Có một Angela Merkel của bóng đá

11:35 Thứ hai 02/07/2012

Trung tâm Hội nghị Toronto, Canada sáng ngày 27/6/2010, Hội nghị các nền kinh tế lớn G20 đang diễn ra. Thủ tướng Đức Angela Merkel quay sang bắt tay Thủ tướng Anh David Cameron rồi nói: "Tôi thành thực rất tiếc"...

Bóng đá là công việc
Hoạt cảnh trên, nếu chỉ kể nửa chừng, có thể khiến nhiều người nghĩ về một cuộc khủng hoảng kinh tế gần kề, khi lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải quay sang xin lỗi nền kinh tế... lớn thứ nhì. Nhưng câu chuyện hoàn toàn khác: bà Merkel và ông Cameron đã bỏ một buổi họp quan trọng sáng ngày hôm đó để "dán mắt vào TV" (theo lời kể của các nhân viên) xem hiệp 2 trận đấu vòng knock-out World Cup 2010 giữa Anh và Đức. Bà Merkel đã quay sang thực hiện "nghi thức ngoại giao" với ông Cameron khi hết trận, vì bàn thắng bị từ chối của Frank Lampard ở phút 39. Nhưng rất lịch thiệp, người đồng nhiệm thừa nhận rằng với phong độ đó, dù có bàn thắng của Lampard hay không, đội bóng của ông vẫn sẽ thua.

Đến tận sáng hôm sau, sau khi ghi được một "bàn thắng" quan trọng là thuyết phục những nền kinh tế khác trong khối G20 thống nhất cắt giảm nợ công xuống còn một nửa trong năm 2013, bà Merkel vẫn nhắc đến chiến thắng trước Anh trong cuộc tiếp xúc báo chí: "Đến giờ tôi vẫn phấn khích. Mọi chuyện diễn ra thật hoàn hảo, từ những đôi chân đến những cái đầu".

Đó có lẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một Angela Merkel - bóng đá, nhà lãnh đạo xuất sắc của nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà trước trận Đức gặp Hy Lạp tại tứ kết EURO 2012, báo chí châu Âu đồng loạt vẽ ra câu chuyện nửa đùa nửa thật về việc bà Merkel có thể sử dụng quyền lực kinh tế của mình để bắt Karagounis và các đồng đội, vốn đến từ một nền kinh tế đang khủng hoảng và cần sự giúp đỡ của Đức, phải cúi đầu nhận thua. Bà Merkel luôn giành một sự quan tâm đặc biệt cho bóng đá. Bỏ họp để đi xem bóng đá là một chuyện, ngay cả trong khi họp, bà vẫn là con người của bóng đá.

Cũng trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Toronto kể trên, bên lề những hội đàm căng thẳng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng, bà Merkel và nguyên thủ tướng Nhật Naoto Kan đã cùng "hẹn hò" về một trận chung kết World Cup giữa Nhật và Đức một năm... nào đó.

Có điều đó là bởi Thủ tướng Angela Merkel luôn ý thức được sức mạnh đặc biệt của bóng đá. Đội tuyển Đức trong mắt bà, không chỉ là biểu tượng cho niềm tự hào quốc gia, mà còn mang nhiều ý nghĩa xã hội khác. Đơn cử, bà Merkel coi Mannschaft là biểu tượng của sự hòa hợp xã hội. "Ở đội tuyển, những cầu thủ đến từ các CLB khác nhau phải học cách đoàn kết cả trong và ngoài sân cỏ. Trong chính trị, Đảng Dân Chủ Cơ Đốc và Đảng Dân Chủ Xã Hội cũng ngồi trong cùng một con thuyền và cần cùng có một hướng đi" - nữ Thủ tướng từng sử dụng hình ảnh đội tuyển để truyền thông điệp đến các đảng phái chính trị.

Thần hộ mệnh của bóng đá Đức
Vì mối quan tâm đặc biệt đến bóng đá, hình ảnh bà Merkel thường xuyên gắn với sự kiện lớn của đội tuyển Đức. Hồi tháng 5 năm nay, khi được hỏi về khả năng các lãnh đạo quốc gia tẩy chay EURO 2012 vì lý do chính trị, chủ tịch UEFA Michel Platini khẳng định: "Nếu Đức lọt vào trận chung kết, tôi đoán chắc madame Merkel sẽ tới dự". Tại sao bà Merkel lại được lấy làm ví dụ? Đơn giản, ít có nguyên thủ châu Âu nào lại có hình ảnh gắn chặt với ĐTQG đến thế, ngay cả cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi.

Trước mỗi giải đấu, nếu không tổ chức lễ xuất quân hoành tráng (như World Cup 2010) bà Angela Merkel cũng dành thời gian đến tận đại bản doanh của đội tuyển để trực tiếp động viên cầu thủ, như chuyến "vi hành" đến Gdansk, Ba Lan ở kỳ EURO 2012 này. Những trận đấu quan trọng, bà sẽ xuất hiện trên khán đài. Sau những thất bại (các giải đấu lớn của Đức kể từ khi bà lên nắm quyền luôn kết thúc bằng thất bại), bà đứng ra bảo vệ cầu thủ và xoa dịu dư luận.

Thủ tướng Angela Merkel động viên ĐT Đức

"Tôi rất thông cảm cho Kahn. Cho đến thời điểm đó, anh ấy đã có rất nhiều pha cứu nguy cho đội tuyển. Tất nhiên là Kahn có thể bắt dính quả bóng trong tình huống đó, nhưng chuyện gì xảy ra đã xảy ra rồi" - bà nói về pha "ói bóng" của Oliver Kahn trong trận chung kết World Cup 2002. Rất khó tìm thấy một nguyên thủ quốc gia phân tích một pha bóng cụ thể của một cầu thủ cụ thể, rất khó.

Với tư cách là người đang chèo lái con tàu kinh tế châu Âu, bà Merkel có lẽ là người hết mực chia sẻ với chủ tịch UEFA Michel Platini trong các vấn đề kinh tế bóng đá: đó cũng là một xã hội thu nhỏ, khi ông Platini đang phải vất vả đấu tranh bắt các CLB cắt giảm nợ và thắt chặt chi tiêu, giống với việc bà Merkel đang làm trên bình diện châu Âu. "Tình trạng đang rất nguy hiểm khi mà chỉ còn vài CLB trên khắp châu Âu có đủ sức tự chi trả" - nếu không nói, có lẽ người ta còn tưởng đây là một tuyên bố của chủ tịch UEFA. Nhưng đó lại là trăn trở của bà Merkel.

Thậm chí sự nhiệt thành mà bà Angela Merkel dành cho đội tuyển Đức từng khiến nhiều người nghi ngờ bà sử dụng Mannschaft như một công cụ chính trị. Hồi tháng 10/2010, chủ tịch DFB Theo Zwanziger từng nổi điên sau khi bà Merkel "vi hành" đến thăm đội tuyển ngay trong phòng thay đồ sau một trận đấu ở Berlin. Trước đó vài ngày, bà Merkel khẳng định rằng nước Đức cần thành công trong việc xây dựng một xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc. Và hình ảnh nữ thủ tướng bắt tay Mesut Oezil, một người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong phòng thay đồ không khỏi khiến những người hay nghi kỵ có suy nghĩ bà đang "lợi dụng" hình ảnh của Mannschaft.

Nhân vật trung tâm của EURO 2012
Châu Âu đang trải qua khủng hoảng kinh tế, và người chịu trách nhiệm giải cứu không ai khác là bà Merkel. Bà trở thành trung tâm của những câu chuyện bên lề EURO 2012, đặc biệt là sau khi Đức phải gặp "con nợ" Hy Lạp ở tứ kết.

CĐV Ireland, một nước cũng đang gặp khó khăn kinh tế, đã mang đến Ukraine một lá cờ lớn kèm dòng chữ thách thức: "Merkel nghĩ chúng ta đang làm việc đây". Đi kèm với các gói giải cứu, Đức luôn đưa ra các điều kiện bắt những nền kinh tế nhận trợ giúp phải cải tổ và thắt chặt chi tiêu. Nhưng thông điệp CĐV Ireland đưa ra là mặc kệ các điều kiện của Merkel, họ vẫn sẽ vui chơi thỏa thích trong mùa EURO này.

Vũ Long | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục