Lược sử Đại hội thể thao bãi biển Châu Á

13:34 Thứ hai 19/10/2015

Đại hội thể thao bãi biển châu Á (Asian Beach Games) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, định kỳ 2 năm/lần, tới nay đã qua 4 kỳ rất thành công và ngày càng cho thấy ý nghĩa tốt đẹp cũng như giá trị của nó đối với các quốc gia có vinh dự được đăng cai Đại hội. Dưới đây là những dấu mốc đáng chú ý qua 4 kỳ ABG trước đây…

ABG1 – BALI (INDONESIA) 2008

Sau khi OCA công bố Bali sẽ là chủ nhà của ABG lần thứ 1 (18-26/10/2008), nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên vì “thiên đường du lịch” (cùng với nhiều tên gọi khác như “hòn đảo hòa bình” hay “hòn đảo của tình yêu”) này từng xảy ra 2 vụ đánh bom khủng bố vào các năm 2002 và 2005 do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành, làm chết và bị thương rất nhiều khách du lịch. Nhưng với sự cam kết đảm bảo an toàn của chính phủ Indonesia, OCA đã giữ nguyên quyết định, xem đấy như sự khẳng định: Sẽ không có sự phá hoại nào làm nhụt chí nhân loại yêu hòa bình.

ABG1 tổ chức 19 môn thi đấu, diễn ra tại 5 địa điểm, bao gồm 4 bãi biển trên địa bàn (Kuta, Nusa Dua, Sanur, Metasari) và đảo Serangan gần đó (tổ chức riêng môn đua thuyền). Có 1665 VĐV thuộc 41 đoàn tham dự.

19 môn của ABG1: thể dục thể hình, thuyền rồng, lướt sóng, bóng rổ, Kabaddi, Pencak Silat, bóng nước, vật, mô tô nước, dù lượn, bóng gỗ, cầu mây, bóng chuyền, bóng ném, bóng đá, bơi đường dài, 3 môn phối hợp, lướt ván buồm và đua thuyền.

10 đoàn dẫn đầu tổng sắp huy chương của ABG1: 1/ Indonesia (23V-8B-20Đ), 2/ Thái Lan (10-17-10), 3/ Trung Quốc (6-10-7), 4/ Hàn Quốc (4-7-10), 5/ Nhật Bản (3-3-3), 6/ Hong Kong (3-3-2), 7/ Ấn Độ (3-0-2), 8/ Việt Nam (2-5-3), 9/ Myanmar (2-3-0), 10/ Malaysia (2-2-6).
Đoàn TTVN có 57 VĐV, tham gia thi đấu ở 8 môn thể thao (Thể hình, Pencak Silat, Cầu mây, Bơi việt dã, Bóng ném, Bóng chuyền, Bóng đá và Lướt ván) và xuất sắc xếp hạng 8 của ĐH với 2 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ. Hai VĐV giành HCV là Nguyễn Văn Lâm (Thể hình, 65kg nam) và Lê Phi Nga (Pencak Silat, đối kháng 50kg nữ).

ABG2 – MUSCAT (OMAN) 2010

ABG2 diễn ra từ 8-16/12/2010 tại TP Muscat (Oman). So với kỳ đầu tiên, ABG2 có số đoàn tham gia đông hơn (43 thay vì 41), nhưng số môn thi đấu được điều chỉnh giảm còn 14 (thay vì 19) và số bộ huy chương cũng giảm còn 52 (thay vì 71). Tuy vậy, số VĐV tham dự cũng giảm xuống còn 1.131 người. Chỉ có 2 thành viên OCA không cử đại diện tham dự là Triều Tiên và Macau.

Các môn thi đấu gần như được tập trung tại 1 địa điểm – khu liên hợp mang tên “thành phố thể thao Al Musannah” nằm ngay cạnh bờ biển. Công trình được khánh thành ngay trước thời điểm khai mạc không lâu và được xem là một niềm tự hào mới của Muscat.

14 môn thi đấu: Bóng ném, Kabaddi, cầu mây, bóng đá, bóng chuyền, bóng nước, bóng gỗ, thể hình, mô tô nước, bơi đường dài, đua thuyền, 3 môn phối hợp, lướt ván và Tent Pegging (một trò chơi kết hợp cưỡi ngựa).

10 đoàn dẫn đầu: 1/ Thái Lan (15-10-12), 2/ Trung Quốc (12-6-5), 3/ Oman (5-1-6), 4/ Iraq (3-3-1), 5/ Indonesia (3-2-6), 6/ Ấn Độ (3-0-1), 7/ Kuwait (2-3-1), 8/ Hàn Quốc và UAE (2-3-0), 10/ Nhật Bản (2-1-3).

Đoàn VN tham dự với 48 VĐV ở 7 môn thể thao (Thể hình, Cầu mây, Bơi việt dã, Bóng ném, Bóng chuyền, Bóng đá và Bóng rổ). Tuy nhiên, chúng ta thi đấu không thật thành công, không giành được HCV nào, xếp thứ 14 chung cuộc với 5 HCB và 3 HCĐ.

ABG3 – HAIYANG (TRUNG QUỐC) 2012

Từ 16-22/6/2012, ABG3 đã giới thiệu một thành phố du lịch khác tới bạn bè thế giới: TP Haiyang, thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Đại hội vẫn có sự tham gia của 43 đoàn (trong tổng số 45 thành viên OCA), trong đó Triều Tiên tiếp tục vắng mặt cùng với sự rút lui của Myanmar (do đang chuẩn bị cao độ cho việc tổ chức SEA Games 27 năm 2013). Có 1336 VĐV dự tranh 49 nội dung ở 13 môn thi đấu.

Với lợi thế chủ nhà, lần đầu tiên đoàn Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu bảng tổng sắp, xếp trên Thái Lan (3 lần liên tiếp đứng trong nhóm 2 đoàn dẫn đầu). Một bất ngờ thú vị khi Afganistan lần đầu xuất hiện trong tốp 10 với 1 tấm HCV.

13 môn thi đấu: Bóng rổ (3x3), bóng ném, cầu mây, Kabaddi, bóng đá, bóng chuyền, bóng gỗ, thuyền rồng, dù lượn, trượt tốc độ, đua thuyền, leo núi thể thao và lướt ván.

10 đoàn dẫn đầu: 1/ Trung Quốc (14-10-12), 2/ Thái Lan (13-9-6), 3/ Hàn Quốc (6-7-10), 4/ Indonesia (6-6-4), 5/ Đài Loan (3-6-6), 6/ Ấn Độ (2-0-1), 7/ Iran (2-0-0), 8/ Nhật Bản (1-3-2), 9/ Afganistan và Qatar (1-0-0).

Đoàn VN tham dự với 91 VĐV ở 9 môn thi đấu (Cầu mây, Bóng gỗ, Bóng chuyền, Bóng ném, Bóng rổ, Bóng đá, Patin tốc độ, Leo núi thể thao và Thuyền rồng). Cũng như ở kỳ giải lần 2, đoàn TTVN thi đấu không thành công như trông đợi, không giành HCV nào và xếp thứ 12 với 2 HCB và 1 HCĐ.

ABG4 – PHUKET (THÁI LAN) 2014

Đây mới là lần đầu tiên, Thái Lan được đăng cai tổ chức ABG, nhưng trước đó đoàn thể thao xứ Chùa vàng đã sớm cho thấy thế mạnh đáng nể của mình khi luôn xếp nhất hoặc nhì 3 kỳ trước. Việc chọn hòn đảo du lịch nổi tiếng Phuket làm địa điểm tổ chức cũng nhằm quảng bá du lịch cho nơi từng phải hứng chịu cơn sóng thần khủng khiếp cách đây đúng 10 năm (2004).

Tham dự ABG4 có 2.335 VĐV thuộc 42 đoàn tranh tài ở 165 nội dung thuộc 26 môn thể thao. Như vậy, đây là kỳ ABG có số lượng VĐV, số bộ huy chương cũng như số môn thi đấu cao kỷ lục (riêng số môn thi gấp đôi so với ABG3). 3 đoàn vắng mặt là Triều Tiên, Saudi Arabia và Palestine. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đoàn chủ nhà Thái Lan thể hiện sự vượt trội của mình trên bảng tổng sắp huy chương.

6 địa điểm tổ chức gồm các bãi biển du lịch: Patong, Karon, Naiyang, Bangneow Dam, Chaofa và Saphan Hin.

26 môn thi đấu: Bóng rổ, Air Sports, thể thao dưới nước, điền kinh, Flag Football, bóng ném, Kabaddi, Kurash, Sambo, cầu mây, bóng đá, bóng chuyền, bóng gỗ, vật, thể hình, thể thao mạo hiểm, bóng chuyền chân, mô tô nước, Ju Jitsu, 5 môn phối hợp hiện đại, Muay, bi sắt, đua thuyền, Squash, 3 môn phối hợp truyền thống, lướt ván.

10 đoàn dẫn đầu: 1/ Thái Lan (56-37-33), 2/ Trung Quốc (16-11-21), 3/ Iran (9-15-7), 4/ Hàn Quốc (9-14-14), 5/ Việt Nam (8-12-20), 6/ Kazakhstan (8-9-10), 7/ Indonesia (7-7-14), 8/ Nhật Bản (7-5-7), 9/ Mông Cổ (6-0-4), 10/ Bahrain (5-2-0).

Đoàn Việt Nam lần này đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc khi lần đầu góp mặt trong tốp 5 đoàn dẫn đầu với 8 HCV (! – cần nhắc lại rằng 2 kỳ liên tiếp trước đó, chúng ta đều không giành được HCV nào). Với quyết tâm tạo bước đột phá về chuyên môn ở ABG4, đoàn TTVN tham dự với 148 VĐV ở 18 môn thể thao: Air Sports, Điền kinh, Bóng ném, Cầu mây, Bóng đá, Bóng chuyền, Vật, Thể hình, Thể thao mạo hiểm, Bóng chuyền chân, Ju-Jitsu, Kurash, Bơi việt dã, Muay Thái, Bi sắt, 3 môn phối hợp, Lướt ván, Bóng gỗ.

8 HCV của đoàn TTVN: Nguyễn Hải Âu (Thể hình), Sê Pha (Thể hình); Văn Ngọc Tú (Kurash), Nguyễn Trần Duy Nhất, Bùi Yến Ly (Muay Thái), Đồng đội nam bi sắt, Đôi nam – nữ bi sắt; Đồng đội nữ bóng gỗ.

Hà Bình | 10:24 19/10/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục