Bóng đá Việt Nam từ góc nhìn The Voice

10:19 Thứ bảy 15/09/2012

Buổi họp báo của BTC The Voice phiên bản Việt đã kết thúc cuối cùng đã được dàn xếp ổn thỏa trong sự nỗ lực tuyệt vời của BTC và các thành phần tham gia. Điều đó chẳng khác gì việc trung vệ Huy Hoàng được “bảo vệ” hết mực, kết thúc bằng tuyên bố trắng án, coi như kết quả sự việc là… “âm tính”. Chỉ có khán giả là sai, và thiệt thòi.

Cái thiệt thòi lớn nhất là đã lỡ tin, đã lỡ kỳ vọng vào một giá trị vượt giới hạn bình thường. Trớ trêu, sự việc vỡ lở đã khiến cho niềm tin của người hâm mộ bị vùi dập trắng trợn, tàn nhẫn.

Bóng đá là bức tranh phản ánh cuộc sống, trong đó bóng đá có sự tương đồng kỳ lạ với showbiz. Đấy là, đầy rẫy scandal và thông thường, scandal được coi là chuyện thường, được bỏ qua dễ dàng. Chính vì thế, scandal cũng là phương thức mà vô số kẻ sử dụng để đánh bóng tên tuổi, hoặc vô tình bị scandal để sự nghiệp bay bổng theo hiệu ứng của nó.

Chưa biết chừng, nữ nhạc sỹ Phương Uyên lại càng nổi tiếng, tương tự là Huy Hoàng. Tuổi đã xế chiều sự nghiệp, đá bóng cũng bắt đầu lởm khởm, bỗng dưng Hoàng được khắp hang cùng ngõ hẻm nhắc đến, chưa biết chừng hiệu ứng ngược.

Nếu Huy Hoàng có phê thuốc thật, người ta chẳng còn ngạc nhiên bởi đấy là chuyện thường ngày của thế giới cầu thủ. Có điều, các CLB đã cố tình bưng bít, thỏa hiệp những cái xấu của cầu thủ, bởi “xấu chàng, hổ ai”.

Vụ việc của Huy Hoàng đã khiến niềm tin của người hâm mộ vào bóng đá Việt Nam bị thương tổn nghiêm trọng. Ảnh: VSI

Đấy là căn bệnh chung của bóng đá ta. 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, BTC mùa nào cũng bằng mọi giá vo tròn những sự cố để mong giải về đích an toàn, thành công tốt đẹp. Nhức nhối nhất là những trận cầu sắc mùi tiêu cực, dư luận kêu gào mặc kệ, BTC luôn đánh giá là “âm tính”, không xử vì không có bằng chứng. Nghịch lý ở chỗ, Điều lệ giải vẫn có quy định có thể xử lý các trận đấu cuội, căn cứ vào thái độ thi đấu của cầu thủ 2 đội, băng hình, sự phản ứng của dư luận, khán giả, báo cáo giám sát… Vậy mà, những cơ sở đó hầu như bị lãng quên.

Sau cơn dâu bể năm 2005, nghĩ lại mới thương khán giả. Họ đâu biết bao năm dài, mình bị trọng tài, cầu thủ, cho ăn “bánh vẽ” nhiều như thế. Đau lòng hơn, những bản nhận xét của giám sát, lực lượng lẽ ra phải nghiêm túc nhất, thì đa số đều đưa các trận đấu có kết quả “âm tính”.

Năm nào cũng vậy, kể cả mùa giải đầu tiên VPF điều hành, mấy vòng cuối lại tái phát bệnh đá giả. Nổi cộm hơn cả vẫn là vòng cuối, để rồi SHB.ĐN vô địch trong sự nâng đỡ của người anh em HN.T&T. Người ta bảo đá làm gì khi làm sao chống lại nổi 2 đội bóng của bầu Hiển. Lẽ ra sẽ tránh được vấn nạn một ông chủ 2 đội bóng, nếu như VFF kiên quyết cấm từ đầu. Đã có không ít đội bóng, cá nhân được tạo điều kiện để đứng trên luật. Dư luận cũng từng hết sức nghi ngờ, cảnh báo và dự đoán N.SG sẽ được cứu bằng mọi giá (năm 2010), sau bản thông báo số 19 của BTC với nội dung đầy rắc rối nhưng rất có lợi cho đội bóng TP.HCM. Kết quả, đội bóng của thầy trò HLV Mai Đức Chung năm đó “phục sinh” thật.

Rốt cục, chỉ có khán giả là thiệt thòi. Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào bóng đá nhưng chỉ đổi lại những giá trị phù vân khi không ít giá trị tích cực mà bóng đá nước nhà từng gây dựng cả trong chiến tranh lẫn thời kỳ bao cấp bị mai một.

Với hiệu quả mang lại quá thấp, bóng đá có nhất thiết phải tốn tiền nhiều thế không?
Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục