Phí Hữu Tình và những trận đấu “long trời lở đất”

17:05 Thứ tư 29/01/2014

Phí Hữu Tình nói vui, 25 năm lăn lộn trên các sới vật khắp đất nước là 25 năm anh…vật vã. Chừng ấy thời gian, qua hàng ngàn trận đấu, Phí Hữu Tình chỉ thua đúng 4 trận, đều là những trận “long trời lở đất”. Tình là một kỳ nhân làng vật, một hiện tượng đặc biệt. Cho đến bây giờ, khi nhắc đến Phí Hữu Tình, tất cả các đô vật đều thừa nhận: Tình là “thiên hạ đệ nhất làng vật - trạng vật xứ Đoài”.

Huy chương chất thành đống

Phí Hữu Tình chìa tay cho tôi bắt. Bàn tay rắn như đá, đầy nội lực, có cảm tưởng chỉ cần siết nhẹ viên gạch nung có thể vỡ đôi. Nhưng kỳ lạ, đôi bàn tay ấy rất ấm. Tôi tự hỏi: “Đã có bao nhiêu đô vật đã bị đôi bàn tay này bốc lên và xoay vòng vòng như người ta xoay một con nhái?”.

Phí Hữu Tình trông trẻ hơn tuổi 53 - cái tuổi nhiều vị đàn ông lo bụng bia, mỡ máu, gout… thì Tình vẫn giữ được phom người chắc nịch như một pho tượng, gần như không có một chút mỡ thừa. Thân hình hoàn hảo như được chạm khắc của Phí Hữu Tình đã từng khiến không biết bao nhiêu cô gái “bủn rủn”, “nổi gai ốc” khi anh cởi trần đóng khố se đài trên các sới vật ngày xuân.

HLV đội tuyển vật dự Olympic Moscow 1980, ông Nguyễn Đình Khinh nhận xét: “Tình có vóc dáng trời cho để làm VĐV đấu vật: Tầm thước, thân thuôn hình chữ V, cơ bắp cuồn cuộn, đôi chân rắn rỏi, cặp đùi săn chắc”. Thân hình của Phí Hữu Tình nổi tiếng đến nỗi khi đã thành “danh”, tức là vào đội tuyển quốc gia vật, muốn thi đấu “chui” ở các hội làng đã phải đổi tên là Nguyễn Trung Thành và lấy lý do “ghẻ lở” để khỏi cởi áo. Nhưng hội vật ngày xuân buộc phải cởi trần đóng khố, Tình dù lấy tên khác, “giả đò” vật ngu ngơ nhưng vẫn bị khán giả và BTC phát hiện bởi thân hình quá đặc biệt. Còn sau trận đấu, các cô gái làng kéo đến cấu vào da thịt anh xem “làm bằng gì” mà rắn chắc đến vậy.

Hình ảnh Phí Hữu Tình nâng bổng đô vật Nguyễn Văn Luận trong trận thư hùng cách đây 20 năm.

Từ khi còn là một cậu bé làng Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai - Hà Nội, Phí Hữu Tình đã nổi tiếng là người có sức vóc hơn người. Người làng Yên Nội kể rằng, Tình có thể kẹp hai càng chiếc xe bò mà nhấc cả xe cả lúa nặng hàng trăm cân từ bên này sang bên kia bờ mương.

“Vậy anh có nhớ được đã đoạt được bao nhiêu huy chương?”- tôi hỏi. Tình nói: “Chịu, không nhớ” rồi bảo tôi ngồi chờ. Tình vào trong nhà lúi húi một hồi rồi lôi ra một bịch tướng toàn… huy chương. Phải đến hàng trăm chiếc. Riêng Huân chương Lao động hạng 3, Tình cất riêng một góc tủ.

Ngày trước thì mình cũng treo đấy, nhưng lâu ngày dây treo mục mất, với lại mình cũng chẳng gặm nhấm quá khứ mãi được nên quyết định gom vào một cái túi để góc nhà”- Phí Hữu Tình nói.
15 năm vô địch quốc gia môn vật, 8 năm liền vô địch liên tiếp là những thành tích chưa nói hết tầm vóc của Phí Hữu Tình.

Năm 1980, Phí Hữu Tình khi đó tròn 20 tuổi dự Olympic Moscow. Tại đó, Tình đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử của môn vật Việt Nam khi có một trận thắng ở đấu trường Olympic - điều hơn 30 năm nay chưa đô vật Việt Nam nào làm được: Đó là chiến thắng trước đô vật người Cameroon - Victor Kede Manga. Trước trận đấu này, giới chuyên môn đánh giá: Giỏi lắm thì Tình trụ được vài phút. Điều bất ngờ đã xảy ra, với những miếng đòn “độc”, Phí Hữu Tình đã khiến Manga – nhà vô địch thế giới 10 năm liên tục chịu khuất phục với tỷ số thảm hại: 0-12.

“Lẽ ra mình có thể thắng tiếp đô vật người Hy Lạp nhưng nói thật, khi đó kinh nghiệm non quá" - Phí Hữu Tình nói trong nuối tiếc. Bức hình chiến thắng của Phí Hữu Tình được đăng trang trọng trên trang nhất bản tin Olympic sáng hôm sau. Tin vui bay về Việt Nam, cố Chủ tịch Nước Trường Chinh sau khi có lời khen ngợi Phí Hữu Tình đã gọi điện tới lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam yêu cầu rất ngắn gọn: “Phí Hữu Tình phải… cắt tóc”.

“Hồi đấy mình để tóc dài, không phải đua đòi gì đâu mà để che cái tai xoắn như dị tật. Tai xoắn là “bệnh nghề nghiệp” của các đô vật, đôi khi chỉ nhìn tai xoắn là có thể biết… đẳng cấp đô vật ấy thế nào. Phải… cắt tóc có thể là điều mà tôi… tiếc nhất khi dự Olympic”- Phí Hữu Tình cười khà khà như một nông dân chính hiệu.

Hơn mười năm “độc cô cầu bại”

Thành tích “một trận thắng” ở Olympic khiến tên tuổi Phí Hữu Tình nổi như sóng trong làng thể thao. Tiếng tăm lừng lẫy của Phí Hữu Tình khiến mỗi trận đấu mà anh tham dự khán giả ùn ùn kéo đến, họ bỏ cả việc đồng áng, thậm chí cơm đùm cơm nắm đi từ sáng sớm chỉ để được ngắm Phí Hữu Tình và những ngón đòn tuyệt chiêu của anh.

Trong lịch sử vật Việt Nam, có lẽ chỉ Phí Hữu Tình mới có thể khiến giải vật “vỡ sới” vì khán giả quá đông, không thể tổ chức được. Lần thứ nhất là năm 1978, Phí Hữu Tình - đô vật mới 18 tuổi đọ sức với tượng đài vật khi đó là Bùi Công Diễm. Sới vật ngoài trời ở Đông Anh nên bà con Quốc Oai đi bộ ùn ùn kéo đến, rồi người Đông Anh đến cổ vũ cho Bùi Công Diễm. Lực lượng bảo vệ bất lực trước hàng ngàn người tràn vào nơi thi đấu. Trận đấu bị hoãn từ sáng xuống chiều để vãn hồi trật tự. Trận đó Phí Hữu Tình quật đổ tượng đài Bùi Công Diễm để chính thức là ngôi sao sáng làng vật Việt.

Nhưng đối thủ lớn nhất trong đời đối với Phí Hữu Tình là đô vật Nguyễn Văn Luận của Bắc Giang. Năm 1988, tại sới vật Suối Hoa - Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), Phí Hữu Tình năm đó đã 28 tuổi gặp đô vật Nguyễn Văn Luận. Luận trẻ hơn Tình khoảng 10 tuổi và hơn thế, Nguyễn Văn Luận là đô vật cao to, nặng trên 70kg trong khi Phí Hữu Tình chỉ nặng 62kg.

“Thực ra là mình chủ quan, không đô vật nào có thể chấp đối thủ trên 10kg và cao hơn mình gần 20cm như thế - Phí Hữu Tình nhớ lại. Nhưng lúc ấy tôi gần như là bất khả chiến bại và trong 10 năm đấu vật chưa biết mùi thua trận”. Tình đã tính toán sai, Nguyễn Văn Luận cũng là một kỳ tài làng vật và hơn Tình mọi chỉ số, trừ tuổi tác. Lần đầu tiên trong đời, Phí Hữu Tình bị phạt nằm bò tới 3 lần và chịu thua điểm Luận. Ngoài thảm đấu, HLV Đình Khinh bàng hoàng đánh rơi cả sách bút, còn Tình thì gần như rơi vào trống rỗng.

“Sau trận thua ấy, tôi như trong mơ, gần như không biết gì tới mức khi về phòng nghỉ cứ phải tự cấu vào tay xem mình có tỉnh không. Hóa ra là mình thua thật. Trận thua kiểu “dế mèn trong Dế mèn phiêu lưu ký” đã cho tôi ngộ ra một điều: ở đời không thể chủ quan, khinh địch, thi đấu thể thao không thể vì thành tích mà nông nổi, ngông cuồng…” – Phí Hữu Tình nói.

Thật ra, trận thua ấy, Tình cũng không phục. Luận không thắng anh tuyệt đối mà có sự ưu ái của trọng tài dưới sức ép của khán giả. Lúc ấy, khán giả ủng hộ Luận - đô vật người Quế Võ, Bắc Ninh tới mức còn dùng cả gạch đá ném lên thảm đấu. Khi trọng tài tuyên bố Tình thua, cả trọng tài, VĐV, HLV chạy như ma đuổi ra khỏi đám đông đang hò hét vang trời…

Phục thù hoàn hảo

Trận thua đau ấy cũng là trận thua duy nhất của Phí Hữu Tình trước Nguyễn Văn Luận (sau này Luận thay Tình bá chủ thảm đấu vật quốc gia 5-6 năm liền). Sau thất bại tại Suối Hoa, chỉ 15 ngày sau, khi cả Tình và Luận được gọi vào đội tuyển quốc gia, họ phải đấu nội bộ với nhau để chọn ra người đi nước ngoài thi đấu. Trận đấu nội bộ ấy là cuộc trả thù của Phí Hữu Tình, Nguyễn Văn Luận thua trắng, phải gói đồ đạc rời đội tuyển còn Phí Hữu Tình đi… nước ngoài.

Nhưng cuộc phục thù hoàn hảo và gây tiếng vang nhất là trận đấu năm 1993, Phí Hữu Tình gặp lại Nguyễn Văn Luận. HLV Nguyễn Đình Khinh nhớ lại: “Khi đó, Tình đã qua đỉnh cao còn Luận là đô vật số 1 thời điểm ấy. Sở dĩ Phí Hữu Tình phải đánh bởi anh là niềm hy vọng cuối cùng của đoàn Hà Tây. Nếu Tình không đánh, Hà Tây trắng tay giải ấy. Vào trận, hai đô lồng tay tư, bất ngờ, Tình đánh miếng gồng, đưa Luận lên vai. Thân Luận dài thẳng đẵng trên vai Tình và chịu thua tuyệt đối. Đây là trận đấu bất ngờ nhất giải vì ai cũng tin Nguyễn Văn Luận chắc chắn có HCV. Khoảnh khắc đô vật lừng danh Nguyễn Văn Luận bị “trạng vật” Phí Hữu Tình đưa lên vai trở thành khoảnh khắc đẹp, như một ánh chớp của mùa giải năm ấy đã được một tay máy ghi lại.

“Luận là đối thủ lớn nhất của tôi trong suốt sự nghiệp dù sau này tôi có thua thêm 3 trận nữa nhưng do các hoàn cảnh khác nhau. Trận thua Luận năm 1988 là trận thua lịch sử và trận thắng Luận cũng là trận thắng lịch sử. Chỉ tiếc là 1 năm sau, năm 1994, Luận bị tai nạn gãy cổ khi đang luyện tập. Luận qua đời khi tuổi còn trẻ và đang sung sức, tôi và cả làng vật bàng hoàng…”.

“Làng vật nhiều niềm vui nhưng cũng chẳng thiếu chuyện buồn, vật vã mà - Phí Hữu Tình cười buồn. Luận mất đi, cho đến bây giờ gia đình Luận gần như bị quên lãng, không có chế độ gì. Chuyện Lê Thị Huệ may mà báo chí nhắc đến chứ nếu không thì…”.

Phí Hữu Tình cũng đã từng có thời gian bị cho là “bất mãn”. Cũng đúng thôi bởi chế độ đãi ngộ khi ấy hoàn toàn không xứng đáng với công sức, tài năng mà Phí Hữu Tình đã bỏ ra…

“Bây giờ tôi có hai niềm vui lớn. Thứ nhất là… câu cá. Tôi ngồi câu để tiếp tục rèn luyện, để thấy mình thảnh thơi. Thứ hai là đi qua mấy huyện xung quanh để chọn VĐV trẻ cho đội vật Hà Nội. Thì vẫn biết là vật đang… vật vã nhưng mình nhìn thấy nhiều tài năng lắm, bỏ đi thì tiếc. Mà vật là tinh hoa, là truyền thống, là tinh thần thượng võ của người dân Việt rồi”.

Và Phí Hữu Tình hẹn: “Ra Tết, làng Yên Nội, làng Olympic sẽ lại mở hội vật ngày xuân. Anh hãy về mà xem, sức sống của vật, trông thế thôi mà vẫn còn mạnh mẽ, trường tồn …”.

Hoàng Lâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục