong lĩnh vực này ở tư thế một người làm nghề bóng đá. Đấy là một nghề rất đáng tự hào! Đá bóng để sống và cống hiến là một việc làm chính danh.

Trên thế giới, điều đó là đương nhiên. Nhờ đá bóng mà ông Franz Beckenbauer được phong làm “Hoàng đế”, ông Johann Cruiff được gọi là “Vua”, ông Michel Platini bây giờ là Chủ tịch UEFA... Cầu thủ có thể sống như ông hoàng, nổi tiếng và được tôn thờ theo kiểu các ngôi sao, có ảnh hưởng đến xã hội như các chính khách... Chẳng nói đâu xa, ngay ở Việt Nam mình thôi, nhiều cầu thủ thời “nghiệp dư” trước đây cũng đã có chỗ đứng vững chắc, lâu dài trong lòng xã hội, như một tấm gương, như một sự cỗ vũ, như một niềm vui sướng hay tự hào. Bởi vì họ đã hiểu, làm nghề nào thì phải theo nghiệp đó, bóng đá có sự khắt khe, cay nghiệt mà ai bước vào cũng phải chấp nhận. Các cụ bảo, đã sống nhờ nghề thì cũng có thể chết vì nghề. Nghề nghiệp là thiêng liêng lắm.

Bóng đá là một nghề đòi hỏi phải có năng khiếu, phải đủ tài năng. Nhưng trước hết là phải khổ luyện. Có lần Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh) thổ lộ, thời anh đá ở Thể Công, mỗi buổi tập, sau khi đồng đội đã ra về, anh còn ở lại, đón bóng lật vào từ hai cánh, tập đá vô lê hàng trăm quả, cho đến khi mu hai bàn chân đỏ lừ mà vẫn chưa nghỉ. Phú “mèo” và Trọng Giáp, sau buổi họp đấu pháp chung, còn nán riêng lại với nhau để bàn cách kèm Từ Như Hiển (CA Hà Nội), vì Hiển quá hay, nên phải bàn cả tiếng đồng hồ để dự phòng cho hết các tình huống. Bóng đá gọi là nhà nghề của chúng ta hiện nay, còn mấy ai có được sự tận tụy ấy?

Chúng ta đang chứng kiến một mùa thành công đến mức thăng hoa của Real Madrid. Nhưng mấy ai biết rằng, cái nền tảng cơ bản nhất cho thắng lợi này chính là tình yêu và lòng tự hào khi trở thành một thành viên của đội bóng Hoàng gia. Đa số xe ô tô của các cầu thủ Real Madrid đều sơn mầu trắng - mầu trang phục của đội bóng. Còn Marcelo, hậu vệ người Brasil, thì xăm lên cánh tay mình con số 12, chính là số áo Real Madrid mà anh đang mang trên lưng. Tự đồng nhất mình với CLB của mình, đó cũng là một phẩm chất của bóng đá chuyên nghiệp. Cầu thủ chúng ta nghĩ về điều đó như thế nào, cảm nhận sâu sắc về tình cảm đó như thế nào?

Hai năm gần đây, Dortmund thắng Bayern liền 4 trận, và hai năm liền trở thành nhà vô địch Bundesliga. Nhưng ít ngày nữa thôi, khi xem đội tuyển Đức tung hoành ở EURO 2012, chúng ta sẽ thấy đa số tuyển thủ quốc gia Đức là người của Bayern. Đó có phải là một nghịch lý, khi đẳng cấp cầu thủ Bayern thực ra vẫn cao hơn? Ông Beckenbauer giải thích: “Dortmund là sự thống nhất của tất cả mọi người. Họ là Một. Còn Bayern là tập hợp chưa thuần nhất của nhiều cá thể”. Ông Joachim Loew nhấn mạnh: “Mỗi cầu thủ phải biết phấn đấu cho điều tốt đẹp nhất của đội bóng và của chính mình”. Còn ở chúng ta, sao cứ hay nghe đến chuyện ngược đời kiểu như “phá đội để được ra đi”?

Thời buổi thông tin, nhưng khi hỏi liệu tuyển thủ quốc gia có được lên mạng hay không trong giải sắp tới, huấn luyện viên Loew của đội tuyển Đức thẳng thẳn trả lời: Có thể, nhưng trong những điều kiện hạn chế. Ông cho rằng, có rất nhiều chuyện trong đội bóng phải là riêng tư, không thể tiết lộ ra ngoài, vì như vậy sẽ phá hoại sự đoàn kết trong cả tập thể. Bóng đá còn có một nguyên lý bất thành văn: Chuyện ở trong cabin của đội không được tiết lộ ra ngoài. Chứ đâu phải luôn tìm cách thỏa mãn riêng mình, thường xuyên lên mạng nói xấu đồng đội, than phiền về thầy, chê trách hết người này đến người khác. Ấy là chưa kể, ông Jose Mourinho ở Real Madrid còn cấm tiệt tất cả các cầu thủ trả lời phỏng vấn và giao lưu với báo chí. Chi tiết thì nhỏ, nhưng đủ nói rằng, nghề bóng đá cũng đòi hỏi nhiều hy sinh.

Những chuyện nho nhỏ như vậy còn có thể kể ra rất nhiều, ứng với vô vàn khía cạnh khác nhau của nghề đá bóng. Nghề nào cũng có đạo lý, mà chúng ta có thể gọi là lương tâm hay đạo đức nghề nghiệp. Đã là thầy thuốc thì phải “như người mẹ hiền”. Đã là nhà giáo thì phải “tất cả vì học sinh thân yêu”. Đã là người lính thì phải “vì nhân dân quên mình”... Còn đã là cầu thủ bóng đá thì sao? Phải chăng đấy là lý do khiến nhiều tổ chức bóng đá từ cấp CLB đến cấp Liên đoàn, thậm chí cả FIFA đều phải đưa ra những những quy tắc ứng xử riêng trong tổ chức của mình. Bayern Munich có bộ tiêu chí “Chúng ta là chúng ta”, FIFA có bộ “Tiêu chuẩn đạo đức”.

Đấy cũng là một hướng đi không thể coi nhẹ trong việc xây dựng bóng đá chuyên nghiệp ở nước ta: Nó chỉ cho cầu thủ cách sống, cách cư xử với đồng nghiệp, với đối thủ, thái độ trước huấn luyện viên, trọng tài, trách nhiệm trước công chúng, nhất là vai trò gương mẫu với thanh thiếu niên, tinh thần đấu tranh, ý chí quyết thắng, sự hy sinh vì CLB... Nói gọn lại, đấy là tiêu chí để cầu thủ làm nghề đá bóng: Có đạo lý, có lương tâm, có lòng say mê và tinh thần cống hiến.

Vũ Chí Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục