Người phụ nữ Việt bán Som Tum cay sộc óc ở Bangkok

15:53 Thứ năm 22/11/2012

Cũng vì tưởng mình sẽ ở cái ngõ nhỏ U-Chalerm của Bangkok cho đến hết AFF Cup nên tôi không vội hỏi tên cô sau bữa ăn. Tiếc thay, khi ngồi viết bài viết này, tôi đã phải chuyển khách sạn và không biết còn có dịp quay lại tìm cô.

1. Chúng tôi chọn một quán ăn nhỏ ở cuối một con ngõ có tên là U-Chalerm để ăn bữa tối muộn, đầu tiên trên đất Thái. Quán toàn món ăn Thái, sực cay và lạ. Tôi vốn là kẻ háo rau, nhìn thực đơn thấy toàn chữ Thái uốn lượn mà tù mù. Bất lực chuyển qua nhìn ảnh, cứ cái ảnh nào có nhiều rau là chỉ tay và “ok!?”.

Rõ ràng nhìn ảnh, có một loại rau giống hệt rau muống. Thế nhưng đến khi cô nhân viên nhà hàng bưng ra chợt ngã ngửa, trách vui mình vì cái cái sự nhầm nhọt: “Trời ơi! mình cứ tưởng rau muống, hóa ra rau rút”.

Cô nhân viên nhà hàng vừa bưng đĩa rau ra, thấy tôi than thì che miệng cười và nói: “Rau muống. Việt Nam”.

“Cô là người Việt Nam à?” – Tôi với hỏi theo khi cô rời bàn.

Còn nhiều người Việt trên đất Thái để tôi đi tìm gặp

2. Chính xác, cô là người Hương Khê, Hà Tĩnh. Cô có khuôn mặt hiền đến hiền. Trên khuôn mặt hiền lại hiện lên những đường khoắc khoải như bể chiều hôm nối sóng.

Ở một góc nhà hàng, cô kể với tôi rằng, cô qua Thái Lan theo người em trai đến nay chưa tròn 1 tháng. Xa xứ hữu hạn ngày về, nhớ nhà lắm! Thôi thì vì hoàn cảnh phải nuôi hai đứa con ăn học (một học năm cuối ĐH Vinh, một học lớp 11), cô cố gồng thân cò đi đón cơn mưa.

Cũng vì nhớ nhà, bất ngờ gặp giọng đồng hương trên đất khách, cô mừng ơi là mừng! Suốt bữa ăn hôm đó, cô chỉ chăm chăm để ý tới bàn chúng tôi, như thể khách trong nhà hàng đã về hết, chỉ còn có bàn đồng hương phải phục vụ.

Đến gần cuối bữa ăn, một anh đồng nghiệp gọi thêm hai đĩa Som Tum nhờ cô bưng ra.

3. Ở Việt Nam gọi nó là gỏi cũng được, là nộm cũng xong nhưng ở Thái Lan theo tiếng bản địa nó còn tên là Som Tum (đọc theo tiếng Việt là “Sâm tầm” hay “Sâm tằm” gì đó), đôi khi nghe không rõ, lại ngỡ gỏi/nộm Sâm Cầm – một loài giống vịt trời đã rời bỏ hồ Tây để đi vào… ca từ nhạc Trịnh.

Thực tình, món Som Tum này còn chẳng có nổi bóng dáng một miếng thịt của những loài phổ biến, nói gì tới loài Sâm Cầm đã đỏ một cuốn sách cùng tên. Nó chủ yếu chỉ là những sợi đu đủ xanh tẩm trộn ớt, cay sực lên tận óc. Ai mà đói, ăn vào xót ruột phải biết.

Món này thấy bảo đặc trưng của người Thái, bữa ăn thường nhật không thể thiếu. Các đồng nghiệp có nhiều dịp sang xứ Chùa Vàng chẳng lạ, nhưng với những người lạ lần đầu tới nơi này như tôi, tất nhiên, các anh phải hãnh diện chỉ dậy: “Sang đây, không ăn thứ này, coi như mày vẫn ở nhà!”

4. Không biết có phải vì sợ mình “vẫn ở nhà” hay không mà cánh trẻ như tôi ngồi cùng bàn, ăn Som Tum nhiệt tình tới… nhiệt cả miệng.

Bấy giờ ở bàn bên, cô "Hương Khê, Hà Tĩnh" tranh thủ lúc thảnh thơi mới được nhà hàng cho ăn tối. Suất ăn của cô cũng có Som Tum. Nhưng…

Cô không ăn, cô bưng qua bàn chúng tôi, tươi cười đặt xuống. “Đĩa này nhà hàng khuyến mại, các cháu ăn thêm, không lo tính tiền” – Cô nói khi nhác thấy vài ánh mắt ngạc nhiên.

Riêng tôi, tôi không ngạc nhiên, bởi đĩa Som Tum cô vừa nhường lại cho chúng tôi đượm vị san sẻ quá, đượm tình đồng hương quá. Nó cho tôi cảm giác nồng ấm, cho tôi cảm giác không biết ngại nếu bị chê là “vẫn ở nhà”.

Hạnh phúc lắm chứ! Đã đi xa vạn dặm vẫn như đang ở nhà!
Hà Thành | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục