Lăng kính: Thủ môn - "Áo gấm đi đêm"

13:35 Thứ năm 24/05/2012

Một cầu thủ luôn đứng cuối cùng trong đội hình, chốt chặn quyết định thắng thua, thậm chí có lúc được coi là 50% của một đội bóng, lại thường ít được tôn vinh nhất.

Dino Zoff

1. Bóng đá thế giới, sau bao nhiêu năm lịch sử, đã tự xây dựng và phá bỏ rất nhiều nguyên tắc của chính nó. Một trong số đó là thể hình cầu thủ. Một tiền đạo xuất sắc của Anh như Defoe, một hậu vệ thủ lĩnh của người Đức như Lahm hay cầu thủ xuất sắc nhất thế giới Messi đều chỉ cao có 1m69. Những sơ đồ chiến thuật đã uyển chuyển hơn, lối chơi đã linh động hơn, và những chàng khổng lồ có khả năng đón bóng dài hay xô ngã đối phương không còn là lựa chọn được ưu tiên.

Nhưng quan điểm ấy gần như không thay đổi với một vị trí: Thủ môn. Chiều cao trung bình của các thủ môn số một tại Premiership hiện tại là 1m92. Con số này ở La Liga thấp hơn một chút, 1m87. Thủ môn buộc phải cao to.

Những tín đồ âm nhạc sẽ phải thầm biết ơn quan điểm “thủ môn phải cao to”. Nick Byrne, anh cả của nhóm Westlife từng làm mưa làm gió thị trường châu Á thập kỷ trước, đã bị loại khỏi đội trẻ Leeds vì quá thấp bé, dù anh là thành viên của đội hình vô địch FA Cup lứa trẻ năm 1997.
Vấn đề chắc chắn nằm ở hệ thống đào tạo. Barca hay Arsenal có thể tự hào vì họ không áp đặt chỉ tiêu thể hình trong tuyển trạch cho bất kỳ vị trí nào, chứ không thể là thủ môn. Lý do? Rất đơn giản, đó là một vị trí mà đặc thù thi đấu thay đổi rất ít trong suốt lịch sử phát triển của bóng đá.

2. Hai thay đổi lớn nhất của vị trí thủ môn kể từ khi môn bóng đá ra đời, là việc chỉ được phép sử dụng tay trong vòng cấm địa (1912) và không được bắt bóng khi đồng đội chuyền về (1992). Thay đổi luật thứ hai này tạo ra một thế hệ thủ môn có khả năng kiểm soát bóng bằng chân tốt, nhưng cũng không đáng kể: những thủ môn thích chơi bóng bằng chân, như Barthez hay Higuita, vẫn thường xuyên phải trả giá cho sự chủ quan. Họ được khuyên chỉ làm những động tác cơ bản nhất.

Bóng đá đã thay đổi đến mức một tiền đạo có thể được ngợi ca dù anh ta không ghi bàn (như Fernando Torres, “chim mồi” của đội tuyển Tây Ban Nha ở EURO 2008), một tiền vệ có thể “không chuyền nổi trái bóng quá 3 mét một cách chính xác” (như Makelele), một trung vệ cao hơn 1m7 chút đỉnh (như Cordoba hay Cannavaro). Nhưng thủ môn thì vẫn phải cao to từ… tấm bé, vẫn chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bắt bóng: bóng cao, bóng sệt, sút ngoài vòng cấm, sút cận thành, căng ngang, quỹ đạo thẳng, quỹ đạo hình vòng cung… Gì cũng phải đối phó.

Như thế đã đủ để coi thủ môn là vị trí khó đảm nhận nhất trên sân? Liệu có ai mang thuốc chữa bệnh còi xương đến cho một chú nhóc cao 1m69 vì chú ta có đôi bàn tay nhanh nhẹn, như người ta đã làm với Messi?

3. Thủ môn là vị trí khó đảm nhận nhất, nhưng lại mang trách nhiệm nặng nề nhất. Sai lầm của họ thường tạo ra hậu quả nghiêm trọng nhất, so với một đường chuyền hỏng hay một cú sút lên trời của những cầu thủ tuyến trên.

Công sức của họ cũng không nổi bật bằng các vị trí khác. Rất ít khi họ nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu (trừ Kahn của Đức tại World Cup 2002), rất ít khi họ nhận giá chuyển nhượng quá 20 triệu euro. Và để chốt lại cho sự “chịu thương chịu khó” của thủ môn, cần phải nhớ rằng do thi đấu dưới một nhãn quan chiến thuật đặc thù, sự nghiệp HLV của họ sau này cũng không mở rộng. Dino Zoff là một trường hợp thành công vô cùng hiếm hoi.

Hy vọng rằng mùa EURO 2012, sẽ có nhiều người nhớ đến những điều này mà rộng lượng hơn với những người “gác đền”.

Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục