Barcelona và cú tát thức tỉnh

13:04 Thứ tư 24/04/2013

Có lẽ hơi “lỗi thời” khi người ta cứ mặc định Bayern là “cửa dưới”, chiến thắng của họ trước Barca là “kỳ tích”. Thật ra đội bóng Đức đã “đặt một chân rưỡi” vào chung kết sau một trận đấu mà họ trên cơ hoàn toàn. Cũng chẳng có sai lầm chiến thuật hay nhân sự nào từ Barca cả. Đội mạnh hơn đã thắng, vậy thôi.

Bayern – Hoan hô sức mạnh tập thể

Người ta tưởng rằng tiki-taka vẫn đang là hoàn hảo, là những công thức tuyệt đối mà Bayern phải “học”, nhưng sự thật là đó là một lối chơi phụ thuộc quá lớn vào sự biến ảo, xuất chúng của các siêu sao khi được phát triển ở Barca. Không đan bật và chờ đợi sơ hở nào cả, không trông chờ ở Messi hay Iniesta nào cả, sức mạnh tập thể của Bayern nằm ở sự nhanh gọn, quyết đoán, hiệu dụng với tốc độ cao của toàn đội ngũ, và không rõ ai mới là người cần “học” sau trận đấu.

Tinh thần đoàn kết đã giúp Bayern vượt qua Barca. Ảnh: Getty

Những thắng lợi, những sự hào nhoáng trước các đối thủ có lực lượng không đồng đều và thua kém mình như PSG, Milan không chứng minh được cách đá của Barca là số một. Họ đã thua ở nước Ý, đã phải nhờ luật bàn thắng sân khách mới thắng được một PSG mới nổi. Suốt mùa giải này đi cùng những sự tung hô cho màn bứt tốc tại La Liga là những trận thua liên tục trước kình địch Real. Và cuối cùng thì một lần nữa, trước một đội với những cá nhân ngang ngửa mình, Barca lại thất bại.

Tiki-taka có lẽ sẽ còn được ứng dụng và phát triển, nhưng “tiki-taka của Barca” thì có vẻ đã chạm vào giới hạn của nó. Bayern với cú tát “in bốn ngón tay” của mình đã gần như đánh thức Barca khỏi những ảo tưởng xa vời “đến từ hành tinh khác”. Đây là trận đấu một chiều mà Bayern hoàn toàn điều khiển, thích công là công ra trò, khi thủ thì thủ như bàn thạch. Mọi thứ bị họ kiểm soát, còn lác đác ở bên ngoài vòng kiểm soát đó là những pha chuyền bóng qua lại, những cú rướn cố sức hòng gây đột biến nhỏ lẻ của vài cầu thủ Barca.

Nếu ai nghĩ rằng Barca với tikitaka là lối chơi tập thể thì có lẽ họ sẽ có cái nhìn mới khi trông thấy Bayern. Đó không phải thứ tập thể mà tất cả gắn kết vì cùng làm tốt một chuyện là “chuyền bóng và di chuyển”, mà là thứ tập thể mỗi người một phong cách nhưng sự phân công nhiệm vụ, kết nối điểm mạnh của mỗi cá nhân rất hoàn chỉnh. Tư duy của “hùm xám” cũng chẳng giống đối thủ chút nào, một đội coi “cầm bóng là lẽ sống”, còn một đội chỉ cần biết và thực hiện nhanh gọn chân lý “giữ sạch lưới và ghi bàn”.

Dấu ấn huấn luyện viên

Không ai quan tâm đến lời rào trước của Roura rằng La Liga mới là mục tiêu số một. Chẳng có đội bóng hàng đầu thế giới nào có suy nghĩ ấy khi đã vào đến bán kết Champions League trong khi mùa trước vừa bị loại khá đắng cay. Dấu ấn của các huấn luyện viên từ tạm quyền tới chính thức của Barca ở những trận đấu lớn, những thời điểm then chốt, những tình thế ngặt nghèo là rất hạn chế: chưa có Messi thì tung Messi vào, Sanchez đá không được thì tung Villa và ngược lại, người ta đã quá quen và thấy nó giống sự đánh cược vào cá nhân nhiều hơn là toan tính.

Thật khó tin, Bayern lại thắng đến 4 bàn. Ảnh: Getty

Barca đã lại có thêm một kỷ lục: đội đầu tiên thua 0-4 ở bán kết Champions League. Kỷ lục này rồi cũng sẽ bị lãng quên như hàng loạt những kỷ lục về tỷ lệ cầm bóng, số đường chuyền, nhưng phải chăng đã đến lúc Barca có cho mình một “phương án B” thực thụ để chiến thắng chứ không phải để sưu tập các con số thống kê? Không có nổi một pha dứt điểm đúng nghĩa là dứt điểm, thậm chí còn chẳng làm các cổ động viên ở Allianz Arena cảm thấy bất an mỗi khi đội khách có bóng, Barca từ vị thế “bề trên” lúc bước ra từ đường hầm đã trở thành kẻ “dự thính” trong màn trình diễn của Bayern.

Tito Vilanova từng được ngợi ca như “nhà Cách mạng” hoàn thiện hóa tiki-taka ở Tây Ban Nha (trừ những trận gặp Real), nhưng ông chỉ biết đứng chết lặng nhìn đội bóng của mình thua tan tác. Tuy nhiên liệu đó có thực sự là vấn đề chuyên môn của riêng Tito? Người ta nhắc đến Pep, nhưng sự thật là Barca của Pep chơi cũng chẳng khác gì Barca của Tito, một lối chơi “như được lập trình”, có chăng Pep đã ra đi đúng lúc nó có dấu hiệu chững lại mà thôi. Ông sắp tìm “thử thách” ở một đội còn mạnh hơn đội bóng cũ Barca, và biết đâu đấy kết hợp tikitaka vào sức mạnh Đức của Bayern lại tạo nên một thế lực mới hoàn hảo.

Thực sự là một đòn đau giáng vào niềm kiêu hãnh, người Barca không quen với những thất bại kiểu này. Sự thích nghi có lẽ là xa xỉ với một đội bóng đã quá quen thắng, quá quen làm chủ mọi thứ bằng một phong cách duy nhất suốt bao năm qua. Phép màu luôn tồn tại, bóng đá không bao giờ nói chắc được điều gì, giống như chẳng ai nghĩ Bayern lại thắng tới 4 bàn vậy. Nhưng phép màu nào cũng phải có căn nguyên của nó, trong một tuần tới thật khó tin rằng Barca sẽ lột xác, chỉ có những biến cố bất ngờ nhất mới có thể làm cục diện cặp đấu này thay đổi. Barca có quyền mơ, nhưng nghịch lý là muốn mơ thì họ phải “tỉnh lại” cái đã.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục