Tập đoàn cao su Đồng Tháp: Nơi các tài năng ra đi

14:58 Thứ hai 05/03/2012 | 1

“Đừng nói mình nghèo mà học giỏi, hãy trách tại sao mình học giỏi mà vẫn nghèo”. Câu nói cư dân mạng vẫn thường nói với nhau giờ đây có lẽ đúng với TĐCS Đồng Tháp hiện tại. Đội bóng xứ Bưng Biền luôn là nơi đào tạo ra các ra cầu thủ chất lượng nhất V-League. Thế nhưng, thực tế đáng buồn cho bóng đá Đồng Tháp, mỗi khi một cầu thủ nào đó nổi danh, họ lại đối diện với nguy cơ… chảy máu tài năng.

Khỏi phải nói thì ai cũng biết TĐCS Đồng Tháp vốn “nhà nghèo”, nhưng vì “học giỏi” nên đậu vào “trường chuyên” V-League. Trường chuyên chưa chắc đã giỏi hết. Có người đi lên bằng năng lực của mình nhưng cũng có kẻ bỏ tiền ra để có được cái danh vô thực đó. Học ở trường chuyên ấy, TĐCS ĐT phải bán những “đặc sản” quí giá nhất ở xứ miệt vườn cho các đại gia cũng chỉ để có đủ tiền ăn học.

Số tiền mà TĐCS Đồng Tháp hoạt động trong 1 năm chỉ vỏn vẹn 25 tỉ đồng (Tập đoàn Cao Su 10 tỉ, ngân sách tỉnh 10 tỉ, bán vé và quảng cáo 5 tỉ). Chừng ấy tiền chỉ đủ để một đại gia Hà Tĩnh làm đám cưới trong 2 ngày, chừng ấy tiền cũng chỉ đủ để hợp đồng cho Samson khi qua Hà Nội T&T từ TĐCS ĐT. Nên hàng loạt các cầu thủ trụ cột từ ngoại binh như Timothy, Samson, Aniekan, đến các cầu thủ cây nhà lá vườn như Việt Cường, Được Em, Văn Nghĩa, Duy Khanh, Tấn Trường, Văn Ngân,… đến cả HLV Phạm Công Lộc cũng phải lần lượt ra đi là điều dễ hiểu.

Ngọc đen tỏa sáng

TĐCS Đồng Tháp may mắn có được những viên ngọc đen vô cùng quí giá từ Nigieria. Phải nói rằng, thành công có được ngày hôm nay của TĐCS ĐT là nhờ vào đóng góp rất lớn ở các ngoại binh này.

Timothy giúp Đồng Tháp trở thành “chú ngựa ô V-Leauge” khi về đích ở vị trí thứ 5 mùa bóng 2009. Tuy nhiên, tiền đạo ngoại xuất sắc nhất mùa giải này đã không trụ lại với TĐCS ĐT được lâu, anh đã đến với Hòa Phát Hà Nội (nay là CLB bóng đá Hà Nội) một năm sau đó.

Timothy đi, mũi tên đen Samson bắt đầu công phá. Thậm chí anh còn chơi hay hơn người đồng hương, khi ghi được 13 bàn thắng ở 2 mùa giải lên tiếp 2009, 2010 và 17 bàn ở mùa giải 2011. Samson chứng tỏ phong độ ổn định và khả năng săn bàn của một “sát thủ”. Anh là niềm ao ước của không ít đội bóng lắm tiền nhiều của. Nhưng rồi khi thấy được giá trị thực của mình, Samson lại giống người đồng hương, dùng chiêu trò để tìm bến đỗ mới cho mình. Anh đã đầu quân cho HN.T&T.

Timothy, Samson, cùng hàng loạt những trụ cột khác ra đi, Felix Ajala xuất hiện giúp TĐCS Đồng Tháp vượt qua khó khăn, hiện tại anh đang dẫn đầu danh sách ghi bàn (7 bàn/ 7 trận) chứ không phải những hợp đồng đắt giá như Timothy, Samson. Với kĩ thuật cá nhân tốt, anh cho thấy khả năng săn bàn của một “sát thủ” hàng đầu. Bây giờ NHM bóng đá Đồng Tháp lại có lí do lo cho tương lai của Felix, bởi một bến đổ tốt hơn với Felix trong tương lai là điều không tránh khỏi. Như một sự mặc định.

Khi “lúa” có thương hiệu

Người Đồng Tháp tiếc nuối vì những ngoại binh lần lượt ra đi. Nhưng họ càng đau lòng hơn khi những cầu thủ từng gắn bó với TĐCS ĐT từ tuyến trẻ đến đội 1 giờ lại ra đi khi có chút thương hiệu.

Người ra đi sớm nhất có lẽ là Thanh Bình và Được Em. Cả 2 cầu thủ đều có trong danh sách ĐTQG. Những người đã nổi danh từ rất sớm từ lò đào tạo đội trẻ của TĐCS Đồng Tháp. Thanh Bình bộc lộ tài năng từ sớm, anh luôn là chân sút chủ lực của TĐCS ĐT từ 2003-2008. Đáng tiếc tiền đạo trẻ tuổi này lại lụi tàn quá sớm ở cái tuổi 25 khi từ bỏ Đồng Tháp và đầu quân cho ĐT LA.

Với Được Em lại khác, dù không nổi tiếng như người đồng hương ở tuyển Quốc gia nhưng anh lại rất có duyên với sân chơi V-Leauge. Đươc Em trở thành nhân tố không thể thiếu ở TĐCS Đồng Tháp, anh đã có 7 bàn thắng trong mùa giải 2010. Nhưng rồi, như một quy luật trớ trêu của tạo hóa mà NHM bóng đá Đồng Tháp chẳng ai muốn. Được Em lại ra đi. Cái tên đậm chất hai lúa ấy đã được Navibank Sài Gòn chiêu mộ. Anh đã chơi cực kì thăng hoa khi tái ngộ cùng người thầy cũ là HLV Phạm Công Lộc. Bóng đá nước nhà lại bất ngờ và thơm lây bởi siêu phẩm của Được Em trong trận đấu giữa N.Sài Gòn - Thanh Hóa hôm 25/2. Bất ngờ bởi lẽ cái “chân trái ma thuật” ấy lại tạo nên một kì tích chưa từng có ở Việt Nam. Bàn thắng từ pha đá phạt của Được Em được loạt vào top 10 pha ghi bàn đẹp nhất trong tuần của một website quốc tế. Thơm lây bởi bàn thắng ấy có thể sánh ngang với cái đánh gót điệu nghệ của CR7, cú đá phạt tinh quá của M10, cú cứa lòng đẹp mắt của Van Persie… Cả nước bất ngờ, nhưng NHM bóng đá Đồng Tháp thì vẫn xem đó là bình thường, bởi họ đã không ít lần chứng kiến cách Được Em ghi những bàn thắng đẹp mắt ở những tình huống cố định như thế. NHM bóng đá Đồng Tháp lại trách thầm “giá như đội bóng có đủ tiền để giữ chân Được Em”.

Ngay cả thủ môn Tấn Trường cũng phải dứt áo ra đi. Dù trước đó ban lãnh đạo đội bóng đã chi mạnh số tiền 5 tỉ mong giữ được tượng đài này. Anh đã được rất nhiều cổ động viên nhiệt thành yêu mến bởi đức tính chăm chỉ trong luyện tập và khả năng gác đền tuyệt vời. Khi Tấn Trường rời quê hương, chẳng ai trách móc, bởi họ hiểu nguyên do vì sao. NHM chỉ lặng thầm tiếc nuối và chúc cho anh tiếp tục thăng hoa ở CLB mới của mình. TĐCS Đồng Tháp lại mất đi một tài năng.

Có lẽ mất mát và đau lòng hơn cả với CS. ĐT là sự ra đi của thuyền trưởng đầy tài năng Phạm Công Lộc. Ông đã lèo lái con thuyền TĐCS Đồng Tháp đi đúng quỹ đạo thời hoàng kim của nó. Dù chưa vô địch, nhưng ông đã giúp đóng đá Đồng Tháp chơi thăng hoa. Vừa mới chuyển lên chơi ở giải vô địch quốc gia, TĐCS Đồng Tháp đã cán đích ở vị trí thứ 5 (2009), để rồi sau đó 1 năm lọt vào tốp 3 đội bóng hàng đầu V-Leauge. Đến mùa giải 2011, khi đã mất một nửa đội hình chính thức, ông Lộc lại giúp CS Đồng Tháp về đích ở vị trí thứ 5. Thành tích của ông đã làm thay đổi triết lí bóng đá dùng tiền để chiêu binh mãi mã của các đại gia lắm tiền nhiều của. Mùa giải 2012, Phạm Công Lộc đến N.Sài Gòn với hi vọng sẽ là một làn gió mới thay Mai Đức Chung. Dĩ nhiên với bản lĩnh, kinh nghiệm của mình, Phạm Công Lộc sẽ làm tốt vai trò ấy khi trong tay ông có đủ binh hùng tướng mạnh. Tạm biệt ông thầy chất phác, hi vọng một ngày ông sẽ trở lại phục vụ đội bóng quê hương.

NHM bóng đá Đồng tháp chẳng biết phải tự hào hay buồn tủi khi thỉnh thoảng lại gặp gà nhà đá gà nhà. Các cầu thủ đã từng trưởng thành từ TĐCS Đồng Tháp đang có mặt khắp các sân cỏ từ Nam chí Bắc.

Cứ mỗi năm một nửa đội hình ra đi, không biết còn bao lâu nữa thì người Đồng Tháp mới hết cảnh liệu cơm gấp mắm. Nhưng trước mắt, TĐCS Đồng Tháp vẫn còn đó các thế hệ tài năng. HLV Phạm Công Lộc đi, đã có Trang Văn Thành đầy hứa hẹn thay thế. Ngoại binh Timothy, Samson đi, còn có Felix đầy triển vọng. Các thế hệ đàn em đang dần khẳng định mình ở đấu trường danh giá. Thanh Hào tự tin thay đội trưởng Văn Ngân ở vị trí hậu vệ, thủ môn Bửu Ngọc chắc tay giữ đền thay người anh Tấn Trường. Bên cạnh còn rất nhiều cầu thủ được đôn lên từ tuyến trẻ, hứa hẹn một thế hệ đầy tài năng nữa của bóng đá Đồng Tháp.

Nhưng vẫn còn đó những hy vọng dù là mong manh, một ngày không xa, đội bóng ĐBSCL sẽ có tiền để giữ lại những tài năng.

(Bạn đọc: Thanh Tùng)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục