Ông đồ già...

17:13 Thứ ba 10/07/2012

Mỗi khi nhớ về một hoài niệm xưa cũ với sự nuối tiếc lặng thầm, tôi luôn nhớ về bài thơ của Vũ Đình Liên, Ông Đồ. Cảm giác buồn tê tái nhưng lại thoảng qua như một cơn gió khiến tôi không thể không thổn thức. Ừ, vậy là một ông đồ nữa không còn theo mực bút nghiên. Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ...

1. Thi sĩ Vũ Đình Liên, tác giả của bài thơ "Ông Đồ" đã trở thành "nhà thơ một bài" trong lòng những người mê nghiệp viết lách. Với những người hay hoài niệm các giá trị xưa cũ, hẳn sẽ không thôi nao lòng mỗi khi lướt qua dòng thơ đầy tâm trạng ấy...
 

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...

Xin chữ những ông đồ vào ngày tết để trang hoàng khu thờ phượng là một nét văn hóa rất đẹp của người Việt. Nhưng rồi những xô bồ của cuộc sống đã phá hủy nét đẹp đó, và thay vào đó là những thứ trang trí phù phiếm sặc mùi tiền bạc. Những dòng chữ của ông đồ đã không còn thắm qua tờ giấy đào thơm mùi mực mới, chỉ còn đó là những ánh đén lấp lánh, hào nhoáng nhưng vô hồn bên trang thờ ngày tết...

"Ông đồ" khốn khổ vẫn phải làm lại từ đầu cái công việc mà ông bắt đầu từ... 10 năm trước...

2. Đã lâu lắm rồi cái thời mà người ta thấp thỏm chờ đợi một trận đấu đỉnh cao ở Champions League. Champions League hay bóng đá nói chung lúc này thật chán ngắt. Đã lâu lắm rồi cái thời Juventus chỉ có một mình Nedved là ngôi sao, Real là Zidane, Barca là Rivaldo, Arsenal là Bergkamp hay Liverpool là Owen. Đó đều là những kỉ niệm đẹp mà những người yêu bóng đá thực sự mới hiểu. Những cầu thủ đó là bản sắc, là trái tim, là khối óc và họ chiến đấu cho danh dự của đội bóng mình, không chỉ vì đồng lương hàng tháng.

Những người yêu bóng đá lúc này không thể biết được tính chất kinh điển của những trận đấu giữa Milan và Juve hay Real gặp Barcelona ngày đó. Khi các cầu thủ bước ra sân, người ta thấy được tinh thần chiến đấu cao ngút trời, không chỉ là những màn trình diễn vô hồn của núi tiền này với núi tiền kia.

Bóng đá thực sự đã mất đi cái hồn của nó chỉ vì đồng tiền, và sự can thiệp của thiết bị công nghệ lại càng giết chết đi cái tính phi duy lý đó của nó. Bóng đá có còn đúng bản chất của nó như cách đây hơn chục năm? Có lẽ là không còn như thế...

3. Henry tỏa sáng, Henry ra đi, Wenger thẫn thờ tìm người thay thế. Viera tỏa sáng, Viera đòi ra đi, Wenger lại phải bôn ba tìm người lấp chỗ trống đó. Rồi Ljungberg, rồi Pires, Hleb, Adebeyor, Flamini và cả một thế hệ vàng cùng các tài năng trẻ rủ nhau dứt áo, Wenger vẫn đứng đó cùng năm tháng, cùng nắng mưa.

Ông ở lại, ông bám trụ và ông thách thức lại thứ quyền lực ghê người của đồng tiền lạnh giá, song tất cả những thứ đó chỉ càng làm ông thêm mệt mỏi, thêm kiệt quệ và thiếu ý tưởng làm mới mình. Một cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa đồng tiền được ông phát động, song những kẻ hưởng ứng lại chính là kẻ thù của bóng đá: đồng tiền từ trên trời rơi xuống

Fabregas viện cớ hồi hương để nhận mức lương gấp đôi ở Emirates, Adebeyor là kẻ đầu tiên chạy thoát thân để kéo theo Nasri, Clichy và giờ đây sẽ là đội trưởng Van Persie của đội bóng. Wenger biết làm gì ngoài việc giơ hai tay kêu trời? Ông chẳng làm gì cả, ông đã quá chán nản trước việc hết năm này đến năm khác phải phản ứng với những kẻ lừa thầy phản bạn. Ông đồ cổ lổ sĩ ấy lại tiếp tục viết cho những cầu thủ trẻ của Arsenal khác một cuốn giáo án mới, đầy những tâm sự chất chứa trong lòng ông...

4. Bóng đá thế giới đang loạn lên vì đồng tiền được duyệt chi một cách vô tội vạ. "Kẻ thù của bóng đá" đương đại hẳn là Manchester City, nhưng đội bóng đó cũng chỉ học tập theo hai gã xài tiền "bạt mạng" khác là Chelsea và Real Madrid. Tiền cứ vung ra và giá trị thực sự của môn thể thao vua lại càng biến mất, khiến cho những bữa tiệc bóng đá bây giờ đã không còn vị như ngày xưa nữa. Những đồng tiền cứ vung ra và giá trị văn hóa của nhiều quốc gia ngày càng bị xói mòn và mờ nhạt đi một cách thảm não. Cứ cái đà này, mọi khoảng cách trên thế giới sẽ bị xóa nhòa và tất cả những sinh vật trên thế gian này chỉ còn so với nhau quá số lượng đồng bạc có trong túi...

Chẳng biết rồi thế giới bóng đá vốn quá nhiều nhiễu nhương này sẽ đi về đâu và cũng chẳng biết ông đồ già của sân Emirates sẽ tìm niềm vui của mình thế nào khi hè này, sân nhà của ông sẽ được trưng dụng cho kì Olympics...
 
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi bay...
Hoàng Thái | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục