V-League: Vọng ngoại hay hướng nội?

20:04 Chủ nhật 15/04/2012

Đã trôi qua đúng 13 vòng đấu. V-League đã đi được nửa đường. Một giải vô địch quốc gia khá đặc biệt, với nhiều sự kiện gai góc, nối tiếp nhau không ngưng nghỉ. Bản quyền truyền hình, bạo lực sân cỏ, tiếng còi đầy nghi vấn của các trọng tài, số phận bấp bênh của huấn luyện viên, sự thất thường đôi khi đến kỳ lạ của các đội bóng, nỗi băn khoăn trên các khán đài... Cũng là những câu chuyện muôn thuở của bóng đá mà thôi, nhưng mùa giải năm nay hình như cái gì cũng đến mức cực trị. Một mùa giải chắc sẽ còn được nhắc tới rất nhiều.

Giải vô địch quốc gia có nhiều mục đích. Trước hết, giải có mục đích tự thân, phải đi đến nơi về đến chốn, với những trận đấu, với những bản phân chia thứ hạng, và những bảng quyết toán tiền bạc. Thứ nữa, giải có mục đích phục vụ, đo bằng số khán giả đến sân, đo bằng sức lan tỏa trên truyền hình và báo chí, đo bằng ảnh hưởng tốt xấu ở mức nào đến xã hội. Rồi cuối cùng, giải phải là nền tảng, là bàn đạp, để trên đó và từ đó đội tuyển quốc gia được dựng xây rồi cất bước. Nếu nhớ lại lần ra quân thất bại tại SEA Games 2011, ta càng nhớ rằng, năm bóng đá 2012 sẽ kết thúc bằng AFF Cup. Đấy thực sự là hòn đá thử vàng. Cho nên, mặc dù hiện nay vẫn chưa chọn xong huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia, vẫn phải nghĩ ngay tới đội tuyển, khi xem các câu lạc bộ thi đấu trong giải vô địch. Ai sẽ được chọn? Đội tuyển sẽ đá theo lối nào?...

Nếu nghĩ như vậy, quả thật chúng ta càng thêm lo lắng. Vì ở nhiều đội bóng, chiến thắng chủ yếu nhờ vào những yếu tố ngoại: Các chân sút ngoại ghi những bàn thắng quyết định, và do đó phải xây dựng lối đá cho cả đội xoay quanh những “quý nhân” này. Thậm chí ở một vài đội bóng, chúng ta phải chiều chuộng những ngôi sao ngoại, đến mức chấp nhận cả những gì có thể gọi là bất công đối với cầu thủ nội. Timothy có thể ghi được một số bàn thắng, có thể đè bẹp sức chống đỡ của các hàng phòng ngự, nhưng kiểu đá mà đến “xe tăng Đức” hay “voi rừng Drogba” cũng còn phải chào thua của anh liệu có giúp ích gì cho đội tuyển quốc gia?

Sự có mặt của Samson Kayode, Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất V-League 2011, đã phá hỏng lối chơi nhuần nhuyễn của Hà Nội T&T. Ảnh: Quang Nhựt

Hà Nội T&T hiện có lối đá khá hấp dẫn, nhưng những pha đập nhả triển khai bóng đẹp mắt của hàng tiền vệ toàn cầu thủ Việt mất hẳn sự trôi chảy nhuần nhuyễn khi có Samson xuất hiện. Xem trận Hà Nội T&T thắng Vicem Hải Phòng 2-1 trên sân Hàng Đẫy hẳn chúng ta đều không khỏi ngán ngẩm bởi hình ảnh Samson cứ đơn độc cầm bóng đột phá, làm tan nát lối chơi của cả tập thể. Lại có không ít đội bóng ra sân với 5-6 cầu thủ ngoại, vừa nhập tịch vừa chưa nhập tịch, với những phe nhóm, với những cơn nóng lạnh bất thường, đôi khi đủ sức khơi lên đấy rồi lại dày xéo đấy những ước mơ, khát vọng bóng đá trên các khán đài. Những tác dụng tiêu cực với cả xã hội cũng đã được nói đến, chứ đâu phải chỉ là bóng đá?

Chuyện cầu thủ ngoại chúng ta đã nói đến rất nhiều. Nó là một tất yếu, và có nhiều tác dụng tích cực. Nhưng, cái gì cũng vậy, quá liều thì hỏng việc. Từ vai trò kích thích cho phát triển, đã trở nên kìm hãm cho sự trưởng thành. Phải nói lại chuyện này chỉ vì thời gian qua, vẫn còn có chuyện nhập tịch, những sự nhập tịch chưa hẳn mang lại tác dụng tích cực cho bóng đá, và nếu xét kỹ đến chi tiết, chưa chắc đã đảm bảo tính nghiêm minh của các tiêu chí luật pháp. Chúng ta lại còn muốn định nghĩa rằng, các cầu thủ quốc tịch tùy ý, nhưng chỉ cần có nguồn gốc Việt ở khía cạnh nào đấy là được xem như cầu thủ nội. Nếu vậy thì sân chơi cho cầu thủ nội càng thêm chật chội, và nếu nói đến cùng, thì nó phản ánh cái tâm lý chúng ta đã có từ lâu: Muốn có người tài mà không phải lo chuyện đào tạo. Và điều này thì chắc chắn là trái với nguyên lý xây dựng nền bóng đá quốc gia.

Đây không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà là vấn đề chung của bóng đá thế giới. Giải vô địch quốc gia Đức, Bundesliga, đã cung cấp một thí dụ rất tốt về mối quan hệ giữa thành công ở câu lạc bộ và trách nhiệm xây dựng đội tuyển. Gần đây, ông Uli Hoeness, Chủ tịch của Bayern Munich, đã tuyên bố thẳng thắn: “Chúng ta hãy bớt đi những cuộc tìm kiếm ở Nam Mỹ. Hãy trở về châu Âu, trở về nước Đức, và tốt nhất là trở về bang Bayern”. Đội tuyển Đức ngày nay là một tập thể náo nức những tài năng nằm trong lứa tuổi 20 được yêu mến và hy vọng. Việt Nam ta có thể làm như thế không, như dốc sức tìm kiếm và trau dồi những cầu thủ như Quốc Phương ở Thanh Hóa?

Ngay từ cấp câu lạc bộ, đã thấy rằng vọng ngoại quá là không nên: Cầu thủ ngoại chỉ là yếu tố chứ không thể là nền tảng. Còn nếu xét theo yêu cầu của đội tuyển quốc gia, thì càng thấy hướng nội là quan trọng, quan trọng đến mức nó quyết định sinh mệnh của cả nền bóng đá. Cầu thủ ngoại có ý nghĩa tích cực nhất, khi nó tạo điều kiện, tạo môi trường cho sự phát triển của cầu thủ nội. Như chúng ta làm xuất khẩu, mời chuyện gia, kêu gọi đầu tư... nhưng cái đích cuối cùng là sự phồn vinh của đất nước mình, là no ấm của bà con mình.

V-League phụ thuộc thế nào vào cầu thủ ngoại?

Theo thống kê của VFF, số lượng cầu thủ không mang quốc tịch Việt Nam ở V-League chiếm tỷ lệ khoảng từ 16 đến 20% tổng số cầu thủ đăng ký thi đấu của các đội. Mặc dù ít về số lượng nhưng các cầu thủ ngoại lại là chủ nhân của gần 60% số bàn thắng đều đặn trong ba mùa gần đây.

Suốt chín năm qua, kể từ khi Hồ Văn Lợi của Cảng Sài Gòn lên ngôi với 9 bàn thắng ở mùa giải 2001-2002, không có thêm một cầu thủ Việt Nam nào giành danh hiệu Vua phá lưới V-League. Ba mùa liên tiếp gần đây, Gaston Merlo - chân sút người Argentina của SHB Đà Nẵng - gần như không có đối thủ trong cuộc đua trở thành chân sút xuất sắc nhất V-League.

Ngay cả khi không nhất thiết phải ghi bàn thì chỉ với những tiêu chí như cao to hơn, khỏe hơn, tranh bóng tốt hơn... các cầu thủ ngoại vẫn có thể dễ dàng kiếm được vị trí ở đội hình xuất phát, trong sự so sánh với mặt bằng chung của các cầu thủ nội.
Vũ Chí Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục