Đối thủ của SHB. Đà Nẵng là... chính họ

13:55 Thứ ba 17/04/2012

SHB.ĐN là đối thủ mà đội bóng nào cũng ngán ngại trên đường đua vô địch V-League 2012. Vậy nhưng, khán giả bên sông Hàn thì vẫn chưa thể yên tâm, thậm chí thon thót cho đội bóng áo cam bởi nhiều lý do.

Trong hành trình thâu tóm 2 danh hiệu cao quý nhất ở sân chơi quốc nội vào năm 2009, ngoại trừ những yếu tố về việc SHB.ĐN sở hữu dàn cầu thủ đạt độ chín, một nhân tố kiên quyết chính là sự quan tâm của bầu Hiển và lãnh đạo Đà Nẵng. Không khi nào ông chủ họ Đỗ tỏ ra thiếu quan tâm về mặt tinh thần, lẫn tài chính cho đội bóng sông Hàn. Năm đó, ông bơm tiền tối đa cho đội chủ sân Chi Lăng. Phía lãnh đạo Đà Nẵng cũng dốc hết tâm lực. Cơn khát vàng vắt dài đến 17 năm đã lên đến đỉnh điểm, nên ngay cả cầu thủ cũng đam mê với giấc mộng vàng. Cũng phải nói may mắn của SHB.ĐN năm đó là việc HN.T&T lao dốc từ sớm. Năm đầu chơi ở chuyên nghiệp, lại mới tiếp nhận bóng đá Đà Nẵng, nên bầu Hiển cần phải có cái danh để thể hiện với thiên hạ. Khi đứa con ruột là HN.T&T hết cửa vô địch, bầu Hiển buộc phải cưng chiều con nuôi là chuyện dễ hiểu.

Nếu SHB.ĐN thật sự tập trung và cố gắng thì đội bóng sông Hàn hoàn toàn có thể tranh chấp sòng phẳng danh hiệu quán quân V-League với bất cứ đối thủ nào. Ảnh: V.V

Trong 3 mùa giải trở lại đây, khi HN.T&T đã đủ lớn thì sự quan tâm của ông bầu đất Bắc cho SHB.ĐN đã không còn quá nhiều như trước. Quỹ chuyển nhượng của SHB.ĐN thua xa HN.T&T. 3 mùa qua, không có cầu thủ nào có chất đến Chi Lăng. Thay vào đó toàn là “hàng” làng nhàng. Nhìn so sánh lực lượng mùa 2009, đội bóng sông Hàn không thể sánh bằng. Ở vị trí trung vệ hay hậu vệ biên, những cái tên mới đều chưa so được với vài năm trước. Những tân binh mới về, kể cả ngoại binh chỉ chơi tròn vai hoặc không đáp ứng được yêu cầu bổ sung lực lượng. Trong 2 năm vừa qua, SHB.ĐN cũng không còn có được cái “duyên” trong việc mua sắm ngoại binh.

Ngay tiền vệ dày dặn kinh nghiệm Minh Phương có dấu hiệu tuổi tác hạn chế đi rất nhiều sự bùng nổ. Hàng tấn công dựa hẳn vào Gaston Merlo, trong khi Prent, Nikolche, Nicolas đều không phải “sát thủ” đích thực. Dĩ nhiên, quỹ thưởng cũng hạn chế. Việc bầu Hiển vào Chi Lăng để động viên SHB.ĐN đã là chuyện xa xỉ trong thời gian dài. Giờ đây, 2 đội bóng đều cạnh tranh ngôi vua, sẽ rất khó cho SHB.ĐN trong việc cần doping vật chất, tinh thần từ bầu Hiển, khi ở thời khắc quyết định, một khi HN.T&T vẫn đang tràn trề cơ hội, nhất là có nguy cơ bị chú em SHB.ĐN đòi lật đổ. Cũng chưa bao giờ, cầu thủ và HLV 2 đội thích nhau, muốn cho người anh em đăng quang.

Nhiều người nhận định, cái chuyện đau bụng do mắm tôm chỉ là chuyện nhỏ, bệnh “đau bụng”, “đau đầu” đã thành phong cách của đội bóng này mới là điều đáng quan tâm. 2 mùa giải gần đây, SHB.ĐN nhiều trận vấp ngã một cách khó hiểu. Sau chức vô địch năm 2009, nhiều cầu thủ SHB.ĐN đã cảm thấy hài lòng. Bản thân kế hoạch “tẩy bớt chất” Đà Nẵng của HLV Lê Huỳnh Đức cũng khiến cầu thủ địa phương không phục. Ở lượt về, nếu SHB.ĐN không có được hướng nhìn chung từ BHL đến cầu thủ, việc giành ngôi vô địch sẽ khó mà thành.

Tóm lại, điều quan trọng nhất HLV Lê Huỳnh Đức và các học trò phải cùng nhìn chung một hướng. Lúc ấy SHB.ĐN mới có thể mơ tới việc chạm tay chức vô địch mà mình hoàn toàn có thể cụ thể hóa.

SHB.ĐN và những cuộc đua vô địch

Lượt đi V-League 2006, SHB.ĐN chiếm ngôi đầu bảng và bỏ xa đối thủ ĐT.LA (năm đó vô địch) đến 11 điểm. Đội chủ sân Chi Lăng khi ấy có được 24 điểm sau 12 lượt đấu. Đến giai đoạn lượt về, SHB.ĐN chỉ kiếm vỏn vẹn 2 thắng, 4 hòa, 6 thua và tụt xuống đứng thứ 7. Một vị trí mà lãnh đạo đội bóng này thốt lên là “có trời sập cũng không tin nổi”. Còn “Gạch” kiếm đến 27 điểm (9 thắng, 3 thua) để tiến đến ngôi vô địch, với 16 điểm nhiều hơn SHB.ĐN.

* Trong hành trình vô địch V-League 2009, thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức sở hữu chuỗi 13 trận bất bại (từ 8/3/2009 đến 14/6/2009). Năm ấy, SHB.ĐN có chuỗi thành tích ấn tượng 15 thắng, 5 hòa, 6 thua và bỏ xa đối thủ xếp B.Bình Dương đến 7 điểm. Đội chủ sân Chi Lăng còn sở hữu vị trí số một suốt 20 vòng đấu liên tục, kéo dài từ vòng 6 cho đến vòng 26, kết thúc mùa giải.

* Mùa giải 2010, trong tư cách ĐKVĐ, SHB.ĐN luôn có mặt trong tốp trong nửa đầu mùa giải. Nhưng giai đoạn lượt về, do chấn thương hàng loạt, việc căng mình ở sân chơi AFC Cup khiến đội bóng rơi tự do. Thậm chí từ ngày 19/5/2010 đến 8/8/2010, SHB.ĐN chỉ có được 2 trận thắng, còn lại thua thua 7, hòa 4. Cầu thủ của họ liên tục “đau bụng” và “đau đầu”.

* Mùa giải 2011, SHB.ĐN cũng sa sút không phanh ở giai đoạn lượt về, dù chơi tưng bừng ở lượt đi. Tính từ ngày 21/5/2011 đến 16/7/2011, đội bóng áo cam chỉ thắng 2, hòa 2, thua 4, trong giai đoạn nước rút của mùa giải. Cuối cùng, SHB.ĐN chỉ có được tấm HCĐ, dù có lúc họ cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua tam mã với SLNA và HN.T&T.
Mộc Miên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục