Khi châu Âu toàn những “độc tôn”

14:58 Thứ hai 08/04/2013

Bayern Munich đã đăng quang chức vô địch Bundesliga sớm sáu vòng khi hơn Borrussia Dortmund tới tận 20 điểm. Tại Premier League, Manchester United cũng sắp nối bước Bayern, bởi nếu có thua Manchester City trong trận derby đêm mai thì họ cũng vẫn hơn đối phương đến 12 điểm, trong khi mùa giải chỉ còn lại bảy vòng. Tại La Liga, Barcelona vẫn hơn Real Madrid 13 điểm trước tám vòng cuối cùng. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Serie A và Ligue 1, nơi Juventus và Paris St Germain cũng đang bỏ xa đối thủ với khoảng cách hết sức an toàn.

Niềm vui của HLV Heynckes và các cầu thủ Bayern khi giành chức vô địch Đức trước 6 vòng đấu. Ảnh: Reuters

Trong vòng hơn mười năm trở lại đây, thật hiếm có một mùa giải nào mà cuộc đua nước rút ở các giải vô địch hàng đầu châu Âu lại đồng loạt nhàm chán đến như vậy, khi có một đội bóng giành thế độc tôn gần như là tuyệt đối. Sự vượt trội đó còn được thể hiện qua việc cả năm đội đầu bảng kể trên cũng đều lọt vào vòng tứ kết Champions League, giải đấu nguyên trước đây chỉ dành riêng cho các nhà vô địch quốc gia.

Chính vì thế, những gì đang diễn ra đã xới lại một vấn đề từng được bàn cãi rất nhiều là liệu mô hình Champions League như hiện nay có tối ưu hay không? Những người phản đối cho rằng sự xuất hiện của các đội không phải là vô địch quốc gia ít nhiều đã làm giảm giá trị cũng như ý nghĩa của giải đấu. Lịch sử Champions League cũng đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đội lên ngôi vô địch giải này thậm chí không lọt vào tốp bốn đội hàng đầu ở giải vô địch quốc gia của mình năm đó, điển hình là trường hợp của Chelsea mùa trước.

Khi ấy, Chelsea lần đầu lên ngôi ở Champions League, song lại chỉ xếp thứ sáu ở Premier League mà thôi. Và sang tới mùa giải này, Chelsea đã trở thành nhà đương kim vô địch đầu tiên không vượt qua được vòng đấu bảng. Và tại Premier League, đội bóng thành London cũng đang đứng trước nguy cơ tiếp tục không lọt vào tốp bốn, nghĩa là có thể sẽ không được dự Champions League mùa tới. Như thế, một nhà vô địch như Chelsea rõ ràng đã làm giảm giá trị của Champions League.

Tuy vậy, trước khi phản bác mô hình Champions League như hiện nay thì cũng cần phải truy nguyên về những động cơ thúc đẩy sự ra đời của nó. Yếu tố thương mại, mà cụ thể tiền bạc luôn được nhắc tới như là một nguyên nhân hàng đầu, bởi trong kỷ nguyên mà truyền hình bùng nổ thì khán giả có nhu cầu được thưởng thức thật nhiều những trận đấu giữa các đội bóng lớn. Một giải đấu quy tụ các đại gia cũng là đòi hỏi của các câu lạc bộ, muốn đảm bảo duy trì một nguồn tài chính ổn định mùa này qua mùa khác. UEFA buộc phải chiều lòng các câu lạc bộ hùng mạnh để cải tiến cúp C1 thành Champions League, bởi nếu không thì các đại gia cũng sẽ ly khai để thành lập giải đấu riêng (từng có đề án Super League trước khi Champions League được mở rộng).

Như thế, có thể coi sự ra đời của Champions League là một tất yếu và việc lấy trường hợp của Chelsea để nói rằng giải đấu này bị giảm giá trị e rằng không hợp lý cho lắm. Bởi trước khi sa sút như hiện nay thì chỉ vài mùa trước, Chelsea luôn là một trong những đội xứng đáng nhất để giành chức vô địch, lần sảy chân của họ ở các năm 2005, 2008, 2009 thật ra cũng chỉ là do thiếu may mắn mà thôi.

Hơn nữa, dù cho Man City bị M.U bỏ xa tới 15 điểm thì người ta vẫn muốn nhìn thấy họ có mặt ở Champions League, hơn là những nhà vô địch Síp hay Azerbaijan. Hay như trường hợp của Real Madrid, họ đang kém Barca tới 12 điểm, song nếu như thầy trò Jose Mourinho đăng quang Champions League mùa này thì có ai dám nói chức vô địch đó là không xứng đáng?
Nhật Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục