Đại diện Nhật Bản phản bác ca thán của Quý Phước

15:40 Thứ bảy 05/09/2015

Những lời phàn nàn liên tiếp trên báo của kình ngư Đà Nẵng khiến người quản lý của anh từ Nhật Bản bay sang Việt Nam để giải thích cho rõ.

Đầu năm 2015, Hoàng Quý Phước đã được đưa sang Nhật Bản tập huấn tại CLB nổi tiếng Renaissance thuộc Tập đoàn Renaissance. Đây là Tập đoàn đứng trong tốp 500 tập đoàn đứng đầu Nhật Bản trên thị trường chứng khoán. Trước thềm SEA Games 28, Phước trả lời phỏng vấn báo chí rằng ở CLB này, anh được 2 HLV dẫn dắt, một người lo về chuyên môn, người kia lo về ngôn ngữ và mọi vấn đề liên quan đến sinh hoạt của Phước.

Tại SEA Games, trong khi Ánh Viên chỉ có HLV Đặng Anh Tuấn đi kèm thì Hoàng Quý Phước có tới 2 HLV bên cạnh (trong đó phía Nhật Bản cũng tự chi một phần kinh phí). Với cách làm chuyên nghiệp của mình, 2 HLV Nhật Bản đã quay lại toàn bộ hành trình thi đấu của Phước để phân tích, mổ xẻ những điểm yếu về chiến thuật cho VĐV này.

Sau khi đoạt chiếc HCV phá kỷ lục Đại hội ở nội dung 200m tự do, Hoàng Quý Phước đã nói với báo chí rằng anh được chuyển sang Nhật Bản tập huấn là đúng hướng. Thế nhưng sau giải vô địch thế giới, tổ chức tại Nga vào tháng 8 vừa qua, Phước bất ngờ không sang Nhật mà quay trở về Việt Nam với lý do chữa chấn thương lưng.

Hoàng Quý Phước cho rằng mình không có những điều kiện tập huấn tốt nhất ở Nhật Bản và khó thành công nếu tiếp tục đi theo hướng này. Ảnh: Internet.

Và người ta lại thấy Phước kêu ca về những khó khăn do rào cản ngôn ngữ (dù trước đó Phước từng khen vị HLV làm người quản lý cho mình nói rất tốt tiếng Anh) rồi chuyện chưa bao giờ tự nấu ăn mà sang đất Nhật phải nấu ăn... Những lời ca thán của Phước trên mặt báo khiến cho đại diện CLB và người quản lý riêng của Phước tại CLB ông Kazuharu Okamura phải bay từ Nhật sang Việt Nam để... nói lại cho rõ.

Theo ông Okamura, HLV trực tiếp của Phước là ông Isoda, thuộc tốp 20 trong tổng số 50.000-60.000 HLV bơi được cấp chứng chỉ hành nghề tại Nhật Bản. Vị HLV này cũng từng được dẫn dắt đội tuyển bơi lội quốc gia và mọi giáo án huấn luyện của Phước đều được ông Isoda tham khảo ý kiến của BHL đội tuyển bơi Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, Phước cũng được bố trí ở trong một căn hộ 30m2 đầy đủ tiện nghi, dù các VĐV khác thì phải chung phòng khá chật chội. Vị HLV này cũng cho biết ở Nhật Bản, ngoài việc huấn luyện về chuyên môn, các VĐV được huấn luyện để có thể tự lập trong cuộc sống của mình. Mọi VĐV của Nhật Bản đều có thể tự nấu ăn, làm các công việc phục vụ cho cá nhân mình và đó là cách người Nhật muốn giáo dục VĐV một cách toàn diện, để VĐV có thể tự lập.

Trong cuộc làm việc với Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng (phải), phía Nhật Bản khẳng định rất muốn hỗ trợ Hoàng Quý Phước thành công và mong kình ngư này sớm trở lại Nhật Bản tập huấn. Ảnh: Minh Gia.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng chấn thương lưng của Phước không trầm trọng. Sau khi Phước bị đau đã được CLB đưa đi khám miễn phí ở hầu hết các bệnh viện nổi tiếng của Nhật Bản và các bác sĩ chỉ ra rằng Phước bị đau do quá trình tập huấn thiếu khoa học trước đó.

Ở Nhật Bản, ngoài việc dạy kỹ thuật bơi, các kình ngư sẽ tập các bài bổ trợ, như các bài thể lực phát triển các nhóm cơ trên trong khi do Phước không được tập các bài bổ trợ nên nhóm cơ trên rất yếu, dẫn đến đau lưng.

Ông Okamura cũng đánh giá cao tiềm năng của Phước và cho rằng với nhóm cơ thân trên yếu như thế mà Phước vẫn đoạt được thành tích như vậy thì Phước hoàn toàn có thể vươn tới đỉnh cao hơn. Phía Nhật Bản cũng mong muốn Phước sớm quay trở lại tập luyện.

Người quản lý Okamura (trái) bay sang Việt Nam để giải thích về những thông tin không mấy tích cực về chuyến tập huấn tại Nhật Bản do Quý Phước đưa ra. Ảnh: Minh Gia.

"Hiện tại, trình độ của Phước ở tốp 20 Nhật Bản và chúng tôi đã có những nghiên cứu cụ thể để đặt ra kế hoạch huấn luyện trong khoảng 3 năm tới có thể đưa Phước vươn lên tốp 5 Nhật Bản, đồng nghĩa với việc Phước có mặt trong tốp các kình ngư mạnh của châu Á," ông Okamura nói.

Chuyên gia người Nhật Bản tiếp lời: "Tuy nhiên để làm được điều này một mình chúng tôi nỗ lực chưa đủ, chúng tôi mong muốn sự hợp tác từ Phước để hoàn thành mục tiêu. Hiện tại, Phước vẫn có thể vừa tập luyện vừa chữa trị bệnh đau lưng theo phác đồ điều trị của chúng tôi. Phước vẫn còn tiềm năng và chúng tôi mong muốn Phước quay trở lại."

Cũng sang Việt Nam để giải quyết vấn đề của Quý Phước, đại diện cho Tập đoàn Renaissance là ông Takeshi Omori, Giám đốc chi nhánh Việt Nam cũng trần tình rằng thực ra Phước mới chỉ tập huấn tại Nhật Bản 4 tháng trước khi đoạt HCV, phá kỷ lục SEA Games. Các chuyên gia Nhật Bản hoàn toàn có khả năng giúp Phước rút ngắn thành tích xuống từ 2-3 giây ở nội dung 200m tự do. Phước đang ở ngưỡng chuyển giao của cuộc đời VĐV của Phước, nếu cải thiện được Phước sẽ còn nâng cao năng lực hơn nữa.

Theo ông Omori, Phước phải có ý thức tự chủ, tự giác trong mọi trường hợp: "Ở Nhật Bản, ngoài việc huấn luyện chuyên môn chúng tôi còn huấn luyện các VĐV về ý thức, về tinh thần, về quyết tâm để chiến thắng trong mọi hoàn cảnh."

Lời khuyên mà các chuyên gia Nhật Bản đưa ra cho Phước là anh phải nâng cao tính tự chủ, tự lập để có thể trưởng thành, trở thành một hình tượng cho các em nhỏ noi theo. Trong tập luyện và thi đấu, Phước phải tự khắc phục được những khó khăn của bản thân để dần hoàn thiện mình, hướng tới những mục tiêu cao hơn.

Khánh Vy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục