Bóng đá Việt Nam có thể “học” gì từ cách người Thái “đổ bộ” J-League?

00:19 Thứ hai 10/02/2020

TinTheThao.com.vnVới 5 tuyển thủ Thái Lan đã và sắp thi đấu tại J-League, tờ Live Sport Asia cho rằng xứ Chùa vàng đang là nền bóng đá mạnh nhất Đông Nam Á.

Cụ thể, Live Sport Asia cho rằng không còn nghi ngờ gì nữa, bất chấp việc đội tuyển quốc gia nước này có chiều hướng “tuột dốc”, Thái Lan sở hữu nguồn cầu thủ chất lượng nhất khu vực Đông Nam Á. Ngược lại, bóng đá Việt Nam dù thành công ở cấp độ đội tuyển quốc gia hơn 2 năm qua, nhưng chất lượng V-League chưa tương xứng. Đơn cử điển hình là Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu không thể tỏa sáng khi mang chuông đi đánh xứ người.

Như vậy, sau Chanathip Songkrasin (Consadole Sapporo), Theerathon Bunmathan (Yokohama Marinos), đến lượt Teerasil Dangda (Shimizu S-Pulse), Kawin (Consadole Sapporo) “cập bến” J-League. Tuy vậy, con số này chưa dừng lại do tiền vệ Sarach Yooyen (Muangthong United) đang trong quá trình đàm phán cuối cùng và sẽ chọn thi đấu 1 trong 3 câu lạc bộ Kashiwa Reysol, Gamba Osaka, Sagan Tosu ở mùa giải mới. Thậm chí nếu không bất ngờ dính chấn thương, tiền vệ tài năng Ekanit Panya đã có thể chuyển đến J-League.

 - Bóng Đá

Dangda và Chanathip sẽ là đối thủ của nhau tại J-League.

Công tâm mà đánh giá làn sóng "đổ bộ" cầu thủ Thái Lan lên J-League mang đến sự ngạc nhiên thú vị cho người hâm mộ khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng sự quật khởi này, suy cho cùng, là hoàn toàn hợp lý, kết quả tất yếu sau khi Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan gây tiếng vang tại J-League. “Messi” Thái đã được Consadole Sapporo mua đứt sau một mùa giải cho mượn từ Muangthong United. Anh được bầu chọn là cầu thủ hay nhất mùa giải của CLB. Trong khi đó, Theerathon vừa cùng Yokohama Marinos vô địch J-League.

Bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo cách người Thái đưa “quân” sang Nhật Bản để thành công trong tương lai. Đầu tiên, J-League là môi trường thích hợp với cầu thủ Thái Lan nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung. Tuyển thủ xứ Chùa vàng không hề bỡ ngỡ với lối chơi bóng ngắn, tận dụng những pha phối hợp kỹ thuật của J-League. Không phải ngẫu nhiên mà Chanathip, Theerathon đều thi đấu trên dưới 30 trận/mùa giải trong màu áo Consadole Sapporo và Yokohama Marinos. Kế đến, tuyển thủ Thái Lan xuất ngoại đa phần sau khi đã tích lũy kinh nghiệm và đạt độ chín về chuyên môn tại Thai-League. Chanathip sang J-League năm 25 tuổi còn Theerathon chuyển đến xứ mặt trời mọc khi đã 28 tuổi.

 - Bóng Đá

Theerathon là tuyển thủ Thái Lan đầu tiên vô địch J-League trong màu áo Yokohama Marinos.

Cuối cùng đó là sự kiên trì với chiến lược đúng đắn. Theerathon từng thi đấu cho Vissei Kobe rồi mới chuyển sang Yokohama Marinos. Tương tự tiền đạo Teerasil Dangda cũng đã khoác áo Sanfrecce Hiroshima, sau đó ký hợp đồng 2 năm với Shimizu S-Pulse. Ở chừng mực nào đó, sang J-League là hướng phát triển hợp lý và được bóng đá Thái Lan kiên định theo đuổi. Và làn sóng cầu thủ Thái đến Nhật Bản là những “quả ngọt” bước đầu của nền bóng đá xứ Chùa vàng.

Tiểu Phương | 23:21 09/02/2020
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục