Nhìn bạo lực châu Á ngẫm bóng đá Việt Nam

05:22 Thứ bảy 02/12/2023

TinTheThao.com.vnNhững cuộc hỗn chiến ở bóng đá châu Á xảy ra thời gian gần đây là lời cảnh báo đanh thép mà bóng đá Việt Nam cần tránh trong tương lai sắp tới.

Nhìn bạo lực châu Á...

Bóng đá châu Á những ngày qua đang xôn xao với vụ bạo loạn xảy ra trong màn đối đầu giữa Zhejiang và Buriram United ở lượt trận thứ 5 bảng H, AFC Champions League. Đó là màn đọ sức mà sau khi tiếng còi mãn cuộc của trọng tài vang lên, các cầu thủ đã lao vào nhau quyết liệt. Mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó khi nhân tố bên phía đại diện Thái Lan là ngoại binh Ramil Sheydayev còn lên mạng xã hội và buông thời thách thức: "Tôi vẫn đang ở đây, cho xin cái địa chỉ". Vụ xung đột được báo chí Trung Quốc mô tả ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn đến ảnh hưởng đến tín mạng con người.

Đây không phải là lần đầu tiên trong thời gian gần đây, những vụ xô xát xảy ra với mức độ nghiêm trọng trong một trận đấu bóng đá. Còn nhớ, ở trận chung kết SEA Games 32, các cầu thủ của BHL U23 Indonesia và Thái Lan cũng dùng kungfu để lao vào nhau. Vụ việc khiến các thành viên cả 2 đội bị Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) phạt nặng. Đáng bàn hơn, nó trở thành một vết nhơ lớn của Đại hội Thể thao ĐNÁ.

Nhìn bạo lực châu Á ngẫm bóng đá Việt Nam - Bóng Đá

Cầu thủ Zhejiang và Buriram United xảy ra xô xát vào ngày 29/11.

Trước đó, vào ngày 01/10/2022, tại xứ sở vạn đảo, cũng trong một trận đấu bóng đá tại giải VĐQG Indonesia, bạo loạn đã xảy ra khiến hơn 125 người phải thiệt mạng do giẫm đạp lên nhau sau trận đấu giữa Arema và Persebaya Surabaya. Đó thật sự là một thảm kịch kinh hoàng của làng túc cầu giáo. Rõ ràng, với môn thể thao vua, việc gây bạo lực với những sự cố đáng tiếc là sự việc đáng buồn và rất đáng lên án.

...ngẫm bóng đá Việt Nam

Tại Việt Nam, những hành vi bạo lực đôi khi vẫn hay xảy ra trên các sân cỏ V-League. Có thể kể đến pha vào bóng thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng vào ngày 23/03/2021 tại vòng 5 V-League. Tình huống trên khiến ngôi sao sinh năm 1993 phải mất hơn 8 tháng rời xa sân cỏ.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, trọng tài vẫn được xem là tâm điểm của sự chỉ trích với các hành vi không đẹp từ các cầu thủ. Đáng kể nhất có thể kể đến trường hợp cầu thủ Ngô Anh Vũ đã "xâm phạm thân thể" trọng tài Trần Ngọc Nhớ trong trận tranh suất lên hạng ở Giải hạng nhì 2022 giữa Bình Thuận và Hải Phòng. Hay trường hợp CĐV Trần Tiến Dũng của Hải Phòng nhổ nước bọt vào mặt ông vua áo đen Hoàng Ngọc Hà tại V-League 2022.

Nhìn bạo lực châu Á ngẫm bóng đá Việt Nam - Bóng Đá

NHM hy vọng V-League 2023/2024 sẽ diễn ra êm ả. Ảnh: VPF.

Trên bình diện ĐTQG, Đoàn Văn Hậu có lẽ là cái tên được dư luận ĐNÁ chú ý nhất với các pha bóng có phần tương đối quyết liệt trên mức cần thiết với cầu thủ Indonesia hay Malaysia ở các cuộc đối đầu trong những năm qua. Tuy vậy, nó cũng không gây ra những sự cố đáng tiếc nào.

Nhìn chung, hành vi có phần bạo lực trên sân cỏ Việt Nam vẫn hay diễn ra nhưng ở mức đơn lẻ và chưa quá nghiêm trọng. Tuy vậy, nó cũng cho thấy những cái đầu nóng luôn xuất hiện trên sân trong các cuộc tranh tài. Dẫu sao, sự việc xảy ra ở các nền bóng đá khác tại châu Á cũng là bài học cảnh tỉnh với môn thể thao vua tại dải đất hình chữ S cho việc xây dựng một môi trường bóng đá thân thiện, tôn vinh tinh thần Fair Play để sự cố đáng tiếc sẽ mãi không xảy ra.

Danh Nguyễn | 04:52 02/12/2023
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục