Phải chăng huấn luyện viên ngoại không 'hợp đất' V-League?

22:04 Thứ sáu 18/03/2016

(TinTheThao.com.vn) - Trái với trên tuyển Quốc gia mấy năm nay vẫn tranh luận huấn luyện viên nội hay ngoại thì phù hợp dẫn dắt đội tuyển, các câu lạc bộ ở V-League từ lâu đã không còn chuộng người nước ngoài, năm 2016 này, tất cả các đội đều do huấn luyện viên nội dẫn dắt.

Các huấn luyện viên ngoại đến với các giải bóng đá của Việt Nam từ khá sớm, bắt đầu từ năm 1998 với Arcorsi dẫn dắt Công an Tp Hồ Chí Minh, và bùng nổ khi V-League ra đời. Thế nhưng, trong số vài chục người, chỉ có hai huấn luyện viên được gọi là thành công, Somgamsak của Hoàng Anh Gia Lai và Calisto của Gạch Đồng tâm Long An.

HLV Calisto khi còn ở Đồng Tâm Long An. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên ông Somgamsak không được đánh giá cao vì quan điểm của bầu Đức lúc đó là không cần huấn luyện viên giỏi, cứ mua ngôi sao về rồi động viên họ “chịu” đá là được. Chỉ có duy nhất Calisto xứng danh là “kiến trúc sư trưởng” cho thời cực thịnh của bóng đá Long An. Như vậy xem ra với số lượng khá đông đảo mà thành công chỉ được công nhận ở một người, thì có lẽ đúng là huấn luyện viên ngoại không hợp với V-League.

Thật ra, để chọn được một huấn luyện viên ngoại là rất khó khăn. Việt Nam nằm trong vùng trũng bóng đá Đông Nam Á, V-League bị chính người bản xứ kêu ca là chất lượng thấp, đầy bạo lực. Vậy thì một huấn luyện viên đã thành danh sẽ không bao giờ có ý định đến nước ta, vì họ sợ ở một nền bóng đá trình độ thấp, họ sẽ bị lụt nghề, hay đơn giản là “hỏng” lý lịch xin việc. Tuyển ngoại binh để thi đấu thì dễ hơn, vì chỉ cần họ to khỏe hơn cầu thủ Việt đã là một lợi thế lớn, nhưng tuyển huấn luyện viên thì không thể dựa vào ... thể lực được, chất lượng của họ phải là “thật”.

Các câu lạc bộ chỉ có thể đem tiền, thật nhiêu tiền để “chiêu mộ” những người có chuyên môn tốt về dẫn dắt đội bóng, nhưng trong thời buổi khó khăn hiện nay, tài chính không còn là câu chuyện dễ dàng. Ngay như ông Miura, không hề là một huấn luyện viên danh tiếng, nhưng mức lương của ông cũng ngang ngửa cầu thủ ngoại thuộc loại tốt ở V-League, mà đội tuyển chúng ta được ông ấy về phục vụ còn là nhờ “mai mối” của Liên đoàn bóng đá Nhật.

Cấp câu lạc bộ mà kiếm được một mối quan hệ như thế, để mà giới thiệu huấn luyện viên cho nhau là rất khó, hơn nữa với mức lương cao, họ thà đầu tư thêm vào cầu thủ ngoại để nâng cấp đội hình, còn người huấn luyện thì tính sau.

Lương HLV Miura ngang ngửa cầu thủ ngoại thuộc loại tốt ở V-League. Ảnh: Đình Viên.

Ngoài lý do tài chính, còn một vấn đề khác khiến “thầy ngoại” khó sống ở V-League, chính là các lãnh đạo CLB, các ông bầu. Các ông bầu của chúng ta đa phần rất mê bóng đá, vì thế họ thích làm luôn công tác chỉ đạo trong trận đấu, việc một ông bầu nào đó xuống ngồi hẳn trong cabin huấn luyện là điều rât thường thấy. Không một huấn luyện viên nào thích bị chỉ đạo về chuyên môn, nên việc xảy ra mâu thuẫn là điều bình thường.

Hơn nữa, tư duy “ăn xổi” là có, kiểu như “tôi đã trả lương cho anh cao như vậy, anh lại là người nước ngoài trình độ phải tốt hơn Việt Nam, anh phải có ngay thành tích cho tôi,” bất chấp những thực tế về tình hình lực lượng của CLB. Và khi đội bóng đá không được như ý thì trát sa thải tới ngay.

Việc V-League không có huấn luyện viên ngoại cũng không phải là một điều dở, vì như đã nói ở trên, sẽ rất khó để tìm kiếm một người thật sự chất lượng trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ có được người thường thường bậc trung, thì nên để cho huấn luyện viên nội phát triển thì hay hơn. Tuy nhiên, các CLB cũng không nên có quan niệm chỉ chú trọng đến chất lượng đội hình, còn việc huấn luyện thì chỉ cần chọn những người gần gũi với cầu thủ.

Trong tình hình bóng đá hiện đại thay đổi liên tục, tính chiến thuật lên ngôi ở cả những nền bóng đá vốn chuộng kỹ thuật, hay thể lực, có được một huấn luyện viên có đầy đủ kiến thức và tư duy mới trong bóng đá là rất cần thiết. Các CLB nên tạo điều kiện cho các huấn luyện viên, đặc biệt là những người trẻ, hoặc các cựu binh đang trong diện “quy hoạch” thành huấn luyện viên, được đi du học ở các nền bóng đá hiện đại, như sang châu Âu chẳng hạn. Nâng cấp chất lượng huấn luyện viên lên thì chúng ta mới thực sự có những giải pháp tốt cho tương lai.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

21:43 18/03/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục