Olympic và những cuộc tẩy chay

08:35 Thứ bảy 28/09/2013

Trong bối cảnh quan hệ hiện đang căng thẳng giữa Nga và Mỹ, một nghị sĩ Mỹ mới đây đã kêu gọi tẩy chay đại hội thể thao Olympic mùa Đông năm 2014, sẽ được tổ chức tại Sochi, Nga. Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp của Đức cũng đề nghị tẩy chay sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này để phản đối một đạo luật mới của Nga về đồng giới. Và họ đã có một bản kiến nghị trình Ủy ban Quốc tế Olympic (OIC) về vấn đề này.

Hình ảnh Olympic 1980 tại Liên Xô, sự kiện bị Mỹ tẩy chay.

Như vậy là càng gần đến thời điểm diễn ra Olympic Sochi (dự kiến vào tháng 2/2014), càng có nhiều tiếng nói đòi tẩy chay nó. Có nhiều lý do được đưa ra, nhưng về cơ bản vẫn là để phản đối một số chính sách của nước chủ nhà Nga.

Từ những cuộc tẩy chay trong lịch sử

Chiến dịch kêu gọi tẩy chay nói trên khiến người ta nhớ lại thời điểm trước khi diễn ra Olympic mùa hè ở Bắc Kinh hồi năm 2008, khi mà nhiều đại diện của các hội dân sự, được tiếp sức bởi các nhân vật chính trị, đã kêu gọi tẩy chay sự kiện thể thao này để nó không bị Trung Quốc sử dụng làm công cụ nhằm đánh bóng hình ảnh của mình. Như vậy, có thể thấy việc tẩy chay đã được ai đó xem như một thứ vũ khí chính trị, được một nhà nước hoặc một nhóm các nhà nước sử dụng, để chống lại nhau. Chẳng hạn, Liên Xô trước đây đã tẩy chay các đại hội thể thao Olympic cho đến năm 1952 bởi vì nước này không muốn tham gia một “sự kiện của giai cấp tư sản”. Hồi năm 1976, cũng có tới 25 quốc gia ở châu Phi từ chối tham dự đại hội thể thao Olympic ở Canada. Hay phương Tây tẩy chay Olympic ở Nga năm 1980.

Mẫu huy chương vàng Olympic Sochi 2014 được công bố tại St. Petersburg, Nga, ngày 30/5/2013.

Nhớ lại, khi Liên Xô trước đây đưa quân vào quốc gia láng giềng Afghanistan trước lễ Noel năm 1979, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã phải chịu vô số áp lực. Ở trong nước, chiến dịch vận động tái cử của ông khi đó cũng vừa bắt đầu, còn ở bên ngoài, những bước tiến mạnh mẽ của Liên Xô từ năm 1975 đang đe dọa thế cân bằng của cuộc Chiến tranh Lạnh. Và như giọt nước làm tràn ly, sự kiện Afghanistan đã buộc Carter phải hành động. Nhiều biện pháp trả đũa đã được thực hiện, trong đó có việc tẩy chay đại hội thể thao Olympic ở Mátxcơva, tổ chức vào mùa hè năm 1980, với hy vọng buộc Liên Xô phải ngừng hành động ở Afghanistan. Nhưng đòn tẩy chay này rõ ràng đã thất bại, vì Liên Xô vẫn ở lại Afghanistan cho đến năm 1989.

Có thể rút ra kết luận là việc tẩy chay các sự kiện thể thao luôn không mang lại những kết quả như mong muốn của người chủ xướng bởi vì họ đã đánh giá thấp sự độc lập về chính trị của đại hội thể thao Olympic. Các ủy ban quốc gia Olympic được ủy ban quốc tế Olympic ủng hộ đã không tuân theo những mệnh lệnh về chính trị của chính quốc gia mình. Bằng chứng là, mặc dù bị tẩy chay ở tầm quốc gia trong thế giới phương Tây, nhưng cuối cùng, nhiều đoàn thể thao phương Tây, trong đó có Anh, Pháp, Italy hay Australia..v.v.. vẫn tới Mátxcơva dự đại hội Olympic năm 1980, bất chấp những biện pháp răn đe của Mỹ. Và việc nhiều nước thuộc khối thân Liên Xô tẩy chay đại hội thể thao Olympic ở Los Angeles, Mỹ, hồi năm 1984, không có gì khác ngoài một câu trả lời giống như hồi năm 1980.

Tới tẩy chay kiểu mới

Giờ đây, việc tẩy chay đang có những cách thức khác. Tất nhiên, cuộc đua tài thể thao càng có tính đại chúng thì bức thông điệp về tẩy chay càng có hiệu quả. Nhưng trước sự phổ biến của các cuộc tranh tài thể thao lớn và những thách thức về kinh tế và chính trị to lớn của chúng, thì khả năng một chính phủ ngăn cản các vận động viên tham gia tranh tài thể thao trở nên cực kỳ khó khăn. Việc buộc các vận động viên bỏ lỡ sự kiện tranh tài trong cuộc đời của họ, nhân danh việc bảo vệ nhân quyền, hay gì gì đó, rất khó được chấp nhận. Cũng chính vì thế, mà ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Carter đã phải khó khăn lắm mới buộc được đoàn thể thao quốc gia Mỹ từ chối tới Liên Xô, còn Thủ tướng Vương quốc Anh khi đó là bà M. Thatcher đã không làm được như thế.

Có thể rút ra kết luận là việc tẩy chay các sự kiện thể thao luôn không mang lại những kết quả như mong muốn của người chủ xướng bởi vì họ đã đánh giá thấp sự độc lập về chính trị của đại hội thể thao Olympic.

Do không thể thực hiện các vụ tẩy chay lớn từ phía các vận động viên, gần đây, những người chủ trương tẩy chay đã chuyển hướng, quay sang các chính trị gia, để họ không tham dự các lễ khai mạc của những sự kiện thể thao mà họ tẩy chay. Chẳng hạn, nhiều nhân vật chính trị đã từ chối tham dự Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2012) để thể hiện sự phản đối chính phủ và hệ thống pháp lý của một trong hai nước đồng chủ nhà sự kiện thể thao này, là Ucraina. Nhưng chính việc làm này có thể gây tổn hại đến những lợi ích quốc gia tẩy chay, chứ không phải nước bị tẩy chay. Khác với sự kiện thể thao ở Ucraina, dù đã kêu gọi tẩy chay, song nhiều chính trị gia phương Tây vẫn có mặt trong lễ khai mạc đại hội thể thao Olympic ở Bắc Kinh năm 2008, bởi họ hiểu rằng nếu không tham gia, sẽ kéo theo những thiệt hại quá lớn về kinh tế và chính trị, nhất là liên quan đến những cường quốc như Trung Quốc hoặc Nga.

Chính vì thế, việc tẩy chay đại hội thể thao Olympic ở Sochi (Nga) đang được phương Tây cân nhắc kỹ lưỡng. Kinh nghiệm của Trung Quốc đã chứng tỏ rằng các đại hội thể thao không tự động được sử dụng làm chất xúc tác cho các cuộc cải cách cơ bản trong một chế độ. Năm năm sau đại hội thể thao Olympic ở Bắc Kinh, tình thế đối với Nga trước thềm đại hội thể thao ở Sochi năm 2014 được dự báo cũng sẽ như vậy, bởi vì thực tế và lịch sử đã mách bảo rằng việc sử dụng hành động tẩy chay làm vũ khí chính trị chưa bao giờ mang lại hiệu quả như người tẩy chay mong muốn, nhất là khi họ đương đầu với những quốc gia có nhiều tiềm năng.

Phạm Phú Phúc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục