Bản quyền truyền hình AFF Cup: Cứ bán đắt đi nếu có thể

10:03 Thứ tư 19/09/2012

Cứ như đến hẹn lại lên, mỗi lần có một sự kiện bóng đá quan trọng diễn ra ở Việt Nam trong vòng gần chục năm trở lại đây là người hâm mộ lại phải phấp phỏng với vấn đề bản quyền truyền hình.

Nếu như những giải lớn như World Cup hay EURO có giá bản quyền truyền hình cực đắt thì đã đành, bởi đây đều là những bữa tiệc bóng đá thực sự với người hâm mộ, xét từ cả khía cạnh chuyên môn lẫn góc độ công nghệ sản xuất truyền hình, nhưng một giải bóng đá có cấp độ khu vực và hầu như không ai biết đến trên thế giới như AFF Cup mà cũng bị thét mức giá gần bằng World Cup hoặc EURO thì quả là vô cùng quá đáng.

Đặc biệt là xét trong bối cảnh nền kinh tế cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam đang vô cùng khó khăn như hiện nay thì số tiền 1,4 triệu USD mà nhà nắm giữ bản quyền AFF Cup 2012 yêu sách để đổi lấy quyền phát sóng trực tiếp giải đấu này thực sự là một “lời đề nghị khiếm nhã”.

Người hâm mộ vẫn sẽ được dõi theo ĐT Việt Nam thi đấu ở AFF Cup 2012? Ảnh: Quang Nhựt

Tất nhiên người dân Việt Nam rất hâm mộ bóng đá, và thực tế là cũng chẳng có đài truyền hình nào muốn nói không với AFF Cup, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, nên chúng ta không được phép tạo cơ hội để các nhà cung cấp bản quyền truyền hình nước ngoài làm “chảy máu” ngoại tệ của đất nước bằng cách lợi dụng niềm đam mê bóng đá của các CĐV Việt Nam.

Nếu thực sự hình ảnh trực tiếp của AFF Cup 2012 không thể đến với CĐV Việt Nam thì chưa chắc chúng ta đã phải là những người lo lắng và thiệt hại nhiều nhất, bởi theo triết lý kinh doanh, một sản phẩm chỉ được xem là món hàng thực thụ khi nó được chuyển tới tay người mua, còn nếu món hàng ấy không có ai ngó ngàng thì dù đẹp, dù hào nhoáng đến mấy cũng thành vô dụng.

Chiếu theo ý nghĩa ấy thì các nhà cung cấp bản quyền truyền hình AFF Cup 2012 lẽ ra phải dành sự quan tâm đặc biệt cho thị trường Việt Nam với hơn 80 triệu dân số, trong đó phần lớn là trong độ tuổi lao động, và ĐT Việt Nam lại được xem là một trong những ứng viên hàng đầu cho chức vô địch AFF Cup 2012, chứ không phải coi chúng ta như một “con gà béo” để tìm cách “làm thịt” triệt để như hiện tại.

Với một giải đấu chỉ gồm 8 đội bóng tham dự như AFF Cup, công tác chuẩn bị của các đài truyền hình tại Việt Nam hẳn là chẳng có vấn đề, đặc biệt là với những đài truyền hình lớn có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất chương trình phục vụ World Cup, EURO, Olympic hay SEA Games, nên chúng ta hãy thử cân nhắc khả năng chơi trò cân nào với đơn vị nắm giữ bản quyền AFF Cup 2012 đến phút cuối cùng, xem rốt cuộc ai có bản lĩnh hơn ai.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, thị trường Việt Nam có quá nhiều lợi thế để không một nhà cung cấp bản quyền truyền hình nào có thể làm ngơ, đặc biệt là với những giải đấu có cấp độ khu vực như AFF Cup. Thế nên, nếu nhà cung cấp bản quyền AFF Cup 2012 chỉ nghĩ tới việc thu tiền đầy túi mà không cần quan tâm tới hoàn cảnh và điều kiện kinh tế xã hội thực tế ở Việt Nam thì hãy gửi cho họ một câu trả lời cứng rắn, rằng đúng là người hâm mộ Việt Nam rất muốn theo dõi AFF Cup 2012, nhưng không phải bằng mọi giá.

Và giả sử nhà cung cấp bản quyền thực sự không chịu rút lại yêu sách vô lý của mình thì điều đó không có nghĩa là AFF Cup 2012 tuyệt đối sẽ không hiện diện tại Việt Nam, đặc biệt là trong trường hợp ĐT Việt Nam giành quyền vào chơi trận bán kết hoặc chung kết. ĐT Việt Nam thi đấu giao hữu với ĐT Indonesia ở nơi “vùng sâu vùng xa” như Surabaya (Indonesia) mà người hâm mộ Việt Nam còn tìm cách theo dõi trực tiếp được thì nói gì tới AFF Cup!

Bởi vậy, hãy cứ chờ xem liệu nhà cung cấp bản quyền AFF Cup 2012 có bán được món hàng của mình với giá trên trời mà họ mong muốn hay không…

Hoàng Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục