Tân quan, tân chính sách

15:12 Chủ nhật 07/04/2013

Đầu tuần nay, Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng có kỳ họp bất thường. Ông Trần Thọ, Phó Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân thay ông Nguyễn Bá Thanh khi ông ra làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương…

Chuyện Đà Nẵng

Dẫu là có sự chuẩn bị tâm thế, nhưng cảm nhận rất rõ, dư luận Đà Nẵng vẫn có gì đó hụt hẫng khi cuối cùng ông Thanh nói lời chia tay với người dân Đà Nẵng. Nói thế bởi từ nay, ông Thanh chỉ còn góp ý, tư vấn những gì liên quan đến Đà Nẵng, còn chịu trách nhiệm vẫn là những người kế nhiệm ông.

Rõ ràng, tân Chủ tịch Hội đồng nhân dân Đà Nẵng Trần Thọ, hoặc ông nào đó kế nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh ở vị trí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, sẽ phải chịu những áp lực nhất định. Cái bóng của ông Bá Thanh đã phủ một diện rộng ở thành phố bên sông Hàn. Điều đó là thực tế, nói lên sự đặc biệt trong lời nói, tính cách và những động thái của ông Nguyễn Bá Thanh.

Ông Nguyễn Bá Thanh từ chối ứng cử Chủ tịch VFF khiến nhiều người tiếc nuối. Ảnh: P.H

Sự kỳ vọng của người dân Đà Nẵng với những tân nhân sự cao cấp của thành phố Đà Nẵng là điều chính đáng. Có lẽ, trong thẳm sâu đáy lòng, họ muốn những lãnh đạo thành phố tiếp tục kế thừa những mặt tích cực mà ông Nguyễn Bá Thanh đã làm được cho Đà Nẵng.

Một địa phương, hay sở, ban, ngành nào đó, chỉ cần nhìn vào thủ lĩnh, nhất là tính cách, dư luận không khó hình dung ra diện mạo của tổ chức đó. Hay nói cách khác, tính cách của thủ lĩnh sẽ chi phối nhiều đến các chính sách để đưa chính sách đến sát sườn với dân hơn, có lợi cho dân cũng như địa phương hơn.

Người ta nói nhiều về Đà Nẵng, về cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh đối với thể thao và bóng đá nói riêng. Trên thực tế, bóng đá Đà Nẵng được nhờ do ông Thanh máu bóng đá. Hãy nhìn các tỉnh thành cả nước, bóng đá địa phương nào bết bát dứt khoát có bóng dáng của lãnh đạo nơi đó, không coi bóng đá cũng như là tài sản tinh thần vô giá của người dân. Khi bóng đá chuyên nghiệp ban tổ chức lẫn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không kiểm soát được dẫn đến loạn, càng khiến cho lãnh đạo các địa phương chán. Đấy cũng là một căn nguyên khiến cho nhiều địa phương bóng đá không có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý về mặt nhà nước. Nguy hiểm hơn, ở cấp vĩ mô, bóng đá cũng tồn tại như một thành trì riêng biệt.

Cho nên, việc người dân Đà Nẵng lo sau khi ông Thanh ra trung ương, cùng nhiều vấn đề khác, bóng đá thành phố Đà Nẵng sẽ không được chăm bẵm kỹ càng như trước đây. Thậm chí, nghi ngại bầu Hiển một ngày nào đó sẽ không còn sát cánh với đội bóng áo cam nữa. Thực tế, dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh còn lãnh đạo thành phố, đội bóng không thể phát triển kiểu khó kiểm soát. Thậm chí như mùa giải 2010, chứng kiến sự loạng choạng của SHB Đà Nẵng, ông Thanh đã dọa: “Loạng quạng tôi lấy lại đội bóng chừ”. Ai cũng biết nếu Đà Nẵng lấy lại đội bóng, bầu Hiển cũng khó bề hanh thông công việc kinh doanh ở thành phố lớn nhất miền Trung. Giờ đây, chỉ riêng trên khán đài A sân Chi Lăng thôi, nếu ông Nguyễn Bá Thanh không có mặt đã để lại một sự luyến nhớ mỗi khi SHB.ĐN thi đấu…

Câu chuyện bóng banh ở thành phố bên sông Hàn cũng nhiều đoạn trường, nhưng cuối cùng đã không cứng nhắc kiểu “riêng một góc trời” bao cấp, đã hợp tác với ông Đỗ Quang Hiển để thực tế là SHB.ĐN đang đi đúng hướng. Thể thao đỉnh cao Đà Nẵng đang phát triển đột biến về chất, cũng là kết quả chính sách không đầu tư kiểu dàn hàng ngang.

Còn nhớ SEA Games 2012 tại Indonesia, phải nói là vận động viên Đà Nẵng liên tục lập đại công, mang về những tấm huy chương danh giá ở nội dung Olympic như Hoàng Quý Phước (bơi), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ)… làm nức lòng người hâm mộ cả nước. Tại sao địa phương như Đà Nẵng làm được, mà ở tầm vĩ mô những nhà hoạch định thể thao cho đất nước lại không?

Cho nên, Đà Nẵng thời hậu ông Nguyễn Bá Thanh thế nào, đang là dấu hỏi mà thời gian mới trả lời được. Có lẽ cũng nhanh thôi, như một trận bóng đá, khán giả với hàng triệu con mắt sẽ nhận ra những gì diễn ra trên sân, dù là sân cỏ chính trường.

Và chuyện VFF

Những ngày này, cuộc chạy đua vào những vị trí chủ chốt của VFF nhiệm kỳ bảy đang sốt xình xịch. Dư luận cả nước thực sự khát khao làm sao xới tung cả nền bóng đá (và nhiều tổ chức khác) để tìm ra được một minh quân đích thực đủ năng lực lèo lái nền bóng đá đang quẩn quanh trong bãi “đá ngầm”. Không bất ngờ khi ông Nguyễn Bá Thanh được đề cử cho ghế chủ tịch VFF. Cũng không bất ngờ khi ông Thanh xin rút, để lại nhiều nuối tiếc cho những ai muốn thay đổi nền bóng đá theo hướng tích cực, trước hết ở vấn đề nhân sự.

Với bóng đá, nhu cầu có những tân quan, tân chính sách đang bức thiết hơn bao giờ hết. Nói thế bởi đã quá lâu, chúng ta đã quen với những cách làm cũ kỹ, con người cũ kỹ, phát ngôn cũ kỹ và cả tính cách cũng lối mòn.

Chỉ tìm ra được một ông chủ tịch VFF dám nói dám làm, hết mình vì nền bóng đá thì mới mong có đội ngũ ủy viên ban chấp hành VFF phải thay đổi. Thường trực VFF cũng phải làm mới mình bởi ông chủ tịch mà có uy viễn thì cấp dưới (cao nhất là tổng thư ký VFF) đương nhiên không dám “cà chớn”.

Tôi đi nhiều giám đốc sở mừng lắm”, ông Nguyễn Bá Thanh nói đùa nhưng đầy hàm ý bởi ông có thói quen “xoay” cho các thuộc cấp toát mồ hôi ở những kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố. Lại nhớ thời ông Mai Liêm Trực còn làm chủ tịch VFF đã cám cảnh: “Bên Bộ Bưu chính Viễn thông, tôi nói một tiếng cả nghìn người nghe, còn bên VFF nói ba ngày chẳng ai nghe”.

Chẳng lẽ VFF mãi là một thế giới riêng?
Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục